Nguy hại khôn lường từ thói quen cắn móng tay

17/10/2022 21:17

Cắn móng tay tưởng chừng vô hại nhưng lại có tác hại lớn, vô cùng nguy hiểm cho sức khoẻ đặc biệt đây là cách đưa vi khuẩn, giun sán vào miệng.

Em N.T.M (12 tuổi, trú tại Hà Nội) đến bệnh viện Da liễu Trung ương khám vì tật cắn móng tay, khiến móng, ngón tay biến dạng. Bản thân M không ý thức được việc cắn móng tay là xấu và cứ khi nào áp lực, stress là cắn móng tay.

Chị Nguyễn Thị H. (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đến viện kiểm tra vì tật cắn móng tay. Chị H. cho biết chị luôn tự ti vì móng tay ngắn, cụp xuống, rất xấu nhưng lại không bỏ được tật cắn móng tay.

Những lúc áp lực công việc, như một thói quen chị lại gặm nhấm móng tay của mình. Có nhiều đợt, xung quanh móng bị đỏ lên.

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, các bác sĩ ghi nhận có những trường hợp cắn móng tay dẫn đến tay đen, nhiễm trùng nặng vì họ đưa vi khuẩn từ móng tay vào miệng hoặc ngược lại vi khuẩn từ nước bọt vào móng tay.

Nguy hại khôn lường từ thói quen cắn móng tay - Ảnh 1.

Hình ảnh ngón tay biến dạng, nhiễm trùng vì tật cắn móng tay. Ảnh BS Nguyễn Xuân Anh

Bác sĩ Đặng Thị Bích Diệp, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết khi cắn móng tay trẻ vô tình đưa các vi khuẩn vi rút vào miệng khiến dễ mắc các bệnh răng miệng, bệnh đường tiêu hoá. Hơn nữa, thói quen cắn móng tay còn ảnh hưởng tới thẩm mỹ làm cho móng tay biến dạng về hình thái, ngắn, nham nhở, rối loạn hình thái móng tay.

Có trường hợp đến bệnh viện khám với tình trạng viêm nặng, mụn mủ to. Bên cạnh đó cắn móng tay làm xước vùng da xung quanh tạo điều kiện cho tác nhân gây bệnh thậm chí nấm móng tay xuất hiện cả ở móng tay và mặt, mụn cóc ở móng tay và mặt, môi.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh phòng khám chấn thương chỉnh hình Mỹ Quốc, TP Hồ Chí Minh cũng cho biết có những bệnh nhân vào khám vì tật ngồi buồn cắn móng tay. Bệnh nhân thường có đặc điểm móng tay nhỏ, ngắn hơn bình thường kèm theo viêm nhiễm quanh ngón tay.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh móng tay là “nhà ở” của nhiều loại vi khuẩn khác nhau, đặc biệt là giun sán. Hành động cắn móng tay đã vô tình đưa vi khuẩn vào miệng, dẫn đến nguy cơ nhiễm giun sán và các bệnh nhiễm trùng đường ruột rất cao.

Cắn móng tay có thể làm trầy xước da tại đầu móng, bong lớp biểu bì làm chảy máu tay, làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng da, gây sưng đỏ, hình thành mủ quanh móng.

Để giúp bạn ngừng cắn móng tay, BS Đặng Thị Bích Diệp khuyến cáo nên cắt ngắn móng tay, sơn móng tay có vị đắng.

Làm móng tay thường xuyên. Việc chi tiền để giữ cho móng tay trông hấp dẫn có thể khiến bạn ít cắn chúng hơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng băng dính hoặc miếng dán để che móng tay hoặc đeo găng tay để tránh bị cắn.

Hãy thay thế thói quen cắn móng tay bằng một thói quen tốt. Khi bạn muốn cắn móng tay, hãy thử chơi với một quả bóng... Điều này sẽ giúp bạn luôn bận rộn và tránh xa miệng.

Đối với một số người, cắn móng tay có thể là dấu hiệu của một vấn đề tâm lý hoặc tình cảm nghiêm trọng. Nếu bạn đã nhiều lần cố gắng bỏ thói quen cắn móng tay mà vấn đề vẫn tiếp diễn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Nếu bạn cắn móng tay và bị nhiễm trùng da hoặc móng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu để được điều trị sớm và tránh biến chứng.

Theo Gia đình

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy hại khôn lường từ thói quen cắn móng tay