Đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã lan ra toàn tỉnh, hàng nghìn con lợn phải tiêu hủy. Ở một số nơi, việc tiêu hủy lợn chưa đúng quy định làm cho người dân lo lắng về nguy cơ gây ô nhiễm.
Lực lượng chức năng không mặc đồ bảo hộ khi tiêu hủy lợn bệnh ở xã Nam Trung (Nam Sách)
Sai quy định
Tại xã Hiến Thành (Kinh Môn), nơi đầu tiên xuất hiện ổ DTLCP của tỉnh, lợn bị tiêu hủy chưa được cho vào bao mà đổ thẳng vào hố chôn. Tại thị trấn Kinh Môn, việc tiêu hủy lợn cũng diễn ra tương tự.
Theo quy định, hố chôn lợn phải cách nhà dân, giếng nước, khu chuồng tối thiểu 30 m và có đủ diện tích nhưng thực tế có những hố chưa bảo đảm khoảng cách. Tại gia đình ông Hoàng Văn Chinh ở thôn An Thủy (xã Hiến Thành), khoảng chục con lợn tiêu hủy đợt 2 được chôn ngay trong vườn cách khu chăn nuôi chỉ 5-7 m, cách khu nhà ở chỉ khoảng 20 m.
Việc tiêu hủy lợn bệnh ở thôn Mạn Đê, xã Nam Trung (Nam Sách) cũng chưa được thực hiện nghiêm theo quy định. Lực lượng chức năng của xã không mặc quần áo bảo hộ. Virus mang mầm bệnh dễ bám vào quần áo, đồ dùng cá nhân của những người tham gia tiêu hủy lợn bệnh. Nếu không được khử trùng kỹ lưỡng, chính đội tiêu hủy có thể mang mầm bệnh lây lan. Quãng đường vận chuyển lợn bệnh từ ổ dịch đến nơi tiêu hủy xa, qua chợ và khu vực đông dân cư. Mặc dù lợn được che đậy kỹ nhưng việc vận chuyển này cũng dễ làm dịch bệnh phát tán ra môi trường.
Theo dõi, quản lý các hố chôn lấp
Ở một số khu vực tiêu hủy lợn bệnh đã xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Ông Hoàng Văn Chinh cho biết khoảng 3 ngày sau khi tiêu hủy, dịch từ hố chôn chảy ra ngoài làm cho vợ chồng ông không ăn, không ngủ được vì mùi hôi thối. Lo ngại mầm bệnh DTLCP tồn tại ở môi trường, ngày nào ông Chinh cũng phải phun thuốc tiêu độc, khử trùng. Cách đó không xa, 141 con lợn thuộc đàn lợn nhiễm bệnh DTLCP của trang trại ông Chinh và ông Mạc Văn Cương bị tiêu hủy ở khu vực cánh đồng. Mặc dù cách xa khu dân cư nhưng chỉ vài ngày sau khi chôn lấp, hố bốc mùi hôi thối bay vào khu dân cư. "Hố chôn được đào thủ công, lợn chết không cho vào bao mà vứt thẳng xuống hố. Đây có thể là nguyên nhân khiến hố bốc mùi hôi thối", ông Chinh lý giải.
Tại thôn Trâm Mòi, xã Thái Hòa (Bình Giang) - nơi có nhiều hộ nuôi lợn bị mắc bệnh DTLCP, khu vực tiêu hủy lợn là đường ra cánh đồng thôn. 6 - 7 hố tiêu hủy nằm sát nhau, không được cắm biển cảnh báo, bốc mùi hôi thối. Ông Nguyễn Văn T., người dân cùng thôn bức xúc: "Chính quyền địa phương rất thờ ơ dập dịch, việc tiêu hủy gần như chỉ mang tính hình thức. Các hố chôn không bảo đảm, lợn chết do dịch không được tiêu hủy theo đúng quy định. Theo tôi, đây là nguyên nhân chính khiến dịch lan ra toàn xã".
Việc tiêu hủy lợn với số lượng lớn không thể tránh khỏi nguy cơ ô nhiễm. Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh khuyến cáo: "Đối với các hố tiêu hủy ngay ổ dịch do chủ trang trại, gia trại quản lý. Còn hố tiêu hủy ở cánh đồng, bãi rác... chính quyền địa phương phải có trách nhiệm theo dõi, quản lý. Trong quá trình lợn phân hủy, các hố chôn dễ bị nứt, sụt lún. Để tránh ảnh hưởng đến môi trường, khi phát hiện sụt lún phải bổ sung đất cát vào đó, rắc vôi bột, phun khử trùng khu vực xung quanh".
PV
Để chôn lợn bị nhiễm bệnh, người chăn nuôi, cơ quan liên quan và chính quyền địa phương phải tuân thủ nghiêm một số nguyên tắc. Xác động vật, sản phẩm động vật phải được cho vào bao, buộc chặt miệng bao và tập trung bao chứa vào một chỗ để phun khử trùng trước khi vận chuyển. Trường hợp động vật lớn, không vừa bao chứa phải sử dụng tấm nilon hoặc vật liệu chống thấm để lót bên trong (đáy và xung quanh) thùng của phương tiện vận chuyển. Phương tiện vận chuyển xác động vật, sản phẩm động vật phải có sàn kín để không làm rơi vãi. Hướng dẫn cũng nêu cụ thể về địa điểm chôn lấp và khuyến khích nên chọn nơi chôn ngay trong vườn, nhất là vườn cây ăn quả hoặc cây lấy gỗ, cách thức chôn và quản lý điểm chôn lấp. Chi cục Thú y quy định mỗi hố chôn không quá 5 tấn lợn, bởi nếu chôn số lượng lớn, các vi sinh vật khó phân hủy hết trong một thời gian ngắn. Nguy cơ thẩm lậu chất hữu cơ chưa phân hủy hết, nhất là vi trùng gây bệnh trong lợn bệnh vào đất và nguồn nước xung quanh là rất cao. Theo văn bản hướng dẫn của Chi cục Thú y |