Cục An toàn thông tin cho biết đã có nạn nhân bị lừa 12 tỷ đồng sau khi làm trung gian bán hàng theo mô hình dropshipping.
Dropshipping là thuật ngữ chỉ hình thức bán lẻ mà người bán không cần nhập sản phẩm về kho. Thay vào đó, họ chỉ cần tìm đơn hàng, sau đó chuyển đơn hàng và thông tin về khách mua tới nhà sản xuất hoặc đơn vị cung ứng. Mô hình này đang trở nên phổ biến trên mạng thời gian qua khi nhu cầu mua bán online nở rộ.
Ngày 30/3, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo, dù mang lại lợi ích cho người bán trung gian, nhiều người đã bị lừa khi tham gia mô hình này, trong đó có một nạn nhân tại Hà Nội mất số tiền 12 tỷ đồng.
Sau khi nghe lời giới thiệu từ một người bán hàng online rằng họ đã lãi 80 triệu đồng khi bán được hai đồng hồ qua ứng dụng, chị Hạnh (tên nhân vật đã được thay đổi) thấy lợi nhuận lớn nên quyết định tham gia và lên trang web tải app về.
Theo quy định của trang, khi có khách đặt hàng, chị sẽ gửi lệnh thanh toán bằng USD trên ứng dụng và quy đổi thành tiền Việt Nam để chuyển cho tài khoản được yêu cầu. Khi họ nhận được tiền, chị sẽ nhận lại tiền gốc và tiền lãi.
Đơn hàng đầu tiên, chị nạp 511,28 USD (12,6 triệu đồng), sau đó nhận về cả gốc và số tiền lãi 61,35 USD (1,5 triệu đồng). Chị tiếp tục đặt 46 đơn hàng, trong đó một số đơn cũng rút được tiền.
"Đến khi số tiền nạp mua đơn là 12 tỷ đồng, chị bị chặn liên lạc và không thể rút tiền. Lúc này chị mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo", cảnh báo của Cục nêu.
Ứng dụng trên hoạt động tại website supplyshop... Tra cứu trên hệ thống Whois, trang web mới được tạo giữa tháng 1, đến nay vẫn còn hoạt động.
Ngoài ra, một hình thức khác liên quan đến dropshipping là lừa tiền đặt cọc hoặc lừa giúp xây dựng hệ thống. Bùi Hiếu tại Vĩnh Phúc cho biết sau khi tham gia một hội nhóm trên Facebook hồi tháng 2, anh được một người trong nhóm giới thiệu mô hình "trung gian bán hàng". Theo đó, họ đề nghị anh đặt cọc 5-10 triệu đồng và sẽ được hỗ trợ xây dựng hệ thống bán hàng online, gồm trang bán hàng trên Facebook, TikTok. Anh được hứa hẹn chỉ cần vận hành các trang này, không cần bỏ vốn hay nhập hàng, mà sẽ được hoa hồng theo từng đơn lên tới hàng chục phần trăm. "Khi tôi lo ngại có phải lừa đảo không, họ lập tức chặn liên hệ", anh Hiếu kể.
"Người dân cần xác minh kỹ thông tin khi tham gia mô hình dropshipping và trước mỗi giao dịch chuyển tiền, cần thận trọng khi đứng trước cơ hội nhận lợi nhuận lớn nhờ vào các ứng dụng kinh doanh trực tuyến", Cục khuyến nghị.
TN (theo VnE)