Nguyên nhân lũ lụt hoành hành khắp châu Á

03/08/2015 16:38

Tại nhiều quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ, Myanmar, Trung Quốc, hàng trăm người thiệt mạng và mất nhà cửa do lũ lụt và sạt lở đất.

El Nino và ảnh hưởng của xoáy thuận nhiệt đới Komen được cho là nguyên nhân gây ra mưa bão kéo dài.


anh-2-1438003273-660x0-8430-1438576701.j

Trên tuyến đường mới vào phường Mông Dương (TP Cẩm Phả) nhiều đoạn bị sạt lở, đá lớn lăn xuống đường. Ảnh: VnExpress

Việt Nam đang phải đối mặt với trận lũ tồi tệ nhất trong vòng 40 năm trở lại, mưa lớn và lâu ngày liên tục trút xuống các tỉnh phía bắc, khiến ít nhất 17 người thiệt mạng. Nhiều nước châu Á khác như Ấn Độ, Bangladesh và Myanmr cũng phải đối mặt với lũ quét và sạt lở, khi mùa mưa tới và mưa lớn dự báo tiếp tục xuất hiện nhiều ngày nữa.

Theo Weather, đợt áp thấp gió mùa di chuyển chậm đã giải phóng lượng mưa khổng lồ xuống Nam Á đầu tuần trước, sau đó hình thành bão nhiệt đới ở phía bắc vịnh Bengal (Ấn Độ Dương) hôm 29-7.

Cơn bão xoáy được đặt tên là Komen, phát triển thành bão nhiệt đới và đổ bộ vào đất liền hôm 30-7. Áp thấp nhiệt đới vẫn tiếp tục phát triển gần biên giới Ấn Độ và Bangladesh hồi cuối tuần, đe dọa gây sạt lở khu vực này - vốn ngập trong nước lũ nhiều ngày nay.

Ấn Độ là một trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi những trận mưa dai dẳng. Theo AP, hơn 90 người Ấn Độ đã thiệt mạng tuần trước, hàng chục nghìn người mất nhà cửa. Hơn 21 người được cho là thiệt mạng trong trận lở đất ở làng Joumol, bang Manipure, đông bắc Ấn Độ hôm nay.

Trong vòng một tuần, mưa lớn cũng trút xuống Bangladesh và Myanmar. Lượng mưa đo được trong vòng 3 ngày, từ 24 đến 26-7 tại Chittagong, thành phố duyên hải Bangladesh hơn 800 mm, hơn 200 mm so với lượng mưa trung bình tháng 7 hàng năm tại khu vực này.

Flooding-in-Myanmar-6621-1438576701.jpg

Thị trấn Kalay, tây bắc Myanmar chìm trong nước lũ. Ảnh: Reuters

Trong khi đó Myanmar đang bước vào mùa mưa, tuy nhiên, nhiều người dân cho biết, mùa mưa năm nay có mưa lớn bất thường, đặc biệt trong những tuần gần đây.

Văn phòng Điều phối Các vấn đề Nhân đạo của Liên Hợp Quốc hôm qua cho biết, khoảng 156.000 người ở 12 tỉnh thành Myanmar bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, và con số này "có thể còn tăng cao đáng kể." Nhiều nhà cửa bị phá hủy, nước lũ gây sạt lở đường, khiến không thể cứu hộ bằng đường bộ. Chính phủ nước này hôm qua tuyên bố 4 tỉnh phía tây là vùng thảm họa.

Mưa bão cũng tấn công vào Trung Quốc hồi tháng 7, gây thiệt hại nặng nề. Mưa lũ bất thường năm nay có thể do tác động của El Nino, China Daily dẫn lời Ding Yihui, cố vấn biến đối khí hậu của Cục Quản lý Khí tượng Trung Quốc cho biết.

Ông này dự đoán, tác động của nó sẽ kéo dài đến hết năm, thậm chí qua mùa xuân sang năm. El Nino là hiện tượng thay đổi đáng kể nhiệt độ trên mặt biển ở vành đai nhiệt đới của Thái Bình Dương, nó xảy ra mỗi 2-7 năm khi các cơn gió mậu dịch (gió mạnh thổi liên tục từ đông nam hoặc đông bắc về hướng xích đạo) bắt đầu suy yếu. El Nino khiến nhiệt độ tăng lên, gây ra mưa bão, lụt lội và hanh khô.

Tuy nhiên, vùng tác động của El Nino năm nay khác với năm 1997-1998. El Nino năm 1998 gây lũ lụt lớn dọc lưu vực sông Dương Tử, Tống Hoa và Nậm Giang, khiến hàng nghìn người Trung Quốc thiệt mạng. Năm nay, hiện tượng thời tiết cực đoan này dịch xuống phía nam.

"Nhiều cơn bão lớn sẽ hình thành ở vùng biển phía nam, và sẽ khốc liệt hơn, " Ding đưa ra dự đoán đầu tuần trước. El Nino năm nay sẽ gây mưa, kéo theo lũ lớn trong tháng 8 và tháng 9 tới.

Duan Yihong, Giám đốc Viện Khoa học Khí tượng Trung Quốc cho biết, khu vực Biển Đông năm nay sẽ hình thành nhiều bão có lượng mưa lớn. Duan từng cảnh báo, tần suất xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tăng lên ở khu vực đô thị trong bối cảnh nhiều quốc gia đang đẩy mạnh đô thị hóa.

"Lượng mưa ở các vùng đô thị đang ngày càng nhiều hơn và rất khó dự đoán 'hiệu ứng đảo nhiệt đô thị,'" ông nói. Đảo nhiệt đô thị là khu vực đô thị ấm hơn so với vùng ngoại ô xung quanh.

ChanHom5-1933-1438576701.jpg

Bão Chan-Hom đổ bộ vào tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc hồi đầu tháng 7. Ảnh: Reuters

Theo VnExprss

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguyên nhân lũ lụt hoành hành khắp châu Á