Đại diện Cục Chăn nuôi nhận định, với nguồn cung dồi dào như hiện nay, các sản phẩm từ ngành chăn nuôi sẽ bảo đảm đủ nguồn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2015.
Đóng gói sản phẩm thịt gà để cung cấp ra thị trường tại trung tâm giết mổ gia cầm. (Ảnh: (An Hiếu/TTXVN)
Đó là thông tin được Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân đưa ra bên lề hội nghị về đánh giá kết quả triển khai mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày ngày 2-12 tại Hà Nội.
Đánh giá chung về tình hình sản xuất ngành chăn nuôi trong năm 2014, Cục trưởng Hoàng Thanh Vân cũng cho rằng, tuy ngành gặp nhiều khó khăn về thị trường và dịch bệnh đã làm chậm việc tái đàn trong các tháng đầu năm, nhưng hiện nay chăn nuôi đang được khôi phục và phát triển nhanh.
Đơn cử như, ngành chăn nuôi lợn có nhiều thuận lợi do tình hình dịch bệnh đã được khống chế, giá thịt lợn hơi tăng nên người chăn nuôi phần nào yên tâm sản xuất. Cụ thể, chăn nuôi lợn trong tháng 11/2014 có sự gia tăng mạnh, cả nước có khoảng 26,82 triệu con lợn, tăng 2,13%, trong đó đàn lợn nái có 3,9 triệu con, tăng 2,07 % so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, xu hướng chăn nuôi lợn đang chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, cho hiệu quả thấp sang hình thức gia trại, trang trại đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Chăn nuôi gia cầm cũng có xu hướng phát triển tốt do dịch cúm gia cầm được khống chế, giá bán các sản phẩm gia cầm có chiều hướng tăng đã kích thích nhiều hộ chăn nuôi tập trung mở rộng quy mô, tái đàn trở lại. Tính đến tháng 11/2014, đàn gia cầm cả nước có khoảng 328,1 triệu con, tăng 4,6%, trong đó đàn gà 243 triệu con tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Với số lượng này, ông Hoàng Thanh Vân cho biết, đây sẽ là nguồn thực phẩm đa dạng phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán 2015.
Nhận định thêm về tình hình giá cả, Cục trưởng Hoàng Thanh Vân cũng cho biết, các tháng đầu năm 2014, giá sản phẩm chăn nuôi ở phía Nam biến động nhiều và tăng cao hơn khu vực miền Trung và các tỉnh phía Bắc, nhất là với giá lợn và gà lông màu.
Giá lợn hơi ở các tỉnh phía Bắc luôn thấp hơn các tỉnh phía Nam từ 5.000-8.000 đồng/kg, kéo dài suốt trong quý 2 đến quý 3, song những tháng cuối quý 3 và đầu quý 4, giá thịt lợn hơi ở 2 miền đã có xu hướng xích gần hơn và chênh lệch giá chỉ còn từ 3.000-4.000 đồng/kg.
“Đây chỉ là do biến động về thị trường, còn sức sản xuất ở 3 miền tương đối cân bằng. Với xu thế này, từ nay đến Tết Nguyên đán, thị trường sẽ không lo thiếu thịt, đảm bảo với nguồn cung dồi dào và kỳ vọng giá cả sẽ không tăng,” Cục trưởng Hoàng Thanh Vân chia sẻ.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cũng cho rằng, bên cạnh vấn đề đảm bảo về giá cũng như số lượng, công tác kiểm soát chất lượng vật tư và an toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi cũng được tăng cường. Hiện Bộ đã thống kê về số lượng và kiểm soát được chất lượng 100% các lô nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu theo từng doanh nghiệp, từng nước xuất khẩu.
Hiện nay, khối lượng tiêu thụ bình quân đầu người một số sản phẩm chăn nuôi chính của Việt Nam vẫn ở mức trung bình so với khu vực và trên thế giới:
- Bình quân tiêu thụ thịt hơi ước tính năm 2014 là 50kg/người/năm; tăng 1,42% so với năm 2013 (chỉ 49,3kg/người/năm).
- Bình quân tiêu thụ trứng gia cầm năm 2014 là 88,74 quả/người/năm; tăng 2,66% so với năm 2013 (chỉ đạt 86,44 quả/người/năm).
- Bình quân tiêu thụ sữa tươi trong năm 2014 là 5,81 lít/người/năm so với năm 2013 chỉ là 5,09 lít/người/năm.