Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc vào châu Âu đã chạm con số kỷ lục 65 tỷ euro (79 tỷ USD) trong năm 2017, so với chưa đến 2 tỷ euro (2,5 tỷ USD) hồi năm 2010.
Biểu tượng của hãng Mercedes-Benz thuộc tập đoàn Daimler gắn trên ôtô tại Bailleul, Pháp ngày 27.8.2013. Nguồn: AFP/TTXVN
Đầu tư của Trung Quốc vào Đức nói riêng và Liên minh châu Âu (EU) nói chung đã là chủ đề nóng và lại được nhen nhóm lên từ cuối tuần qua, khi Daimler loan báo việc một tỷ phú Trung Quốc mua gần 10% cổ phần của Daimler để trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất của nhà sản xuất ôtô này của Cộng hòa Liên bang Đức.
Cơ hội đi kèm thách thức
Lượng vốn đầu tư Trung Quốc đổ vào thị trường vào EU đã tăng mạnh trong những năm gần đây.
Theo số liệu từ Baker McKenzie, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc đại lục vào châu Âu đã chạm con số kỷ lục 65 tỷ euro (79 tỷ USD) trong năm 2017, so với chưa đến 2 tỷ euro (2,5 tỷ USD) hồi năm 2010.
Theo báo cáo gần đây của tổ chức Think-tank Network on China (ETNC) tại châu Âu, các nền kinh tế châu Âu sở hữu những tài sản và tiềm năng mà nhà đầu tư Trung Quốc “thèm khát” như các công nghệ tân tiến, thị trường chung lớn nhất thế giới, mạng lưới doanh nghiệp hiện hữu trên toàn cầu, các thương hiệu uy tín, chuỗi giá lớn, môi trường chính trị luật pháp ổn định.
Về phía châu Âu, kể từ cuộc khủng tài chính 2008, nhiều đô thị và trung tâm kinh tế tại châu Âu đang coi Trung Quốc như là một cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng. Do đó, thúc đẩy quan hệ đầu tư song phương đang là vấn đề được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự giữa hai bên.
Tuy nhiên, tầm mức của các khoản đầu tư từ Trung Quốc đang làm dấy lên những lo ngại tại “lục địa già,” khi các nhà hoạch định chính sách trong khối tỏ ra quan ngại về nguy cơ sẽ mất vị trí dẫn đầu về công nghệ và sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia.
Ngày 27.2, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh các thành viên của Liên minh châu Âu khi tham gia vào những sáng kiến cơ sở hạ tầng do Chính phủ Trung Quốc khởi xướng phải nhận thức rõ lập trường về chính sách đối ngoại chung của khối đối với Trung Quốc.
Mục tiêu của Chính phủ Trung Quốc là cho đến khi kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (năm 2049), nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ trở thành nước công nghiệp phát triển hàng đầu.
Những lĩnh vực mà Trung Quốc quan tâm săn lùng ở nước ngoài là công nghiệp hàng không vũ trụ, giao thông đường sắt, chế tạo máy công cụ, công nghệ người máy, máy móc y tế và hóa chất.
Đây là những ngành nghề mà Berlin có thế mạnh dẫn đầu. Vì vậy, Đức là mục tiêu số một trong chiến dịch săn lùng công nghệ cao của Trung Quốc. Năm 2017, số tiền Trung Quốc bỏ ra mua công nghệ Đức đạt mức cao 12,1 tỷ euro (năm 2016 là 11 tỷ euro, trong khi 7 năm trước chỉ ở mức 100 triệu euro).
Giải pháp đối phó
Sau khi Daimler bất ngờ thông báo thông tin về việc tỷ phú Trung Quốc Lý Thư Phúc lặng lẽ gom mua được 9,69% cổ phần trị giá 7,2 tỷ euro của Daimler, Chính phủ Đức khẳng định sẽ xem xét lại quy định về việc các nhà đầu tư cần thông báo việc nắm giữ cổ phần ở một công ty hay doanh nghiệp.
Trong bản báo cáo của Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội Liên bang Đức, có đề cập đến việc chính phủ liên bang sẽ xem xét lại các quy định hiện hành, đánh giá liệu những công cụ đó có đủ độ minh bạch và có cần thêm các hướng dẫn chi tiết hay không.
Đức từng siết chặt quy định về thông báo tỷ lệ cổ phần nắm giữ sau vụ nhà sản xuất ôtô Porsche lặng lẽ mua đến 30% cổ phần của Volkswagen vào năm 2008 và nhà cung cấp phụ tùng ôtô Schäffler âm thầm mua 1/3 cổ phần của đối thủ Continental.
Các thương vụ này bị đánh giá là thiếu minh bạch và lợi dụng các quy định quản lý còn khá lỏng lẻo.
Năm ngoái, Chính phủ Đức được mở rộng quyền hạn trong việc kiểm soát các hồ sơ dự thầu mua lại công ty hay doanh nghiệp Đức từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong các ngành ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng quan trọng.
Trong một phát biểu với báo chí hồi cuối tháng 1, Thứ trưởng Bộ Kinh tế Đức Matthias Machnig đã hối thúc EU ra dự luật nhằm kiểm soát các thương vụ từ Trung Quốc.
Ông Machnig cho rằng Đức và EU cần nhanh chóng xem xét kỹ lưỡng các cuộc tiếp quản của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp chiến lược do nhà nước kiểm soát ở các bang, để trong trường hợp cần thiết có thể ra lệnh cấm đối với Trung Quốc.
Ông nhấn mạnh việc siết chặt quy định hơn ở EU là cần thiết nhằm ngăn chặn các kỳ vọng thâu tóm, sáp nhập và tình trạng “chảy máu” công nghệ.
Ông lưu ý các thương vụ thâu tóm, sáp nhập đang ngày càng nhiều và thường là đi theo các điều kiện bóp méo thị trường.
Không chỉ Đức, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire trong tháng 1.2018 cũng cho biết nước này sẽ đưa một số ngành công nghệ như trí tuệ thông minh vào danh sách các “ngành chiến lược” nhằm bảo vệ những ngành này khỏi các mưu toan thâu tóm của các công ty hay nhà đầu tư nước ngoài.
Bộ trưởng Le Maira cho biết Chính phủ Pháp sẽ đưa ra một hệ thống mới về đầu tư nhằm đảm bảo tính minh bạch của hoạt động đầu tư của các công ty hay doanh nghiệp nước ngoài.
Bên cạnh đó, Paris cũng coi các ngành như lưu trữ dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (AI) là ngành công nghệ chiến lược và qua đó sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ, nếu có sự tham gia của cổ đông nước ngoài.
Pháp khẳng định sẽ cùng với Đức, Italy và Tây Ban Nha, yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) xác lập các quy định đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại châu Âu nhằm bảo vệ lợi ích của các quốc gia.
Theo TTXVN