Nhà thờ và lăng mộ họ Nguyễn Đức

27/08/2013 05:46

Nhà thờ và lăng mộ họ Nguyễn Đức là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật gắn với việc thờ tự thượng tổ họ Nguyễn Đức - Nguyễn Tự Như...



Nhà thờ họ Nguyễn Đức


Nhà thờ và lăng mộ họ Nguyễn Đức thuộc thôn Bình Đê, xã Gia Khánh (Gia Lộc) là một di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật gắn với việc thờ tự thượng tổ họ Nguyễn Đức - Nguyễn Tự Như và hai nhân vật được triều Nguyễn ghi danh là Nguyễn Đức Nhượng và Nguyễn Đức Tú có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng đất nước, khuyến học, khuyến tài.


Nhà thờ họ Nguyễn Đức xây dựng vào mùa đông năm Ất Mùi, niên hiệu Thành Thái (1895), trùng tu, tôn tạo vào năm 1937,  được bố trí theo kiểu chữ nhị gồm tòa tiền tế 3 gian, hậu cung 5 gian song song ở phía sau. Trên mái tiền tế có bốn góc đao cong vút, tạo sự thanh thoát, mềm mại cho nhà thờ. Kết cấu vì nóc gồm 3 vì kèo kiểu kèo cầu. Do năm tháng và chiến tranh nên hệ thống cột cái, cột quân của tòa tiền tế bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1995, dòng họ thay thế bằng các cột bê-tông, riêng hoành, rui, vì kèo và phần ngoại thất được giữ nguyên. Tòa hậu cung được kiến tạo kiểu thu hồi bít đốc, tạo dáng quai chảo.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhà thờ họ Nguyễn Đức là nơi nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng của địa phương và cũng là trụ sở làm việc của Công an tỉnh.

Theo hệ thống bia ký hiện lưu giữ tại nhà thờ và lăng mộ họ Nguyễn Đức, sách “Gia phả khảo luận và thực hành” của Dã Lan, Nguyễn Đức Dụ (Nhà xuất bản Văn hoá - Hà Nội 1992) thì tiểu sử cụ Nguyễn Đức Nhượng và Nguyễn Đức Tú có thể tóm tắt như sau: Cụ Nguyễn Đức Nhượng (đời thứ 7) trước có tên là Vượng, thuỵ là Ý Mục, sinh năm Giáp Tý (1804). Tháng 11, giờ Mão đỗ ba khoa tú tài. Khoa Nhâm Dần, Thiệu Trị nhị niên (1842) đậu cử nhân thứ tám, làm Án sát sứ Quảng Yên, được truy tặng Hàn lâm viện Thị giảng học sĩ. Lúc làm quan gặp toàn chỗ phiền nghịch, ở Lạng Sơn 10 năm, mặt lo dẹp giặc phương Bắc quấy rối, mặt lo chiêu tập đám dân Lạng Sơn lưu tán vì nạn tặc phỉ. Giặc yên, thăng thụ Giám sát Nhự sử ở đạo Ninh Thái. Năm Tự Đức thứ 17 (1864), được nguyên hàm về làng hưu dưỡng, mất ngày 12 tháng 9 năm Đinh Hợi (1887). Chính thất là Nguyễn Quý Thị, tên húy là Tốn, con gái Tiến sĩ Nguyễn Duy Hài, được tặng sắc “tòng tứ phẩm cung nhân”.

Cụ Nguyễn Đức Tú (đời thứ 8) còn có tên gọi khác là Hy Chân, sinh ngày 2 tháng 9, giờ Dần, đậu cử nhân khoa Đinh Mão (1867). Năm Tự Đức thứ 20 (1867), thoạt tiên bổ tri huyện Đông Anh. Vùng này thường gọi là đạo tặc lâm (rừng giặc cướp), viên huyện cũ khi trước chính thể nghiêm khắc, tù giam hơn 30 người. Hy Chân về, thay đổi chính sách lấy nhân trị loạn, những tướng cướp lúc trước trốn tránh ông đều cho gọi ra làm kỳ mục. Ngày Tết Nguyên đán, can phạm nào có người nhà bảo lãnh, ông cho về ăn Tết, trước sau trong hạt được yên tĩnh. Năm Đồng Khánh thứ 2 (1887), làm Bắc Kỳ kinh lược Nha Tham biện, rồi Án sát sứ Vĩnh Yên, lại cải Án sát sứ Hưng Yên. Năm Thành Thái thứ 4 (1892), thăng Quang lộc tự thiếu khanh. Năm Thành Thái thứ 5 (1893), thăng Quang lộc tự khanh lĩnh Tuần phủ Hưng Yên. Năm Thành Thái thứ 6 (1894), bổ Tuần phủ Hải Phòng. Năm Thành Thái thứ 8 (1896), thăng Thị lang. Trong mấy chục năm làm quan, ông chỉ lấy lòng khoan dung nhân hậu mà cảm hoá được tặc phỉ hung hãn. Ông là người có tài thơ văn, đối trướng được người trong hạt truyền tụng. Lúc Hy Chân về, ông ngồi thiết trướng ở tỉnh Đông quê nhà và Hưng Yên, môn sinh đến thọ giáo rất đông, nhiều người thành đạt. Vợ là con gái Án sát sứ Nghệ An Bùi Đình Chí, quê ở Văn Hội, Hán Triền.

Lăng mộ họ Nguyễn Đức được xây cùng thời với nhà thờ, gồm có hai khu. Khu một nằm ở Giếng Ông, cách nhà thờ họ khoảng 200 m về hướng bắc, tọa lạc trên một thửa đất vuông vắn có diện tích 160 m2. Tại đây có hai lăng mộ. Lăng mộ thứ nhất của cụ Nguyễn Đức Nhượng cao 3,65 m, phía trên tạo dáng hồ lô cao 40 cm. Chất liệu gạch. Mặt trước lăng có 5 chữ Hán, mặt sau lăng đắp nổi hình tượng hổ phù, hai mặt bên trang trí hoa chanh. Bên trong lăng có bia. Lăng mộ thứ hai của cụ bà Nguyễn Quý Thị, cao 2,15 m, rộng 90 cm; chóp 65 cm. Chất liệu gạch. Bên trong lăng có bia. Tại khu lăng mộ này có 4 pho tượng hầu, chất liệu đá còn khá nguyên vẹn, niên đại vào thời Nguyễn. Khu hai nằm ở Đồng Bến, cách nhà thờ khoảng 500 m về hướng bắc là khu lăng mộ cụ Nguyễn Đức Tú. Trước đây, lăng mộ của cụ Nguyễn Đức Tú nằm ở khu Giếng Ông cùng lăng mộ cụ Nguyễn Đức Nhượng. Năm 1966, con cháu trong dòng họ đã đưa lăng mộ cụ Nguyễn Đức Tú cùng 4 pho tượng thờ di chuyển vào khu Đồng Bến. Tại khu lăng mộ này, ngoài của cụ Nguyễn Đức Tú còn có phần mộ của Lễ bộ tham tri Nguyễn tướng công nam tử tú tài khoa Tân Mão, thưởng thụ Hàn lâm viện đãi chiếu Nguyễn Quý Công, tên húy là Đức Nột, tên hiệu là Thuận Nam, sinh năm Tự Đức thứ 12 (1858), mất năm Bảo Đại nguyên niên (1926), cháu cụ Nguyễn Đức Nhượng. Khu lăng mộ này có kiến trúc khá đẹp.

Nhà thờ và lăng mộ họ Nguyễn Đức hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật thời Nguyễn (thế kỷ XIX) có giá trị gồm chất liệu gỗ, gốm và đá, đặc biệt là hệ thống bia ký, câu đối, đại tự, cuốn thư, bài vị...

Ngày 14-12-2011, UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng nhà thờ và lăng mộ họ Nguyễn Đức là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật.

ĐẶNG THU

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà thờ và lăng mộ họ Nguyễn Đức