Trong bối cảnh việc đàm phán với EU còn nhiều khó khăn, nước Anh đang tích cực đàm phán với các đối tác lớn để tìm kiếm những thỏa thuận thương mại mới.
Nước Anh vẫn đang đối mặt với nguy cơ rời EU không có thỏa thuận
Kể từ khi rời EU vào ngày 31.1.2020, Vương quốc Anh đã bước vào giai đoạn chuyển tiếp cho đến ngày 31.12. Trong thời gian này, Anh sẽ vẫn tiếp tục áp dụng các tiêu chuẩn EU. Hai bên dự kiến sẽ bắt đầu đàm phán chính thức về mối quan hệ tương lai vào đầu tháng 3 tới. Tuy nhiên, sự khác biệt, mâu thuẫn về quan điểm và lợi ích giữa hai bên hiện nay đang khiến triển vọng đạt một thỏa thuận toàn diện gần như là “bất khả thi”.
Nguy cơ Anh rời khỏi EU không thỏa thuận vẫn cao
Sau ba năm rưỡi, qua các nhiệm kỳ của 3 thủ tướng và nhiều cuộc bỏ phiếu trong Quốc hội kể từ cuộc trưng cầu dân ý Brexit năm 2016, nước Anh cuối cùng đã trở thành quốc gia đầu tiên rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) lúc 23 giờ giờ GMT ngày 31.1.2020.
Sau sự kiện lịch sử này, Anh và EU bước vào giai đoạn mới, giai đoạn chuyển tiếp (dự kiến kéo dài 11 tháng, đến hết năm 2020), đàm phán để hướng tới một thỏa thuận quy định các mối quan hệ giữa hai bên trong tương lai. Nếu không đạt được thỏa thuận thì điều này có thể gây thiệt hại kinh tế cho cả hai bên và thậm chí là đối với cả thế giới. Đây là một kịch bản mà cả hai bên đều muốn tránh. Các cuộc đàm phán chính thức dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 3/3 tới. Và trong khoảng thời gian này, hai bên đã bắt đầu phác thảo các ưu tiên của mình và đặt ra các giới hạn trong đàm phán.
Ngày 3.2, ba ngày sau khi nước Anh chính thức rời khỏi EU, cả Anh và EU đã đưa ra mục tiêu đàm phán của mình. Tuy nhiên dường như hai bên đang bộc lộ những mâu thuẫn liên quan đến thỏa thuận thương mại hậu Brexit, khi đưa ra những tầm nhìn rất khác nhau về mối quan hệ tương lai. Theo kế hoạch, các cuộc đàm phán tới đây giữa Anh và EU sẽ chủ yếu tập trung vào mối quan hệ đối tác kinh tế, đặc biệt là hiệp định thương mại tự do, bên cạnh đó là các vấn đề về an ninh và khung pháp lý để giải quyết tranh chấp.
Cho đến nay, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố ông mong muốn đạt một thỏa thuận thương mại tự do theo mô hình Canada-EU được ký năm 2016. Song ông Johnson cũng khẳng định sẽ không vì có được một hiệp định thương mại tự do mới với mục tiêu là "không thuế quan, không hạn ngạch" mà nước Anh lại phải chấp nhận các quy tắc của EU về cạnh tranh, trợ cấp nhà nước, bảo trợ xã hội, y tế, môi trường.
Về phía EU, trưởng đoàn đàm phán Brexit của khối, Michel Barnier, đã yêu cầu Anh hai điều kiện: thứ nhất là thống nhất về nguyên tắc trong cuộc chơi chung hiệp định thương mại để London không trở thành một đối thủ cạnh tranh không công bằng; và thứ hai là giải quyết những vấn đề khác ngoài thương mại như quyền đánh cá, chia sẻ dữ liệu và bảo mật. Với quan điểm cho rằng các vấn đề đều có liên kết với nhau, EU luôn muốn các nội dung đàm phán phải diễn ra song song.
Ở thời điểm hiện tại, sự khác biệt giữa hai bên dường như đang lớn hơn bao giờ hết, đặt ra nguy cơ Anh rời Liên minh châu Âu (EU) không thỏa thuận vẫn là rất cao. Trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier cho rằng chính Anh đang lựa chọn một mối quan hệ xa cách hơn so với mối quan hệ EU mong muốn. Tuy nhiên, ông Barnier cho biết EU sẵn sàng đưa ra một thỏa thuận tự do thương mại không thuế quan, không có hạn ngạch, thậm chí là hào phóng hơn so với thỏa thuận với Canada. Vấn đề gây tranh cãi nhất là “một sân chơi bình đẳng” để tránh trường hợp Anh vượt qua đối tác thương mại lớn nhất của mình. Nói cách khác, Anh sẽ phải tuân thủ các quy tắc của EU về trợ cấp nhà nước cho các công ty, về tiêu chuẩn môi trường, tiêu chuẩn nơi làm việc và tiêu chuẩn lao động. EU cũng muốn duy trì quyền đánh cá ở vùng biển của Anh, và duy trì vai trò của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ).
Thủ tướng Boris Johnson thì kịch liệt bác bỏ những yêu cầu trên của EU. Ông muốn một thỏa thuận thương mại tự do như thỏa thuận với Canada, tức là không bị ràng buộc bởi các điều kiện nghiêm ngặt về sân chơi bình đẳng. Nói cách khác là không cần bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến việc phải chấp nhận các quy tắc của EU về cạnh tranh, trợ cấp, bảo vệ xã hội hoặc môi trường. Ông lập luận rằng EU nên tin tưởng vào lời hứa của ông, rằng Anh sẽ giữ tiêu chuẩn cao nhất có thể. Nhưng EU thì lại nghi ngờ việc Anh có thể không thực hiện các nghĩa vụ theo “Hiệp ước Ra đi” về việc áp đặt kiểm soát biên giới giữa Bắc Ireland và phần còn lại của Vương quốc Anh, nên EU không muốn chỉ dựa vào niềm tin. EU vẫn giữ quan điểm cứng rắn về một sân chơi bình đẳng.
Theo các nhà phân tích, với gần 50 năm hội nhập, gắn kết giữa Anh và EU đã rất sâu rộng và phức tạp, vì thế một thỏa thuận về quan hệ đối tác mới sẽ phải bao quát rất nhiều lĩnh vực, từ thương mại hàng hóa và dịch vụ, từ quyền tự do đi lại đến các vấn đề lao động, môi trường, an ninh... Thông thường, một thỏa thuận thương mại tự do toàn diện như vậy sẽ phải mất vài năm để thống nhất (và thêm thời gian nữa để phê chuẩn). Vì thế, nhiều người cho rằng, thời gian 11 tháng của giai đoạn chuyển tiếp giữa hai bên để đạt được thỏa thuận trong tương lai được xem là quá ngắn. Theo “Hiệp ước Ra đi”, Thủ tướng Anh Johnson sẽ được phép đề nghị gia hạn vào cuối tháng 6 tới. Các luật sư của EU nói rằng nếu ông Johnson bỏ lỡ thời hạn này thì sẽ không thể xin gia hạn thêm nữa. Tuy nhiên cho đến nay, Thủ tướng Anh Johnson vẫn bày tỏ quan điểm từ chối xem xét kéo dài thời gian chuyển tiếp sau năm 2020.
Bởi vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng, nguy cơ về Brexit không thỏa thuận giữa Anh và EU vẫn là rất lớn. Sự khác biệt, mâu thuẫn về quan điểm và lợi ích giữa hai bên khiến triển vọng đạt một thỏa thuận toàn diện được xem là rất khó khăn. Nhưng nếu như không có thỏa thuận nào được thực hiện kịp thời, điều này sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng mới trong quan hệ Anh-EU khi năm 2020 kết thúc.
Anh tích cực tìm kiếm những đối tác mới
Trong bối cảnh việc đàm phán với EU còn nhiều khó khăn, nước Anh đang tích cực đàm phán với các đối tác lớn để tìm kiếm những thỏa thuận thương mại mới. Ngoài EU, Anh đang hướng đến các thỏa thuận thương mại với Mỹ, Nhật Bản… và dành mối quan tâm đáng kể đối với Hiệp định Ðối tác toàn diện, tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Dự kiến trong vài tháng tới, Anh sẽ bắt đầu đàm phán thỏa thuận thương mại với các đối tác trên, bên cạnh các cuộc đàm phán về quan hệ thương mại tương lai với EU.
Đối tác đầu tiên mà Anh muốn hướng tới là Mỹ. Các nhà phân tích nhận định, nếu đạt được một thỏa thuận thương mại tự do xuyên Ðại Tây Dương nhanh chóng với Mỹ sẽ có thể giúp Anh có thêm lợi thế trong đàm phán thương mại hậu Brexit với EU. Mới đây vào ngày 6.2, trong một thông báo với Quốc hội, Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss nêu rõ, nước này đang tìm kiếm những cắt giảm thuế sâu rộng trong một thỏa thuận thương mại với Mỹ. Theo bà Truss, Hiệp định thương mại tự do (FTA) Anh-Mỹ sẽ bảo đảm cắt giảm thuế toàn diện, sâu rộng và đôi bên cùng có lợi, kể cả đối với những mặt hàng nhạy cảm của Anh, từ đó tăng khả năng tiếp cận thị trường Mỹ cho các doanh nghiệp Anh, cũng như giảm giá và gia tăng sự lựa chọn cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, phía Mỹ cũng đánh giá tích cực về triển vọng đàm phán thương mại với Anh sau Brexit. Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã hứa hẹn với Thủ tướng Anh Boris Johnson về một thỏa thuận "hoành tráng" có thể ký vào tháng 9 năm nay, giúp tăng từ 3 đến 5 lần kim ngạch thương mại song phương hiện tại. Trong khi đó, các dự báo được tiết lộ của Chính phủ Anh cũng cho rằng thỏa thuận thương mại với Mỹ về lâu dài có thể giúp kinh tế Anh tăng trưởng thêm khoảng 0,2%.
Trong những ngày đầu tháng 2 này, giới chức Anh và Nhật Bản cũng tuyên bố nhất trí thúc đẩy đàm phán hiệp định thương mại song phương ngay sau khi Anh rời EU. Trong chuyến thăm Nhật Bản của Ngoại trưởng Anh Dominic Raab (ngày 8 và 9.2.2020), hai nước đã nhất trí tìm kiếm một hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao giống như Hiệp định đối tác kinh tế Nhật Bản-EU. Bộ trưởng Ngoại giao Anh Raab nhấn mạnh rằng, hiệp định thương mại song phương giữa Anh và Nhật Bản sẽ gửi đi một tín hiệu vô cùng mạnh mẽ về cam kết của hai nước với thương mại tự do, dựa vào các quy tắc.
Trước đó, ngày 6.2, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Hai nhà lãnh đạo khẳng định nhất trí bắt đầu các cuộc đàm phán về việc thiết lập một khu vực thương mại tự do hậu Brexit giữa hai nước. Hiện nay Israel là nhà nhập khẩu ô tô, khoáng sản, máy móc, sản phẩm công nghiệp hóa chất và thiết bị điện của Anh, trong khi Anh là đối tác thương mại lớn nhất của Israel ở châu Âu.
Ngoài ra, Anh còn dành mối quan tâm đáng kể đối với Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một hiệp định tự do thương mại lớn của thế giới hiện nay. Trước thời điểm chính thức rời EU, cực Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cũng đã từng khẳng định rằng Anh sẽ "nghiên cứu khả năng tham gia CPTPP”…
Theo TTXVN