Năm 1966 là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất nhạc sĩ Thuận Yến được gặp Bác Hồ tại Phủ chủ tịch cùng một tốp diễn viên tới biểu diễn cho Bác xem. Sự ân cần của Bác đã để lại nhiều ấn tượng đối với ông. Năm 1979, ca khúc “Bác Hồ một tình yêu bao la” ra đời, ca khúc lấy cảm hứng từ lần gặp Bác đầu tiên năm đó. Bài hát được ca sĩ Thanh Hoa hát đầu tiên trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, được rất nhiều người yêu thích, ghi đậm trong lòng khán giả cả nước. Từ thành công đầu tiên viết về Bác, nối tiếp những nguồn cảm xúc sẵn có, hàng chục ca khúc viết về Bác ra đời như: Vầng trăng Ba Đình (phổ thơ Phạm Ngọc Cảnh), Miền Trung nhớ Bác... Về ca khúc Miền Trung nhớ Bác, nhạc sĩ Thuận Yến cho biết, năm 1979 ông được mời về Nghệ An, đến thăm Kim Liên (Nam Đàn). Ở đây, ông nghe kể: Lần duy nhất Bác về thăm quê sau nhiều năm bôn ba ở nước ngoài, Bác về quê nhưng không đi trên đường lớn mới trải nhựa mà lại đi trên con đường ngày xưa mà Bác đã từng đi. Đây là ý tưởng để nhạc sĩ sáng tác bài hát này.
Nhạc sĩ nói: “Bác Hồ là nguồn cảm hứng vô tận của tôi và tôi vẫn không dừng lại ở đó”. Nghĩa là ông sẽ tiếp tục viết về Bác.Trong 24 ca khúc, ca khúc nào cũng xuất phát từ lòng kính yêu Bác.
Người nhạc sĩ viết nhiều ca khúc hay về Bác ấy, có tên thật là Đoàn Hữu Công, sinh ngày 15-8-1935 tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Ông tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm1949, là cán bộ của Đoàn văn công Khu uỷ Liên khu 5, sau ra Bắc học lớp trung cấp sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia), rồi trở lại chiến trường miền Nam lấy bút danh là Thuận Yên (lấy hai chữ cuối Duy Thuận quê cha, Duy Yên quê mẹ, nhưng khi gửi bài hát từ chiến trường ra Hà Nội, biên tập viên lại ghi nhầm là Thuận Yến và bút danh Thuận Yến có từ đó.
LÊ HỒNG BẢO UYÊN