Nguy cơ xáo trộn chính trường Đức sau thất bại liên tiếp của liên minh cầm quyền

04/09/2019 10:47

Trong vòng 30 năm qua, kể từ khi nước Đức thống nhất, SPD luôn dẫn đầu tại bang Brandenburg. Tuy nhiên, vị trí thống trị của SPD ngày càng lung lay...

Sau thất bại nặng nề tại cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang Đức năm 2017, cuộc bầu cử nghị viện bang Bayern và cuộc bỏ phiếu bầu cơ quan lập pháp mới của bang Hessen trong năm 2018, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) năm 2019, liên minh cầm quyền tại Đức đã lại tiếp tục thất bại trong hai cuộc bầu cử cấp địa phương tại bang Brandenburg và Sachsen.

Thất bại này đã khiến uy tín của chính phủ liên minh cũng như uy tín của Thủ tướng Angela Merkel tiếp tục sụt giảm và đặt liên minh cầm quyền trước nhiều khó khăn.


Uy tín của chính phủ liên minh cũng như uy tín của Thủ tướng Angela Merkel tiếp tục sụt giảm

Thất bại liên tiếp

Tại cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang Đức vào năm 2017, trong khi liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Merkel và đảng Dân chủ xã hội (SPD) - đảng đối tác trong đại liên minh cầm quyền - thất bại nặng nề thì đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo đường lối cực hữu lại tiến lên, trở thành đảng lớn thứ ba với 12,6% số phiếu bầu.

Tiếp đó, tại cuộc bầu cử nghị viện bang Bayern hôm 14.10.2018, đảng CSU- đảng kết nghĩa với đảng CDU của Thủ tướng Angela Merkel và đảng SPD cũng chịu thất bại nặng nề khi để mất lần lượt 12,1% và 10,7% tỷ lệ ủng hộ so với cuộc bầu cử lập pháp năm 2013. Đây cũng là thất bại đau đớn nhất của đảng CSU trong vòng 60 năm qua.

Với kết quả này, mặc dù vẫn là lực lượng chính trị mạnh nhất trong quốc hội bang Bayern, nhưng kết quả bầu cử có thể coi là thất bại nặng nề đối với đảng CSU bởi đảng này đã mất đa số tuyệt đối trong quốc hội bang. Tương tự, đảng CSU là đảng SPD.

Việc CSU và SPD mất đa số tỷ lệ ủng hộ trong quốc hội bang tại cuộc bầu cử bang Bayern cũng đồng nghĩa với một sự suy yếu của liên đảng bảo thủ. Trong khi đó, kết quả bầu cử được coi là thắng lợi lớn đối với đảng Xanh và đảng cực hữu AfD khi các đảng này đã dành vị trí thứ hai, thứ tư trong quốc hội bang Bayern.

Chỉ nửa tháng sau cuộc bầu cử nghị viện bang Bayern, trong cuộc bầu cử bang Hessen ngày 28-10, đảng CDU chỉ giành được 27,6% tỉ lệ ủng hộ, giảm 10,7% so với kết quả bầu cử nghị viện bang năm 2013 khi đảng cầm quyền CDU của Thủ hiến bang Hessen Volker Bouffier giành được 38,3%.

Đứng ở vị trí thứ hai là đảng SPD chỉ nhận được 19,9% số phiếu ủng hộ, giảm 10,8% so với kết quả năm 2013. Trái ngược với xu thế tụt dốc của CDU và SPD, đảng Xanh lại giành chiến thắng ngoạn mục trong cuộc bầu cử nghị viện bang Hessen.

Thực tế cho thấy những đóng góp của đảng Xanh về bảo vệ môi trường với việc các thành phố lần lượt thông qua luật cấm lưu thông xe ô tô sử dụng nhiên liệu diesel, cũng như theo đuổi việc từ bỏ điện than và điện hạt nhân đã được cử tri Đức ghi nhận.

Đáng lưu ý, là đảng AfD đã giành thêm 8,6% để đạt tỷ lệ phiếu bầu 12,6% và có mặt tại nghị viện bang Hessen.

Đây là bang cuối cùng mà đảng theo đường lối thiên hữu có nhiều biểu hiện cực hữu này giành được ghế tại nghị viện, đồng nghĩa với việc AfD đã có mặt tại cơ quan lập pháp của toàn bộ 16 bang của nước Đức, tại Quốc hội Liên bang Đức cũng như tại Nghị viện châu Âu. 

Trước tác động đáng kể từ kết quả bầu cử bang Hessen, Thủ tướng Đức Merkel đã tuyên bố không tham gia tranh cử chức Chủ tịch đảng CDU tại đại hội của đảng này tổ chức vào tháng 12.2018 tại thành phố Hamburg.

Tuy nhiên, bà Merkel vẫn tiếp tục giữ cương vị thủ tướng Đức cho đến hết nhiệm kỳ vào năm 2021. 

Còn cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu hồi tháng 5 vừa qua, tiếp tục đẩy chính phủ “đại liên minh” ở Đức lún sâu vào cuộc khủng hoảng khi cả 3 đảng CDU/CSU và SPD đều mất phiếu trầm trọng.

Liên đảng CDU/CSU chỉ giành được 28,1% số phiếu, giảm 7,2% so với cuộc bầu cử năm 2014, trong khi SPD chỉ còn được 15,5% cử tri ủng hộ, giảm tới 11,8% so với 5 năm về trước.

Tổng cộng, "đại liên minh" cầm quyền ở Đức mất tới 19% số phiếu, mức độ sụt giảm uy tín ở mức "kinh khủng". Ở chiều ngược lại, đảng Xanh theo đường lối bảo vệ môi trường đã tạo ra một bước nhảy vọt ngoạn mục khi trở thành đảng lớn thứ hai của Đức ở EP, giành 20,8% phiếu bầu, tăng 10,1% so với kỳ trước. Trong khi đó AfD là đảng lớn thứ tư, giành 11% số phiếu bầu tại Đức, tương đương 11 ghế.

Ngày 2-9 vừa qua, liên minh cầm quyền tại Đức đã thất bại lần thứ năm liên tiếp khi bị mất phiếu đáng kể trong hai cuộc bầu cử cấp địa phương, bầu Nghị viện bang Brandenburg và Sachsen.

Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy, hai đảng trong liên minh cầm quyền tại Đức hiện nay là CDU và SPD đều bị mất phiếu đáng kể, trong khi đảng AfD theo đường lối cực hữu tiếp tục vươn lên mạnh mẽ.

Cụ thể SPD đang dẫn đầu tại bang Brandenburg với 26% số phiếu bầu, trong khi AfD xếp thứ hai với 23,5%, tiếp theo là CDU với 15,7%, đảng Cánh tả (10,8%), đảng Xanh (10,7%)... So với cuộc bầu cử năm 2014, SPD giảm khoảng 5,9% số phiếu bầu, CDU mất 7,3%, đảng Cánh tả mất 7,8% trong khi AfD có thêm 12,3% cử tri ủng hộ.

Với kết quả này, SPD sẽ có 25 ghế, AfD có 23 ghế, CDU có 15 ghế, đảng Cánh tả và đảnh Xanh có 10 ghế... trong tổng số 88 ghế tại Nghị viện bang Brandenburg.

Trong vòng 30 năm qua, kể từ khi nước Đức thống nhất, SPD luôn dẫn đầu tại bang Brandenburg. Tuy nhiên, vị trí thống trị của SPD ngày càng lung lay, và cho đến cuộc bầu cử năm 2019, khoảng cách giữa SPD và đảng xếp thứ hai là AfD chỉ còn rất sít sao.

Tính tổng cộng, liên minh cầm quyền trong Chính phủ Đức hiện nay mất tổng cộng khoảng 13,2% số cử tri ủng hộ tại bang Brandenburg so với cuộc bầu cử năm 2014. Khoảng 2,5 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử này, trong đó khoảng 100.000 cử tri trẻ lần đầu tiên đi bầu cử.

Tại bang Sachsen, CDU vẫn giữ được vị trí dẫn đầu, song bị mất khoảng 6,9% số phiếu so với cuộc bầu cử năm 2014, xuống mức 32,5% cử tri ủng hộ. Đảng AfD chiếm vị trí thứ hai với 27,8%, tiếp theo là đảng Cánh tả (10,3%), đảng Xanh (8,2%), SPD (7,8%).

Thất bại nặng nề nhất thuộc về đảng Cảnh tả, với mức giảm 8,6% số phiếu bầu. Tuy nhiên, SPD cũng mất khoảng 4,6% sự ủng hộ từ cử tri và bị đẩy xuống tận vị trí thứ năm.

Liên minh CDU và SPD mất tổng cộng 11,9% số phiếu. Khoảng 3,3 triệu cử tri bang Sachsen đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử có 19 đảng tham gia tranh cử, chạy đua giành 111 ghế tại Nghị viện bang.

Tính chung cả hai cuộc bầu cử tại Brandenburg và Sachsen, đảng AfD theo đường lối cực hữu, bài ngoại và chống lại làn sóng người nhập cư đều gây ấn tượng mạnh với việc chiếm vị trí thứ hai.

Khoảng cách giữa AfD với các đảng dẫn đầu tại Brandenburg (SPD) và Sachsen (CDU) đều rất mong manh, đưa đảng này trở thành lực lượng chính trị có vị thế và khả năng thách thức các đảng truyền thống đang liên minh nắm quyền trong Chính phủ Đức.

Nguy cơ xáo trộn 

Việc liên minh cầm quyền hiện nay ở Đức tiếp tục thất bại trong hai cuộc bầu cử cấp địa phương tại bang Brandenburg và Sachsen là điều đã được dự báo từ trước.

Tuy nhiên, thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử này càng khiến uy tín của liên minh cầm quyền sụt giảm nghiêm trọng, có thể dẫn đến những xáo trộn mạnh mẽ trên chính trường Đức trong thời gian tới.

Với sự vươn lên mạnh mẽ tại hai cuộc bầu cử cấp địa phương tại bang Brandenburg và Sachsen, như một hệ quả tất yếu, AfD sẽ đào sâu hơn nữa những chia rẽ trong xã hội Đức, đặc biệt trước những vấn đề cực đoan.

Theo nhận định mới đây của người đứng đầu Cục Cảnh sát Hình sự Liên bang Đức, Đức đang phải đối mặt với nguy cơ ngày càng gia tăng từ các nhóm khủng bố và các nhóm cực đoan cánh hữu.

Hơn nữa nước Đức cũng đang chìm trong cuộc khủng hoảng người di cư, và sự bứt phá của AfD càng có nguy cơ khiến xã hội bất ổn. Trong những năm gần đây, tư tưởng bài ngoại và chống người nhập cư theo tuyên truyền của các nhóm phát xít mới và đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức đang ngày một gia tăng tại Đức.

ác số liệu thống kê mới nhất của Chính phủ Đức cho biết trong năm 2018, cảnh sát ghi nhận có hơn 19.000 vụ phạm tội do các nhóm cực hữu gây ra, trong đó có khoảng 1000 vụ tấn công bạo lực nhằm vào người nước ngoài, người nhập cư và các đối thủ chính trị, khiến gần 500 người bị thương.

Quan ngại hơn, trong bối cảnh nền kinh tế Đức đang có nguy cơ rơi vào suy thoái, kết quả bầu cử nghị viện các bang Brandenburg và Sachsen khiến giới chuyên gia dự báo sẽ có tác động lớn tới đời sống chính trị quốc gia cũng như uy tín của Thủ tướng Merkel. 

Trung tuần tháng 8 vừa qua, Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) đã đưa ra cảnh báo nền kinh tế Đức có nguy cơ rơi vào suy thoái. Trong báo cáo hằng thàng, Bundesbank cho rằng kinh tế Đức có thể tiếp tục sụt giảm nhẹ trong quý III sau khi giảm 0,1% trong quý trước đó.

Theo dữ liệu kinh tế hiện nay, sản xuất công nghiệp dự kiến giảm rõ rệt trong quý III, xuất phát từ việc các đơn đặt hàng giảm mạnh và tâm lý của các nhà sản xuất bị ảnh hưởng, khiến kinh tế Đức không có dấu hiệu khả quan. 

Bundesbank cho rằng nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế quý II đi xuống là do xuất khẩu sụt giảm xuất phát từ tranh chấp thương mại trên thế giới và viễn cảnh u ám của tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Tất cả gây tác động đến nền kinh tế vốn hướng vào xuất khẩu này.

Do đó, hoạt động kinh tế của Đức có thể tiếp diễn kịch bản như vậy vào quý III. Báo cáo của Bundesbank còn chỉ rõ thị trường việc làm đang phát đi dấu hiệu yếu kém và lòng tin trong ngành dịch vụ cũng sụt giảm.

Cùng với những chỉ dấu về khả năng không mấy sáng sủa của kinh tế Đức quý này, triển vọng về một cuộc “suy thoái kỹ thuật” - chỉ việc một nền kinh tế trải qua hai quý suy giảm liên tiếp - đang ngày càng lớn đối với Đức.

Hàng loạt thất bại liên tiếp chỉ trong vòng chưa đầy ba năm, lần sau còn nặng nề hơn lần trước, là điều khó có thể bào chữa đối với liên minh cầm quyền hiện nay ở Đức, và có thể thúc đẩy một cuộc cải tổ mạnh mẽ trong nội bộ mỗi đảng, cũng như trong toàn bộ liên minh, và không loại trừ khả năng chính phủ hiện nay tan rã.

Truyền thông Đức đã nhiều lần đề cập đến khả năng SPD rút lui khỏi "đại liên minh", tách khỏi cái bóng của CDU/CSU để bắt đầu công cuộc chấn hưng, cũng như việc Chủ tịch đảng bảo thủ CDU, bà Annegret Kramp-Karrenbauer có thể thay thế vị trí Thủ tướng của bà Angela Merkel giữa nhiệm kỳ. Nếu không có sự đột phá, xu hướng mất uy tín sẽ còn tiếp tục đe dọa CDU và SPD trong cuộc bầu cử địa phương trong năm nay ở bang Thüringen.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy cơ xáo trộn chính trường Đức sau thất bại liên tiếp của liên minh cầm quyền