Sau này tuy đã hiểu ra vấn đề Nguyễn Xuân Sanh cũng không đi lấy tiền nhuận bút mà để anh em trong nhóm "Xuân Thu nhã tập" đến lĩnh về "tiêu hộ" lúc nào không hay biết.
Nhắc tới Nguyễn Xuân Sanh, chúng ta nghĩ ngay tới nhóm "Xuân Thu nhã tập" gồm Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Lương Ngọc, Phạm Văn Hạng, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Xuân Sanh, đủ bộ cầm kỳ, thi, họa. 6 người đều thống nhất lấy 6 chữ "Tri thức, đạo đức, sáng tạo" làm tôn chỉ mục đích.
Nguyễn Xuân Sanh làm thơ từ năm 13 tuổi nhưng đến năm 1940 ông mới có bài thơ "Xây mơ" đăng trên báo Tiếng địch. Bài này do Chế Lan Viên gửi, sau được nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, một thành viên trong nhóm "Xuân Thu nhã tập" phổ nhạc. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát coi đây là một cuộc duyên kỳ ngộ giữa thơ và nhạc.
Tiếp đó một báo khác in lại bài thơ trên. Sau bài thơ "Xây mơ" được đăng, một hôm Nguyễn Xuân Sanh đến nhà Xuân Diệu và Huy Cận (lúc đó ở phố Hàng Than, Hà Nội) đang trò chuyện thơ văn, Xuân Diệu chợt bảo: "Này, bài Xây mơ của cậu được đăng rồi, mau đến tòa soạn lấy tiền nhuận bút đi".
Câu nói ấy làm cho Nguyễn Xuân Sanh nức nở khóc ngay tại nhà Xuân Diệu, không phải xúc động khi bài thơ lần đầu được đăng, mà như chạm vào lòng tự trọng, vì tâm hồn trong sáng không bao giờ nghĩ đến chuyện đăng thơ để lấy tiền cả. Một bài thơ mà tác giả đã dồn nén bao nhiêu tư tưởng, tình cảm, viết và sửa trong một thời gian dài (1936-1938), vậy mà tại sao có thể đem trả bằng đồng tiền? Nghĩ là người ta đã đùa ác mình nên Nguyễn Xuân Sanh tủi thân khóc.
Sau này tuy đã hiểu ra vấn đề Nguyễn Xuân Sanh cũng không đi lấy tiền nhuận bút mà để anh em trong nhóm "Xuân Thu nhã tập" đến lĩnh về "tiêu hộ" lúc nào không hay biết.
LÊ HỒNG DẠ THƯƠNG(st)