Nhận nhiều khoản thu từ ngân sách tỉnh

09/12/2014 14:43

Theo tờ trình của UBND tỉnh, TP Hải Dương, thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn sẽ được giữ lại một số khoản thu mà trước đây phải nộp về ngân sách tỉnh...


>>
Tội phạm ma túy, cờ bạc tăng mạnh
>>Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XV
>>
Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp(*)




Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quế. Ảnh: Thành Chung

Chiều 9-12, HĐND tỉnh nghe đồng chí Nguyễn Văn Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đọc tờ trình về việc quy định một số cơ chế đặc thù về tài chính đáp ứng nhu cầu nâng cấp đô thị đối với TP Hải Dương lên đô thị loại I, thị xã Chí Linh lên đô thị loại III và huyện Kinh Môn lên thị xã.

Tờ trình nêu rõ, để tạo sự chủ động cho TP Hải Dương, thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn, kích thích khai thác và thu thút nguồn lực tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, chỉnh trang đô thị nhằm đạt tiêu chuẩn đô thị cao hơn hiện nay, UBND tỉnh đề xuất cơ chế đặc thù về tài chính đối với 3 địa phương này.

Về tỷ lệ điều tiết tiền sử dụng đất: Đối với đất dự án, theo đề xuất mới ngân sách huyện sẽ được giữ lại toàn bộ (trước kia nộp ngân sách tỉnh 60%, huyện giữ lại 40%). Đất tại huyện Kinh Môn (trừ đất dự án) sẽ được điều tiết theo tỷ lệ: đất khu vực thị trấn, ngân sách huyện 55%, ngân sách xã 45% (trước kia ngân sách tỉnh 10%, huyện 45% và xã 45%); đất khu vực thị xã, huyện 40%, xã 60% (trước tỉnh 10%, huyện 30%, xã 60%). Đất chuyên dùng, đất đô thị do TP Hải Dương, Chí Linh và Kinh Môn quản lý thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng, ngân sách cấp huyện được giữ lại toàn bộ (trước kia nộp về ngân sách tỉnh). Về tỷ lệ phân chia các khoản thuế, phí bảo vệ môi trường: Đối với doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh khi đóng phí bảo vệ môi trường nước thải, khí thải, chất thải rán, khai thác khoáng sản; thuế bảo vệ môi trường (trừ thu từ xăng dầu) sẽ được nộp về ngân sách cấp huyện (trước kia nộp về tỉnh).

UBND tỉnh đề xuất tăng định mức chi bảo dưỡng thường xuyên đường giao thông cho TP Hải Dương, Chí Linh và Kinh Môn do đặc thù đô thị và nằm trên địa bàn có lưu lượng và mật đô xe đi lại lớn. Theo đó, TP Hải Dương được hỗ trợ tăng thêm 17 triệu đồng/km; thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn tăng thêm 10 triệu đồng/km.

Về vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung giai đoạn 2015-2020, UBND tỉnh yêu cầu TP Hải Dương, thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn chủ động bố trí vốn đầu tư từ ngân sách quản lý để thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản và tiếp tục đầu tư hoàn thành dự án. TP Hải Dương với các hạng mục: đường Vũ Hựu kéo dài, giai đoạn một đường Nguyễn Thị Duệ (chợ Mát - cầu Đồng Niên), đường Chương Mỹ kéo dài và xây dựng hệ thống thoát nước và trồng cây xanh ven quốc lộ 5 (đoạn km45,3 - km 54,6). Tổng mức đầu tư các dự án này là 108 tỷ 647 triệu đồng, trong đó vốn đã bố trí hơn 79 tỷ đồng. Thị xã Chí Linh gồm 3 dự án với tổng mức đầu tư gần 56 tỷ 492 triệu đồng, gồm: tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Chu Văn An, khu di tích núi Phượng Hoàng (giai đoạn 3); đường vào dich tích đình làng Đọ Xá, phường Hoàng Tân; tu bổ, tôn tạo đền thời Thầy giáo Chu Văn An. Hiện 3 dự án này đã được bố trí vốn hơn 25 tỷ 400 triệu đồng. Huyện Kinh môn với 1 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi thủy sản tập ở xã Minh Hòa với tổng vốn đầu tư 31 tỷ 375 triệu đồng, vốn đã được bố trí hơn 5 tỷ 450 triệu đồng.

Hơn 3,1 tỷ đồng/năm cho hoạt động của 37 thôn, khu dân cư mới

HĐND tỉnh nghe đồng chí Nguyễn Văn Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày tờ trình về việc thành lập 37 thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sẽ thành lập mới 19 thôn tại các xã thuộc huyện: Kim Thành, Thanh Hà và Tứ Kỳ; 18 khu dân cư tại thị trấn Gia Lộc và các phường, xã thuộc TP Hải Dương.



Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Thành Chung

Theo tờ trình của UBND tỉnh, 37 thôn, khu dân trên mặc dù chưa được cấp có thẩm quyền quyết định nhưng về cơ bản đã hoạt động theo mô hình thôn, khu dân cư. Các đơn vị hành chính này đã có nhà văn hóa, sân thể thao và tổ chức đoàn thể hoạt động ổn định; có diện tích đất ở và đất sản xuất tại các thôn được nhà nước giao từ năm 1993 bằng mức bình quân chung của xã; các khu dân cư mới tại các phường, xã thuộc TP Hải Dương và thị trấn Gia Lộc huyện Gia Lộc đã có quy hoạch. Ngoài ra, nhiều xã chỉ có 1 thôn hoặc có những thôn có diện tích tự nhiên, dân số quá lớn nên chính quyền xã gặp nhiều khó khăn trong tổ chức hoạt động và bất cập trong công tác phát động các phong trào thi đua ở địa phương...

Do đó, UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh thông qua việc cho phép huyện Kim Thành tăng thêm 9 thôn: Tuấn Hưng tăng 1 thôn, Kim Lương tăng 2 thôn và Kim Anh tăng 4 thôn. Huyện Thanh Hà tăng thêm 7 thôn: Thanh Lang tăng 2 thôn,  Hồng Lạc tăng 5 thôn. Huyện Tứ Kỳ tăng 3 thôn ở xã Đông Kỳ. Sau khi tách thôn, Đông Kỳ sẽ có 4 thôn. Thị trấn Gia Lộc (Gia Lộc) tăng 5 khu dân cư, từ 3 lên 8 khu dân cư. TP Hải Dương tăng 13 khu dân cư: Phường Tân Bình tăng 2 khu, từ 10 lên 12 khu dân cư. Phường Thanh Bình tăng 5 khu, từ 7 lên 12 khu dân cư. Phường Hải Tân tăng 5 khu, từ 9 lên 14 khu dân cư. Xã Nam Đồng tăng 1 khu, từ 5 lên 6 thôn, khu dân cư.

Sau khi thành lập 37 thôn, khu dân cư mới, tổng số thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh tăng từ 1.432 lên 1.469 (gồm 1.112 thôn và 357 khu dân cư). Kinh phí tăng thêm cho các hoạt động và phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách của 37 thôn, khu dân cư hơn 3 tỷ 119 triệu đồng/năm.

SỸ THẮNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhận nhiều khoản thu từ ngân sách tỉnh