Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh ngày 5.3.1925 ở xóm chợ Tràng Thi, TP Vinh (Nghệ An) nhưng quê gốc là xã Phú Cường, huyện Kim Anh cũ (Vĩnh Phúc).
Trong một lần giao lưu với thính giả, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã nói: "Người ta bảo tôi là nhạc sĩ của chị em". Thật vậy, có đến trên chục bài hát của ông viết về đề tài phụ nữ, không chỉ ca ngợi phụ nữ trong nước mà cả phụ nữ nước ngoài như bài "Tiếng hát Dôi-a", "Mẹ yêu con", "Tiễn anh lên đường", "Em đi làm tín dụng", "Bài ca cô nuôi dạy trẻ", "Nữ du kích Hoàng Ngân", "Bài ca cô gái chăn nuôi", "Bà mẹ Tây Ninh", "Tấm áo mẹ vá năm xưa", "Bài ca người phụ nữ Việt Nam", "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ", "Bài ca năm tấn"... Trong các ca khúc của ông đều có đại từ chỉ giới tính như: mẹ, cô, chị, em…
Từ năm 1961 -1967, ông về thâm nhập thực tế ở Hưng Yên. Trong 7 năm ấy ông viết nhiều ca khúc về chị, về mẹ, về em. Sau đó ông lại trở về Hà Nội làm việc ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất, ông vào công tác ở Viện Nghiên cứu âm nhạc (cơ sở II) tại TP Hồ Chí Minh. Tại đây, ông lại có điều kiện đến với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để sáng tác. Sau thời gian đi thực tế, tìm hiểu phong trào Đồng Khởi của phụ nữ Bến Tre, ông đã viết thành công bài hát "Dáng đứng Bến Tre" giàu chất dân ca Nam Bộ ngợi ca truyền thống bất khuất kiên cường của phụ nữ Bến Tre nói riêng và phụ nữ miền Nam nói chung trong thời kỳ chống Mỹ.
Nhạc của Nguyễn Văn Tý mượt mà, trữ tình, đậm màu sắc dân ca, mang bản sắc dân tộc rõ nét. Nguyễn Văn Tý là nhạc sĩ đầu tiên nhận giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam 1951 - 1952 về âm nhạc với bài hát "Vượt trùng dương" ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 2000, ông được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt hai. Phần lớn thành công này thuộc về những bài hát viết về phụ nữ của ông.
Ông mất ngày 26.12.2019 tại TP Hồ Chí Minh, hưởng thọ 94 tuổi.
LÊ HỒNG THIỆN