Nhà có hai người đàn bà

11/10/2020 06:53

Vừa gội đầu cho nhau, hai người đàn bà vừa rỉ rả nói chuyện. Những câu nói chỉ có người trong cuộc mới hiểu.



8 giờ sáng, Phương mở bừng mắt. Ánh nắng mùa thu dịu ngọt trải một vệt dài trong phòng ngủ. Mọi ngày vào giờ này Phương đã phải đứng trên bục giảng. Hôm nay, Việt (chồng Phương) có công chuyện ngoài cơ quan nên vội vã đi từ sớm. Ở nhà chỉ còn hai mẹ con cô và bà mẹ chồng. Muôn năm người nào đầu tiên nghĩ ra được nghỉ ngày chủ nhật. Một ngày nghỉ hữu ích cho mọi người sau một tuần làm việc cật lực. Đứa con gái nhỏ đang bi bô với bà nội dưới nhà. Mùi thơm của quả bồ kết nướng len qua khe cửa ùa vào phòng. Phương khẽ mỉm cười. 

Bà Linh, mẹ chồng Phương đang đun nước gội đầu. Bà thường làm vào mỗi sáng chủ nhật. “Mẹ quen gội đầu bằng nước bồ kết từ khi còn trẻ”. Bà Linh thường nói vậy. Bà không bắt Phương phải làm theo, nhưng bà thích những ngón tay của Phương cào cào, vỗ vỗ, mơn man trên lớp da đầu của mình. Ngày ở quê, Phương cùng mẹ đẻ cũng gội đầu bằng bồ kết, bằng vỏ bưởi. Chỉ từ ngày lên đại học, đến ra công tác, nhịp sống công nghiệp quá bận rộn lôi cuốn nên cô không còn thời gian. Đi làm về, rẽ vào tiệm gội đầu, vừa nhanh, vừa tiện. Bà Linh bảo: “Toàn hóa chất chứ báu bổ gì”. Bà có thể nấu riêng cho mình một nồi nước gội đầu. Không ai trách. Nhưng đây lại là chuyện tình cảm mẹ chồng và con dâu, Phương không nỡ chối từ. Hai người đàn bà gội đầu cho nhau. “Chà, đã quá”. Bao nhiêu yêu thương của người mẹ chồng dồn cả vào câu nói.

Gần chục năm trước, Phương trở thành nhân viên của Hội Người mù tỉnh. Sự hiện diện của Phương không làm ai ngạc nhiên. Nhiệm vụ của cô là giáo viên giảng dạy văn hóa cho những học viên cũng khiếm thị như cô.  

Bài giảng đầu tiên của Phương tuy vấp váp đôi chút, nhưng nói chung là dễ hiểu và có hồn. Phương cảm nhận được qua sự im lặng của lớp. Việt, Trưởng Phòng Hành chính đánh giá cao bài giảng của cô. Anh nhận ra sức mạnh tiềm tàng trong người con gái mảnh mai. Anh thích mẫu người như thế. Lâu dần thành quen. Hôm nào không được xuống lớp Phương một lần là anh thấy bồn chồn trong dạ.

Làm việc với nhau được hơn hai năm, Việt ngỏ lời: “Hãy là bạn gái của anh nhé”.  Phương hốt hoảng: “Anh đừng đùa em mà tội”. Việt cầm tay cô, thầm thì: “Một người như em phải được yêu, phải được hạnh phúc. Anh nguyện là bờ vai, là đôi mắt cho cuộc đời em. Anh hứa sẽ làm tất cả, để không bao giờ em phải buồn”. Từ trong sâu thẳm, khát khao được yêu, được hạnh phúc trỗi dậy, Phương không cưỡng nổi lòng mình. Trái tim Phương loạn nhịp. Tình yêu đến với hai người như một sự tất nhiên. Dường như họ hiểu khá kỹ về nhau. Có lẽ chữ “hiểu” không đủ cắt nghĩa cho sự đồng điệu. Chỉ cần một cái nắm tay là người này đã hiểu người kia đang vui hay buồn. Tuy vậy Phương không thể không lo lắng cho tương lai. Hoa hồng còn ở mãi tít đằng xa...

Mặc dù được con trai nói khá kỹ về Phương và việc sẽ đưa bạn gái ra mắt mẹ, bà Linh vẫn choáng váng khi giáp mặt Phương. “Cháu chào bác ạ”. Trời ơi, cô gái mang tên Phương này là ai, tài năng, đức độ thế nào mà khiến con trai bà như bị bùa mê, thuốc lú? Bà thất vọng hoàn toàn. Chỉ muốn khóc. Người ở phố cũng dăm bảy hạng, bà không đòi hỏi con dâu bà phải thật xinh đẹp, có địa vị cao sang. Nhưng ít ra cũng phải là người bình thường. Thời buổi này lành lặn còn chẳng ăn ai nữa là khiếm thị. Việt là đứa con trai duy nhất, được vợ chồng bà từng đặt hết niềm hy vọng. 

Ông bà Linh lấy nhau hơn chục năm mà chưa hề mang thai lần nào. Đền nọ, phủ kia vợ chồng bà quỳ gối đến tưởng mòn gạch. Tưởng chừng đã hết niềm hy vọng. Bất ngờ, năm bà ba mươi bốn tuổi mang thai và sinh ra Việt. Không thể tả hết niềm hạnh phúc của đại gia đình họ Vũ. Việt là hòn vàng, hòn ngọc, là niềm vui, niềm tự hào và hy vọng của dòng tộc. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, ông qua đời khi Việt lên mười tuổi, không rõ nguyên nhân. Từ đó, một mình bà gồng gánh cuối chợ, đầu sông nuôi con khôn lớn. Không ai có thể trách được khi bà muốn chọn một người con dâu tương lai xinh đẹp, đoan trang. Nhưng lần nào gợi ý cũng bị con trai gạt phắt. Để rồi hôm nay nó rước về một cô gái thua kém mọi mặt người bà chọn, lại khiếm thị nữa. 

Bằng sự nhạy cảm của người con gái, Phương hiểu bà Linh không hài lòng về ngoại hình của mình. Chẳng qua vì yêu quý con trai mà bà chưa làm tổn thương cô thôi. Cứ như Việt kể, mẹ anh ngoài 60 tuổi, nhưng thường xét nét và khó tính trong mọi công việc. Bà vốn sinh ra và lớn lên ở thành phố trong một gia đình khá giả. Ngay từ nhỏ, bà được người cha giáo dục về “tứ đức, tam tòng”, được người mẹ kèm cặp về “tề gia, nội trợ”. Bao giờ mẹ đẻ bà cũng bắt đầu bằng câu: “Phải học con ạ, sau này đi làm dâu nhà người khỏi bị chê vụng dại, ngu ngơ”. Một con người như vậy hẳn sẽ tuân theo nếp sống cổ xưa. Phương không ngại công việc. Dù thế nào chăng nữa, Phương cũng là một cô gái có học, giàu lòng tự trọng, thông minh và năng động. Hồi còn đang học, Phương luôn vượt trội hơn các bạn cùng khóa, thậm chí còn hơn khối người mắt sáng. Mọi công việc đến tay Phương cứ chạy ro ro. Cô tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu. Nhà trường và một hai doanh nghiệp muốn xin Phương. Nhưng Phương lại muốn về quê hương giảng dạy. Cô muốn tri ân mảnh đất đã sinh ra và nuôi mình khôn lớn.

Khoảng cách giữa câu chào của Phương và lời đáp của bà Linh khá dài: “Ừ, chào cháu”. Bà Linh cầm tay Phương, dắt vào ghế: “Cháu ngồi xuống đây uống nước. Lần sau đến chơi nhà bác là tốt rồi, không phải quà cáp gì đâu”. “Vâng ạ”. Im lặng. Phương hiểu bà Linh đang chú ý đến từng sắc thái trên khuôn mặt cô. Phải công nhận bà rất kiệm lời, dù bà là “người của chợ”. Mọi thông tin trong câu nói chứa đựng rất nhiều ý nghĩa. Bà Linh quay sang nhìn con trai. Dù không bằng lòng nhưng bà Linh vẫn chưa tìm ra lý do gì để phản bác. Bà bảo con trai: “Tình yêu chỉ có một, còn những gì tương tự hoặc na ná như tình yêu thì có ngàn vạn”. Bà dừng lại thăm dò. Máu trong huyết quản Phương bắt đầu chảy gấp. 

Hôm qua, Việt đã nói với Phương: “Có thể mẹ anh là người lạc hậu. Có thể mẹ anh hơi lắm điều một chút, nhưng từ trong sâu thẳm, bà vẫn là người độ lượng, bao dung. Vì tình yêu của chúng ta, em hãy nhường nhịn mẹ, đừng để bụng, đừng phản ứng”. Phương bảo: “Mẹ đồng ý cho chúng mình lấy nhau là em đã ơn mẹ trọn đời rồi”. Tiếng bà Linh cắt ngang dòng suy nghĩ của Phương: “Hai con cần cân nhắc kỹ trước khi tiến tới hôn nhân”. Bà quay sang nói với Việt, giọng đanh lại: “Con trai ạ, cuộc đời con rồi sẽ vất vả đấy. Đôi mắt của con sẽ phải làm việc gấp đôi người bình thường. Con hiểu ý mẹ nói chứ? Lúc này mẹ chỉ có thể nói với hai con như thế”.

Nói xong, bà đứng dậy vào bếp làm cơm đãi khách. Phương cũng đứng dậy, nói với theo: “Bác cho cháu làm cùng”. Phương hiểu đây mới là chính thức bước vào cuộc kiểm tra của mẹ chồng tương lai. Cô không lo. Ở quê, công việc bếp núc Phương vẫn làm cùng bố mẹ. Có hôm mẹ cô còn để cô làm một mình. Bà Linh gạt đi: “Cháu cứ ngồi nói chuyện cùng Việt. Bác chỉ làm ù một tí là xong”. Nói vậy, chứ bà Linh rất muốn kiểm nghiệm những lời con trai bà từng ca ngợi: “Cô ấy giỏi lắm, việc gì cũng làm được”. Qua đó, bà sẽ có cớ để từ chối cuộc hôn nhân này. Phương nhờ Việt dẫn cô vào bếp. Bà Linh không rời mắt từng bước chân nhẹ nhàng đặt đúng chỗ, chậm rãi và chắc chắn của Phương. Ngồi xuống chiếc ghế thấp bà Linh vừa đưa, Phương bắt đầu nhặt rau, làm cá, thái thịt. Xong được thứ nào, Phương lần lượt để ngay ra cạnh. Rồi cô đứng lên mang tất cả ra chậu rửa. Bà Linh đờ người nhìn Phương làm mà quên phắt mất công việc này là của mình. Phương làm đâu ra đấy. Tuy có chậm so với người sáng mắt. Phương bật bếp ga. Bà Linh hoa mắt. “Bác ạ, quê cháu đến tận hôm nay nhiều nhà vẫn còn đun nấu bằng củi và rơm rạ đấy”. Bà Linh chỉ còn biết nói: “Thế à. Vất vả quá nhỉ”.

Hai người vừa làm, vừa trò chuyện vui vẻ. Nhìn Phương làm, bà Linh rất khâm phục. Người lành lặn đã khó huống chi người khuyết tật. Phải nghị lực lắm, kiên trì lắm mới có thể làm thành thạo như Phương. Con gái thời nay thường ỷ lại vào quán xá, vào đồ ăn bán sẵn. Có mấy ai chịu vào bếp đâu. Không thể kìm nổi sự khâm phục, bà Linh thốt lên: “Con dâu mẹ giỏi quá”. Là người vốn trầm tĩnh, trầm tĩnh ngay cả trong ý nghĩ, Phương vẫn thấy cay cay nơi sống mũi. Mẹ chồng tương lai của cô tốt quá, nhân hậu quá. “Dạ, cháu mong bác dạy dỗ thêm ạ”. Bà Linh cười, khiêm tốn: “Bác không dám nhận mình là người dạy dỗ con dâu, mà chỉ là người tham gia, góp ý thôi”.

Cuộc sống vẫn cứ trôi như một dòng sông không ngừng chảy. Cũng có những khúc quanh ghềnh thác xảy ra. Và gia đình ba người ấy vững tâm vượt qua, tiếp tục cuộc hành trình. Buổi sáng, Phương dậy sớm chuẩn bị đồ ăn. Ăn xong, vợ chồng Phương đi làm. Bà Linh dọn dẹp nhà cửa xong xuôi rồi mới ra chợ bán hàng. Buổi chiều, cả nhà tập trung vào bếp. Bà Linh luôn quan tâm tới công việc của con dâu. Trong tâm thức, bà lo lắng tới từng bước chân của con dâu. Bà tự hào về Phương. Phương là một thế giới mới mà bà vừa khám phá. Phương đã khiến bà thay đổi quan điểm về người khuyết tật. Điều quan trọng là bà chưa từng thấy Phương buồn chán, hay điều gì đó tương tự. Bà mong mình khỏe mãi để nắm tay các con đi hết cuộc đời.

Hàng phố khen bà Linh hết lời. Nào chịu nhịn. Nào thương con dâu như con đẻ. “Đấy, mọi người nhìn xem tôi nói có đúng không. Cái đận con Phương sinh mổ, mẹ đẻ thì ở xa, chồng bận tối ngày ngoài cơ quan. Một tay bà Linh làm hết. Nếu không, làm sao mẹ con nhà Phương khỏe mạnh, xinh xắn như hiện nay”. Bà Linh cười: “Gớm, các bà khen quá lời. Con Phương nó nhịn tôi nhiều, chứ tôi nhịn nó được mấy...”. Thương yêu con trai, bà thương yêu luôn cả con dâu. Thì ra, không có quan hệ nào đòi hỏi sự bao dung, rộng lượng bằng mẹ chồng - nàng dâu.

Vừa gội đầu cho nhau, hai người đàn bà vừa rỉ rả nói chuyện. Những câu nói chỉ có người trong cuộc mới hiểu. Phương chợt nói: “Không phải con nói nịnh mẹ đâu, ở đây con thấy thoải mái hơn nhà mẹ đẻ. Mỗi khi có mẹ ở bên, con cảm thấy yên lòng”. Dù không nói gì, nhưng bà Linh thấy hài lòng về người con dâu khiếm thị. Người mà chính bà ban đầu có ý định phản đối. Bà cười nhẹ thành tiếng. Bà hiểu niềm tin của người này là hạnh phúc của người kia. Và ngược lại, dù biết mẹ chồng cưng chiều, Phương không khi nào sao nhãng trách nhiệm làm dâu, làm vợ và làm mẹ. Bà Linh lại cho rằng gia đình có được như hôm nay chính là nhờ vào ý chí, nghị lực của con dâu. Trưa nay, có hai người đàn bà không ngủ. Cả hai người đàn bà đang nghĩ về nhau, dành cho nhau những tình cảm yêu thương. Như một sự nợ nần từ kiếp trước.    

Truyện ngắn củaNGUYỄN SỸ ĐOÀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà có hai người đàn bà