Làm báo là một nghề và nghề báo lại gắn với nghiệp báo.
Có nhà báo chuyên nghiệp (được cấp thẻ nhà báo), có nhà báo nghiệp dư nhưng với ai thì nghề báo cũng có sức hấp dẫn kỳ lạ. Mặc dù nói như một nhà báo nước ngoài: “Nhà báo là một nghề nguy hiểm”. Nguy hiểm bởi luôn đối diện với sự thật. Sự thật vốn nghiệt ngã và càng nghiệt ngã hơn khi đằng sau nó là cái ác, cái xấu...
Vũ khí của nhà báo ngày trước là cây bút, cuốn sổ tay ghi chép và bây giờ là những thiết bị, máy móc hiện đại. Nhưng con chữ thì vẫn thế, vẫn hàm chứa bao thông tin nóng hổi và chính xác. Sự kết nối thông tin nhanh hơn để chuyển tải những sự kiện, tấm hình, thước phim nhưng nhà báo là người không bao giờ có mặt trong những hình ảnh đó. Nhà báo là người đứng sau tất cả những phập phồng tươi rói và nhân vật cũng có bóng dáng của nhà báo, sự kiện cũng mang đậm dấu ấn của nhà báo với những khoảnh khắc bất chợt sẽ mãi mãi sống với lịch sử. Trong chiến tranh có những nhà báo đã ngã xuống để cho bài báo của mình sống mãi. Mực bấy giờ là máu, ống kính thay họng súng. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Đại nguyên soái Stalin đã đánh giá những bài báo của Erenbua bấy giờ là phóng viên chiến trường có sức mạnh hơn cả những sư đoàn.
Một bài báo hay không chỉ đúng mà còn phải hấp dẫn, có sức thuyết phục. Con chữ, tấm hình không chỉ thấm đẫm mồ hôi và có khi cả máu nữa dù trong thời bình, đã ghi dấu ấn những địa danh, vùng đất, những con số mà còn là những số phận con người. Nhà báo là cái “nhiệt kế" để đo những nóng ấm xã hội, với những trăn trở, những phản biện sâu sắc, những thổn thức đồng cảm, những phát hiện chính xác. Cái xấu, cái ác phải được chỉ ra, cái tốt phải được vinh danh. Cán cân lương tâm luôn được kiểm nghiệm và thanh lọc để đối trọng lại với những gì còn ẩn khuất sau bóng tối.
Tác phẩm báo chí chính là những đứa con tinh thần tạo nên diện mạo, cá tính, phẩm chất, tài năng của một nhà báo cụ thể. Có người vì quá yêu nghề báo của mình mà gắn với nghiệp báo suốt đời. Báo chí là món ăn tinh thần nóng hổi và sinh động đối với xã hội. Có người ví báo chí là cơ quan “quyền lực thứ tư”. Với tôi, quyền lực cao nhất là sự trung thực, sự công bằng của công lý, vì tính nhân văn, nhân hậu cao thượng và nhân ái. Tất cả vì con người và sự tốt đẹp của xã hội.
Hãy ra với hải đảo giữa biển khơi trùng trùng sóng vỗ, hãy lên với biên cương Tổ quốc nơi vùng sâu, vùng xa gập ghềnh đá núi tai mèo, hãy đến với những công trường nắng cháy da, hãy đến với đời sống dân dã và tình nghĩa cội nguồn xóm làng của những vùng nông thôn mới, ta sẽ gặp nhà báo... Họ đã đi, đã đến, đã viết, đã quay phim, chụp ảnh. Tất cả đó mới chỉ là tư liệu, vấn đề quyết định đó là: trái tim, tấm lòng của nhà báo vừa có tâm, có tài và có tầm.
NGUYỄN NGỌC