Các nhà thơ Việt Nam hầu như nhà thơ nào cũng viết về Bác, nhưng viết nhiều và hay về Bác thì không phải là nhiều. Người có nhiều tác phẩm thành công nhất về Bác phải kể đến Tố Hữu - nhà thơ lớn, ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng và hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Chính vì kính trọng Bác, nên Tố Hữu nghĩ rằng thơ viết về Bác phải đẹp như Bác mới tương xứng cái tâm, cái tầm vĩ đại của Bác. Nhà thơ không thỏa mãn với một bài thơ viết về Bác đã được công bố trên báo chí, để rồi hai mươi năm sau Tố Hữu vẫn sửa lại bài thơ này. Nhà báo lão thành Đinh Chương sau này kể lại với anh Trần Danh Lân, phóng viên Báo Nhân Dân về chuyện này: “Trên báo Nhân Dân vào dịp sinh nhật Bác 19-5-1951 có in bài thơ “Bác” của Tố Hữu, nhưng chỉ mấy tháng sau, ngày 23-10-1951 báo Nhân Dân đăng lại bài thơ này, nhưng đã sửa một số câu, từ...”.
Trong lần in thứ nhất (19-5) mười câu đầu nguyên văn là:
“Vui sao một sáng tháng năm
Chút lòng nho nhỏ lên thăm Bác Hồ.
Suối dài xanh mướt nương ngô
Bốn phương phẳng lặng thủ đô gió ngàn.
Bác kêu con đến bên bàn
Bác ngồi Bác viết nhà sàn đơn sơ
Con bồ câu trắng ngây thơ
Nó đi tìm thóc quanh bồ công văn
Lát rồi chim nhé, chim ăn
Bác Hồ bận tiếp khách văn đến nhà…”
Hai năm sau, vào tháng 6-1953, biết tin nhà báo Đinh Chương có cuốn sổ tay chép các bài thơ hay bằng nét chữ rất đẹp, trong đó có bài thơ "Bác" của Tố Hữu. Nhà thơ Tố Hữu nhắn nhà báo Đinh Chương đến cơ quan viết tin bài cho nhiệm vụ mới, thấy Đinh Chương luôn giữ cuốn sổ tay đó bên mình. Tố Hữu hỏi:
- Cậu ôm cuốn sổ nhỏ ấy để làm gì thế? Hình như chỉ để chép thơ phải không?
- Dạ phải!
- Thế cậu thấy bài thơ “Bác” của mình ra sao?
- Nhưng…
- Nhưng thế nào?
Thấy Đinh Chương rụt rè, e ngại, nhà thơ Tố Hữu giục:
- Cậu cứ mạnh dạn nhận xét thẳng bài thơ ấy đi!
Đinh Chương trầm tĩnh thưa:
- Em cảm nhận anh còn có thể viết bài thơ ấy hay hơn.
Tố Hữu ngẫm nghĩ giây lát:
- Mình cũng đang có ý định chữa lại. Này, cậu để tớ cầm cuốn sổ tay này, ba ngày nữa mình trả. Thông cảm nhé vì mình không giữ được bản thảo, cả tờ báo Nhân Dân ra ngày 20-5-1951.
Đúng hẹn, ba ngày sau Đinh Chương đến chỗ làm việc của Tố Hữu. Cầm cuốn sổ, Đinh Chương thấy bài thơ “Bác” đã được sửa bằng những nét chữ mực đỏ. Tên bài thơ “Bác” được sửa thành “Sáng tháng năm”.
Nhìn Đinh Chương, Tố Hữu ái ngại nói:
- Cậu thông cảm cho mình nhé, chữ cậu đẹp cậu chép lại giùm mình bài thơ này nhé! Có lẽ phải nhờ báo Nhân Dân đăng lại giúp…
Hơn một năm sau, bài thơ “Sáng tháng năm” được đăng trọn vẹn trên báo Nhân Dân ra ngày 23-10-1954. Bài thơ đã được sửa, chúng ta thấy chất trữ tình sâu đậm hơn, từ ngữ chuẩn mực hơn. Ví dụ câu: “Đường về Việt Bắc” thay cho “Chút lòng nho nhỏ”. Từ “lồng lộng” thay cho “Phẳng lặng”. Câu: “Nó đi tìm thóc, quanh bồ công văn” thay bằng: “Nó đi tìm thóc nhởn nhơ quanh nhà”. Câu “Bác Hồ bận tiếp khách văn” thay bằng “Bàn tay con nắm tay cha”.
Sau này có một cán bộ cấp cao nói với Tố Hữu: Sao để con bồ câu đi quanh bồ công văn, công văn gì mà lại để trong bồ. Tố Hữu có sửa lại nhưng sau rồi thấy tiếc, bởi đó chính là hình ảnh thật, nên lại để như cũ câu “Con bồ câu trắng ngây thơ, nó đi tìm thóc quanh bồ công văn”.
Qua câu chuyện nhà thơ Tố Hữu sửa thơ trên đây, chúng ta thấy lao động thơ là không ngừng nghỉ, nhà thơ không bao giờ thỏa mãn với tác phẩm của mình, dù là nhà thơ lớn, nổi tiếng như Tố Hữu vẫn luôn sáng tạo, tôn trọng bạn đọc, nhất là những tác phẩm viết về Bác Hồ. Bác bình thường, giản dị, nhưng vĩ đại. Viết về Bác thật dễ mà cũng thật khó.
LÊ HỒNG BẢO UYÊN (st)