Khi bạn bè đàm đạo chuyện nhân tình thế thái, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thường chỉ cười.
Hay tin Nguyễn Huy Thiệp qua đời, nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhớ về ký ức cuối được bạn làm thơ tặng. Vài tháng trước, khi Nguyễn Văn Thọ tới thăm, Nguyễn Huy Thiệp nửa nằm nửa ngồi trên chiếc bàn con, tay run run viết: "Anh Nguyễn Văn Thọ/ Bạn thân của tôi/ Bốn mươi năm lẻ/ Một tấm lòng vàng...". Thần trí ông lúc này không còn tốt, chỉ viết được những câu lặp đi lặp lại, nhưng khiến Nguyễn Văn Thọ xúc động khôn nguôi.
Người mắc tai biến tập đứng, tập đi, riêng Nguyễn Huy Thiệp tập viết, tập vẽ. Trên giường bệnh, ngoài những vần thơ, bức tranh nguệch ngoạc tặng người thân, ông hay suy ngẫm sự đời. Một ngày tháng 9 cuối năm ngoái, ông viết: "Cuộc sống tươi đẹp/ Là do con người/ Mọi điều kỳ diệu/ Tất cả...". Hai chữ cuối con trai ông không dịch được. Khi hỏi lại, ông cũng không nhớ mình viết gì. Cuối năm ngoái, ông viết: "Sinh lão bệnh tử/ Luật trời đã ban/ Thì đành chấp nhận/ Với nụ cười thôi... Nói chỉ nói vậy thôi/ Lòng buồn không tả nổi".
Nhà văn Trần Thị Trường nhớ mười năm trước, ông từng bị đột quỵ rồi hồi phục. Trận tai biến đầu năm ngoái đã quật ngã ông. "Nhà văn là người tự trọng, từ ngày nằm liệt giường, ông từ chối nhiều cuộc viếng thăm, chỉ gặp bạn bè thân thiết. Khi cùng con trai chống gậy, lần từng bước, mắt ông ánh lên quyết tâm lội ngược dòng. Thế nhưng sau khi vợ mất, tinh thần ông sa sút, muốn buông xuôi. Lần cuối chúng tôi gặp nhau là vài tuần trước. Khi con trai bón sữa, ông nhổ ra", nhà văn Trần Thị Trường nói.
Trong mắt bạn bè, Nguyễn Huy Thiệp hiền lành, nhút nhát. Ông ăn vận giản dị, dáng điệu lù khù như một lão nông đích thực. Thời bao cấp, mỗi lần có nhuận bút, ông và Nguyễn Văn Thọ rủ nhau đi nhậu. Nguyễn Văn Thọ hay sang nhà bạn chơi, được gia đình ông tiếp đãi nhiệt tình. Nhà văn Trần Thị Trường nhớ vợ chồng ông hay đãi khách các món ăn dân dã như canh cua, canh dọc mùng. Trên mâm cơm nhà ông lúc nào cũng có cà nén - đặc sản của quê nhà Khương Đình (Hà Nội). Ông không uống rượu, hút thuốc. Một lần, ông cùng Trung Trung Đỉnh, Bảo Ninh đến nhà họa sĩ Lê Thiết Cương chơi. Trong khi mọi người đàm đạo chuyện nhân tình thế thái, Nguyễn Huy Thiệp chỉ ngồi quan sát và cười. Ông không hoạt ngôn, chỉ nói chuyện văn chương là hào hứng. Nhiều lần, ông và Nguyễn Văn Thọ cãi nhau vì quan điểm văn chương khác biệt. Cãi xong, họ lại kề vai bá cổ, cùng ăn cơm, chuyện trò.
Nguyễn Huy Thiệp trân trọng nghiệp viết. Ông từng nói với nhà thơ Hồng Thanh Quang: "Viết văn là một trong những công việc quan trọng trong cuộc đời. Trong cuộc đời còn có nhiều việc cũng quan trọng không kém và cũng hay không kém, những công việc của một con người bình thường. Nghề nào cũng có cái hay của nó... Nhưng nghề viết văn, nó đặc biệt, vì nó là bát nhã. Nó là một cái gì đấy về sáng tạo và lý thú. Một khi anh đã sáng tạo thì anh đánh lừa được thần chết, thậm chí đánh lừa được thời gian".
Con trai út ông - anh Huy Khoa - kể khi còn khỏe mạnh, nhà văn thường chong đèn viết lách đến khuya. Tuyên bố gác bút năm 2014 nhưng ông âm thầm viết một tiểu thuyết, vài truyện ngắn, hai vở kịch. Ông không biết dùng máy tính, cần mẫn viết bản thảo bằng tay.
Hiền lành, ít nói ngoài đời, Nguyễn Huy Thiệp dồn nén mọi sắc sảo vào văn chương. Ông nổi nên từ năm 1985 qua những truyện ngắn đăng trên báo Văn nghệ đề tài nông thôn. Sau Tướng về hưu (1987) và Những ngọn gió Hua Tát (1989), ông trở thành hiện tượng độc nhất vô nhị. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nói: "Những tác phẩm của ông ra đời trong thời kỳ đổi mới, nhìn thẳng vào hiện thực bức bối của xã hội giao thoa giữa những giá trị cũ và mới, còn tồn đọng nhiều dư âm lạc hậu của một thời đã qua. Ông lên án cái ác, sự bất cập của mỗi thời, nâng niu những giá trị đạo đức nguyên thủy của người Việt".
Lối viết thẳng thắn, trần trụi của ông từng gây ra nhiều tranh cãi trên văn đàn. Nhà văn Trung Trung Đỉnh viết trong phần mở đầu Ngõ lỗ thủng: "Bấy lâu nay, giới văn chương nước nhà dấy lên một cuộc cãi lộn khá sôi nổi, về nhân cách của nhà văn. Một bên khen ông Nguyễn Huy Thiệp là viết hay, viết sắc sảo và trung thực. Còn một bên chửi ông Thiệp là đồ bịp bợm, ăn nói văng mạng, tục tĩu đểu cáng".
Thế nhưng qua thời gian, văn chương Nguyễn Huy Thiệp chứng minh sức sống, tính nhân văn. Theo Nguyễn Văn Thọ, các tác phẩm của ông vừa có giá trị tư tưởng, vừa có giá trị nghệ thuật lớn nhờ giọng văn đặc biệt, các chi tiết sắc nét, cách cấu tứ nhân vật có hơi thở, màu sắc riêng. Ông đã chạm vào những vấn đề liên quan đến vận mệnh, đời sống của dân tộc, đòi hỏi những nhà văn có lương tri, lương tâm nhìn vào.
Nhà văn Trần Thị Trường gọi ông là "người viết truyện ngắn xuất sắc" trong một giai đoạn dài của văn học Việt Nam. Ông viết giỏi, viết hay về đề tài nông thôn, điển hình như truyện ngắn Những bài học nông thôn. Dù bằng tuổi nhau, Trần Thị Trường gọi Nguyễn Huy Thiệp là anh vì ngưỡng mộ tài năng, sức viết của ông. Sau nhiều năm, bà vẫn đọc đi đọc lại các tác phẩm Những ngọn gió Hua Tát, Con gái thủy thần, Kéo cưa lừa xẻ, Muối của rừng...
Xuất thân là một giáo viên dạy sử, ông thích đọc sách sử và nhiều lĩnh vực. Các tác phẩm của ông vì thế kiến thức dày dặn, đặc biệt thể hiện qua bộ ba tác phẩm văn học sử Phẩm tiết, Kiếm sắc, Vàng lửa. "Ba truyện ngắn từng gây tranh cãi khi đưa ra những góc nhìn mới mẻ về các nhân vật lịch sử. Tuy nhiên, ông phê phán cái cũ bởi mong muốn một tương lai không dẫm phải vết xe đổ của lịch sử. Tôi nghĩ sẽ không bao giờ có một Nguyễn Huy Thiệp thứ hai", nhà văn Trần Thị Trường nói.
Không chỉ sáng tác, ông từng ra mắt tuyển tập Giăng lưới bắt chim, gồm 40 bài phê bình văn học. Ông viết phê bình cũng thẳng thừng, không kiêng dè như viết văn, khiến nhà phê bình Chu Văn Sơn từng nhận xét: "Phũ là phong cách phê bình của Nguyễn Huy Thiệp". Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói: "Những lời ác khẩu của anh chứa đựng sự nhân văn, cao đẹp".
Theo VnExpress