Nhà báo Nguyễn Thi: Tấm gương tận tụy với nghề

29/11/2021 09:00

Chính ông cũng không thể nghĩ là từ cái “duyên” cách mạng đưa đến cho một chàng trai thư sinh lại buộc chặt ông vào một nghề nghiệp suốt cuộc đời là làm báo và ông đã theo đuổi nghề một cách nghiêm cẩn.



Sinh ra và lớn lên trên quê hương của người cộng sản kiên cường Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Thi (tên thật là Nguyễn Đình Đạo) sớm bước vào con đường hoạt động cách mạng. Đó là từ những tháng đầu năm 1945, được một người bác là Nguyễn Đình Văn dìu dắt, ông đã cùng soạn thảo văn bản, ấn loát và tuyên truyền, phổ biến những tài liệu về Việt Minh, về cách mạng. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vào giai đoạn cam go, quyết liệt, năm 1951, ông được giao phụ trách công tác thông tin của huyện. Tiếp đó, ông được điều động lên Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ, theo dõi công tác thời sự - báo chí.

Sau khi hòa bình lập lại (năm 1954), ông đã trở thành cán bộ Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ Hải Dương. Do yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, ông được giao phụ trách tờ Tin Hải Dương, cơ quan của Tỉnh uỷ và Ủy ban Hành chính tỉnh. Với nhiệt tình cách mạng và tố chất của người làm báo, ông vừa là người lãnh đạo, tổ chức, vừa là người thực hiện, từ vạch đề cương nội dung mỗi số, vừa viết tin, bài, biên tập, đưa in đến quan hệ với cơ quan phát hành để tờ tin đến tay bạn đọc. Trong điều kiện thông tin liên lạc còn khó khăn, thiếu thốn, Tin Hải Dương là một công cụ chỉ đạo rất thiết thực của lãnh đạo các cấp bấy giờ. Đó cũng là cơ sở, là niềm tin của cấp uỷ để đi đến quyết định nâng tờ tin thành báo Hải Dương mới từ cuối năm 1961.

Đáp lại sự tin cậy đó, ngay từ những số báo Hải Dương mới đầu tiên, ông Nguyễn Thi với cương vị phụ trách đã chỉ đạo, tổ chức tờ báo tạo ra bước chuyển quan trọng trong hoạt động báo chí của tỉnh. Chức danh Tổng Biên tập báo do đồng chí Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy kiêm nhiệm nên ông Nguyễn Thi lại là người chịu trách nhiệm. Như xây dựng một ngôi nhà mới, mọi thứ còn khó khăn, thiếu thốn, báo Hải Dương mới ra 5 ngày một kỳ, sau tăng lên một tuần 2kỳ với 4 trang, khổ 26 x 37 cm, với cả tòa soạn chỉ có vài người. Số cán bộ, phóng viên, số trang in và kỳ ra báo như vậy, nhưng tờ báo lại phải làm sao phản ánh được mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội trong khoảng thời gian ngắn. Yêu cầu đó đòi hỏi cán bộ, phóng viên phải làm việc với tinh thần khẩn trương, khoa học, sáng tạo, không kể thời gian, giờ giấc… mới hoàn thành nhiệm vụ. Cũng từ “cái khó” đó, nhà báo Nguyễn Thi đã gương mẫu đi đầu và yêu cầu anh em phải bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy, đi sâu vào thực tế đời sống quần chúng. Các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh và các ngành, giới cùng các phong trào thi đua yêu nước được báo phản ánh thường xuyên, trong đó, rất coi trọng chỉ đạo những vấn đề then chốt, có tác dụng lâu dài như xây dựng Đảng, phát hiện và nuôi dưỡng điển hình, phát huy quyền dân chủ, phê bình và tự phê bình... Tư tưởng đổi mới đã hình thành từ đó. Do “diện tích hẹp” nên phải “thâm canh”, đấy là nói về cách viết và trình bày mặt báo. Yêu cầu viết tin, bài ngắn, từ mấy chục từ đến mấy trăm từ, không tiếp trang, nhiều chuyên mục hướng tới nhiều thành phần bạn đọc. Nhờ thế, báo Hải Dương mới nhanh chóng trở thành một trong vài tờ báo địa phương của miền Bắc được Ban Tuyên huấn Trung ương biểu dương và nhiều báo bạn đến trao đổi, học tập.

Những kinh nghiệm chỉ đạo, tổ chức tờ báo của ông Nguyễn Thi càng được phát huy từ khi hai tỉnh Hải Dương, Hưng Yên hợp nhất (3.1968). Báo Hải Hưng có trọng trách mới trong công tác tuyên truyền ở một tỉnh lớn trên miền Bắc. Lại đúng vào thời điểm cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt, thiên tai lũ lụt chưa từng có trong lịch sử, rồi bao khó khăn, phức tạp khác nhưng dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, ông coi trọng việc xây dựng cơ quan báo, phát hiện, bồi dưỡng các thế hệ quản lý, chăm lo đội ngũ cộng tác viên, chú ý tuyên truyền việc học tập và làm theo điển hình trên báo… Nhờ đó mà báo Hải Hưng vẫn tiếp tục phát triển vững vàng, tăng số, tăng trang, tăng lượng phát hành, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh và nâng cao vị thế của tờ báo trên toàn quốc. 

Suốt một đời cầm bút, gần ba chục năm làm quản lý, nhà báo Nguyễn Thi là tấm gương sáng về sự tận tuỵ với nghề, lao động nghiêm túc. Ông là nhà báo đầu tiên của tỉnh tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, là người sáng lập và làm Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo tỉnh, là tác giả của nhiều bài báo gây dấu ấn, nổi bật là thể chính luận và đã có tác phẩm đoạt giải báo chí ở Trung ương. Ông thực sự là người xây nền đắp móng cho sự nghiệp báo chí của tỉnh nói chung và báo Hải Dương nói riêng.

NGUYỄN THẾ TRƯỜNG

(0) Bình luận
Tin mới nhất
Nhà báo Nguyễn Thi: Tấm gương tận tụy với nghề