Rác thải đang là vấn đề bức xúc. Thời gian qua, UBND tỉnh chấp nhận chủ trương đầu tư xây dựng một số nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt (RTSH).
Ông Vũ Ngọc Long, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Báo Hải Dương phỏng vấn ông Vũ Ngọc Long, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường xung quanh việc này.
- Sắp tới, Hải Dương sẽ có thêm một số nhà máy xử lý RTSH. Việc xây dựng các nhà máy này có giải quyết được những bức xúc về rác thải hiện nay hay không?
- Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường phát sinh từ RTSH của người dân ngày càng gia tăng. Một số địa phương còn tồn tại nhiều điểm đổ rác thải tự phát, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới mỹ quan và đời sống của người dân. Theo tính toán sơ bộ, lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh khoảng 1.012 tấn/ngày đêm. Hiện nay, biện pháp chủ yếu để xử lý CTR sinh hoạt là đốt và chôn lấp. Mặc dù vậy, nhiều bãi chôn lấp RTSH tại khu vực nông thôn chưa bảo đảm yêu cầu về vệ sinh môi trường.
Trên địa bàn tỉnh hiện mới có 3 nhà máy xử lý RTSH tập trung với tổng công suất thiết kế khoảng 495 tấn/ngày đêm, đáp ứng khoảng 49% tổng lượng rác cần xử lý. Việc xây dựng thêm các nhà máy xử lý rác thải tập trung là một biện pháp quan trọng để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường phát sinh từ RTSH.
- Theo ông, ngoài xây dựng thêm các nhà máy xử lý rác thải, cần thực hiện những biện pháp gì để giảm thiểu ô nhiễm môi trường?
- Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường từ RTSH, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới huyện, xã, rất cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Thời gian tới, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cần triển khai đồng bộ nhiều biện pháp như tiếp tục quán triệt, phổ biến rộng rãi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt đối với việc thu gom, xử lý rác thải. Tăng cường tuyên truyền, vận động xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, hình thành ý thức bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường trong nhân dân, thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.
Các sở, ngành liên quan cần tổ chức rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh về CTR. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường và thu gom rác thải. Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và các trang thiết bị để phục vụ tốt việc thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý rác thải, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Ưu tiên giải pháp phân loại và xử lý rác thải tại nguồn. Tích cực nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, đổi mới công nghệ, lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý CTR. Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTR. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong thực hiện sản phẩm dịch vụ công ích theo quy định của pháp luật.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
VỊ THỦY (thực hiện)