Chỉ trong vòng một tuần nay, VN-Index đã giảm hơn 73 điểm. Vốn hóa sàn HoSE cũng ''bốc hơi'' trên 273.500 tỷ đồng. Qua giai đoạn mua đâu thắng đó, việc chọn lựa cổ phiếu hiện không dễ dàng như trước.
Nhà đầu tư theo dõi diễn biến cổ phiếu
Trong vòng một tuần nay, chỉ số VN-Index rớt tới 73,13 điểm (từ 1.420,27 điểm giảm xuống 1.347,14 điểm). Vốn hóa sàn HoSE cũng bốc hơi trên 273.500 tỷ đồng.
Với diễn biến trên, theo ghi nhận, danh mục của không ít nhà đầu tư lướt sóng đã "đổi màu" xanh sang đỏ, chuyển từ lãi sang lỗ.
Nhiều cổ phiếu nhóm "bằng - chứng - thép" (bank - ngân hàng, chứng khoán, thép) từng dậy sóng, trong một tuần nay cũng bị giảm mạnh.
Cụ thể, cổ phiếu của nhiều nhà băng bị rớt giá như Sacombank (STB, -7,6%), Ngân hàng Quốc Dân (NVB, -7,7%), SHB (SHB, -10,3%), Ngân hàng Bản Việt (BVB, -12,3%)...
Song song đó, giá cổ phiếu của nhiều công ty chứng khoán cũng giảm trên 15% như Chứng khoán VIX (VIX, -15,6%), Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSI, -16.7%), Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS, -17,4%), Chứng khoán Hòa Bình (HBS, -17,4%), Chứng khoán Dầu khí (PSI, -20,4%)...
Tại nhóm thép, giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp cũng bị giảm sâu, điển hình như Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG, -9,6%), Thép Nam Kim (NKG, -10,5%), Đầu tư thương mại SMC (SMC, -13,4%), Thép Việt Nam (TVN, -14%), Tập đoàn Hoa Sen (HSG, -16,4%)...
Bên cạnh đó, giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp thuộc ngành bất động sản, xây dựng, vận tải, khai khoáng, bảo hiểm... cũng bị lao dốc. Thực tế, giữa lúc người người đổ xô thoát hàng, vẫn có những cổ phiếu lội ngược dòng, tăng giá.
Với diễn biến trên, các chuyên gia của Chứng khoán SSI nhận định để quay trở lại xu hướng tăng, chỉ số VN-Index cần vượt qua mốc 1.389 điểm (hiện nằm mức 1.347,14 điểm) đi kèm khối lượng giao dịch tăng lên tiệm cận đường trung bình 50 ngày.
Ngược lại, nếu chỉ số VN-Index phá vỡ mốc 1.334 điểm, nhiều khả năng chỉ số này sẽ bước vào giai đoạn điều chỉnh ngắn hạn với mục tiêu tại vùng 1.320 - 1.300 điểm.
Theo đội ngũ phân tích của Chứng khoán Yuanta, thị trường đã bước qua giai đoạn định giá rẻ, mức P/E (hệ số giá trên lợi nhuận của một cổ phiếu) của chỉ số VN-Index ở mức 18.2x.
"Điều này cho thấy việc lựa chọn cổ phiếu sẽ trở nên khó khăn hơn trong giai đoạn tới", Yuanta nhận định.
Dù vậy, đơn vị này nhận định dư địa tăng trưởng của thị trường vẫn còn.
Chứng khoán VNDirect cũng nhìn nhận "giai đoạn dễ dàng đã qua, đã tới lúc chọn mặt gửi vàng".
Về chiến lược đầu tư cho 6 tháng cuối năm, VNDirect nhận định nhà đầu tư nên hướng sự quan tâm đến những gương mặt chất lượng, sở hữu 3 đặc điểm: (1) tăng trưởng lợi nhuận bền vững và có thể mở rộng kinh doanh, (2) có vị thế tốt để nắm bắt cơ hội từ sự phục hồi của tổng cầu thế giới, (3) đòn bẩy tài chính thấp và có khả năng chống chịu tốt với lãi suất.
Trong nửa cuối năm, rủi ro của thị trường gồm việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chuẩn bị cho các phương án thắt chặt chính sách tiền tệ, dấy lên lo ngại dòng vốn đầu tư quốc tế rút khỏi thị trường mới nổi và cận biên, bao gồm Việt Nam.
Lãi suất tiền gửi của Việt Nam dự kiến tăng nhẹ ở nửa cuối năm 2021, trong bối cảnh áp lực lạm phát cao hơn, qua đó giảm bớt sức hấp dẫn của kênh chứng khoán so với kênh tiền gửi tiết kiệm.
Cộng thêm nguồn cung cổ phiếu tăng lên. Nửa đầu năm 2021, tổng mệnh giá cổ phiếu đã hoàn thành tăng vốn và đang trong kế hoạch lên tới 25.617 tỷ đồng, gấp 3 lần so với mức thực hiện cả năm 2020.
"Với mức thanh khoản thị trường bình quân hiện nay vào khoảng 1 tỉ USD/phiên, nguồn cung cổ phiếu này chưa gây sức ép lớn như giai đoạn 2014-2019, tuy nhiên rủi ro vẫn cần phải được theo sát sao", phía VNDirect nhận định.
Dù vậy, VNDirect cho rằng động lực FOMO (sợ bỏ lỡ) và dòng tiền mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân trong nước sẽ hỗ trợ duy trì xu hướng tăng của chứng khoán.
Đơn vị này ước tính lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết năm 2021 trên VN-Index sẽ tăng 30% so với cùng kỳ, trở thành trợ lực.
Ngoài VNDirect, cả Chứng khoán Mirae Asset cũng kỳ vọng VN-Index sẽ hướng về mốc 1.500 điểm, sau nhịp điều chỉnh.
Theo Tuổi trẻ