Nhầm

26/06/2011 09:22

Trong đời sống, "nhầm" là một trạng thái thường xảy ra và gây nhiều tác hại khác nhau. Người xưa từng nói: "Một lần lầm lỡ để hận ngàn năm. Ngoái đầu nhìn lại ngậm cười chín suối".

Nhầm nhỏ gây tác hại trong quan hệ gia đình, người thân hoặc bạn bè. Nhầm lớn có thể gây tổn thất cho cả một quốc gia. Nói đến sự nhầm cũng thật đa dạng. Có cái nhầm đáng yêu, có cái nhầm tai hại. In nhầm một chữ làm câu thơ bừng sáng, như trường hợp in thơ Nguyễn Bính trong bài "Gửi người vợ miền Nam" ông viết: "Yêu con lại nhớ lời chồng/Lấy thân làm bức thành đồng cho con". Đến khi lên báo, chữ "cho" in nhầm thành chữ "che": “Lấy thân làm bức thành đồng che con". Nguyễn Bính rất tâm đắc vì sự "nhầm" này, chữ "cho" bị động bao nhiêu thì chữ "che" mạnh mẽ và chủ động bấy nhiêu, ông cảm ơn nhà in và nói "quần chúng sáng tạo thật tài tình". Nhưng, cũng có trường hợp một tờ báo in nhầm ảnh Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi bằng ảnh ông Dương Khuê là một vị quan triều Nguyễn. Sự nhầm này đã gây xôn xao dư luận không hay trong ngày lễ kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi.

Có thể nói "nhầm" thường dẫn đến tai hại nhiều hơn ta tưởng. Xử nhầm một vụ việc, gây oan khuất cho người ta cả một đời. Nghe nhầm thì truyền đạt sai sự thật. Đi nhầm đường ắt sẽ lạc lối. Cũng có khi người ta lợi dụng cái sự "nhầm" để vụ lợi cá nhân, làm hại người khác; lợi dụng cái "nhầm" để vụ lợi cho một nhóm và làm hại cho cộng đồng... Bác Hồ từng lấy chuyện “đánh cờ” để khuyên ta "Hãy nhìn cho rộng, suy cho kỹ" nếu không sẽ "lạc nước hai xe đành bỏ phí". Đây cũng là lời nhắc nhở để tránh cái sự "nhầm". Bởi vậy, bàn đến sự "nhầm" cũng là để cùng nhau nhìn lại mình; nếu sớm nhận ra "nhầm" thì sẽ sửa được sai.

NGUYỄN HUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhầm