Người xứ Đông ở phố núi Pleiku

08/02/2019 06:44

Vào những thập niên 70, 80 thế kỷ trước, hàng nghìn hộ dân Hải Dương hăng hái lên đường vào Tây Nguyên xây dựng vùng kinh tế mới, trong đó có thị xã Pleiku (nay là TP Pleiku, Gia Lai).

Ông Trần Văn Trung (quê Thanh Miện) mở doanh nghiệp sản xuất rượu mang thương hiệu "Đệ nhất Tứn Khửn" nổi tiếng khắp đất Gia Lai

Với bản chất cần cù, năng động, sáng tạo, những người dân xứ Đông đã vươn lên làm giàu cho gia đình, góp phần xây dựng phố núi ngày càng hiện đại, văn minh.

Giỏi làm kinh tế

Ông Nguyễn Xuân Kề, Chủ tịch Hội Đồng hương Hải Hưng tiếp chúng tôi trong căn hộ riêng ở phường Trà Bá (TP Pleiku). Ông Kề quê ở xã Diên Hồng (Thanh Miện), cùng vợ và các con vào Pleiku từ năm 1994. Rót chén trà mời khách, ông hào hứng nói: "Biết các anh vào thăm, viết bài về đồng hương Hải Dương đi vùng kinh tế mới trong này nên bà con rất mừng. Từ sáng tới giờ họ liên tục gọi điện cho tôi hỏi các anh đã vào chưa đấy".

Ông Kề dẫn chúng tôi tới những khu dân cư có nhiều người Hải Dương. Ông bảo ở TP Pleiku hiện có khoảng 5.000 gia đình người Hải Dương đang sinh sống, gồm cả thế hệ thứ 2, thứ 3. Đầu năm 1978, người dân Hải Dương bắt đầu vào đây theo diện công nhân xung phong đi khai hoang, mở nông trường nhưng chỉ có ít hộ. Từ năm 1982, khi có chủ trương di dân, người dân tỉnh ta mới vào đây nhiều. Ngày đó, Pleiku nghèo, nhà cửa thưa thớt, lụp xụp, sản xuất khó khăn, đi lại rất vất vả. Nhiều hộ tưởng như không trụ nổi, muốn trở lại cố hương. Lúc này, bà con Hải Dương đã động viên, giúp đỡ nhau cùng khắc phục khó khăn, nỗ lực khai hoang, tăng gia sản xuất. Ban đầu họ trồng ngô, sắn, đỗ tương để ổn định lương thực, sau mở rộng diện tích trồng cà phê, hồ tiêu. Đến nay, có trên 40% số hộ quê Hải Dương sống tại Pleiku thuộc diện khá, giàu, đặc biệt là không còn hộ nghèo. Nhiều người là chủ vùng trồng cà phê, hồ tiêu hoặc chủ doanh nghiệp thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Xuống tổ 14, phường Hội Phú, chúng tôi thăm vùng trồng cà phê, hồ tiêu, chanh leo rộng hàng chụcha mà phần lớn diện tích là của người Hải Dương. Chỉ tay về phía vạt cà phê sai trĩu quả rộng hơn 4 ha của gia đình, ông Phạm Văn Oanh (67 tuổi, quê ở xã Gia Lương, Gia Lộc) cho biết dù cà phê không còn được giá như trước nhưng năm nay ông vẫn bỏ túi 600 triệu đồng tiền lãi. Ngoài trồng cà phê, ông Oanh còn nuôi thêm 40-50 con bò, tiền lãi mỗi năm cũng mua được 2-3 chiếc xe máy SH. Mới đây, gia đình ông đã đầu tư 6 tỷ đồng mua một căn nhà ở TPVũng Tàu để cho thuê. Năm nào gia đình ông Oanh cũng là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. "Ngày mới vào đây vợ chồng tôi phải đi làm thuê kiếm sống mới lo được miếng cơm, áo mặc cho 5 đứa con. Cũng nhờ có bà con đồng hương trong này luôn bên cạnh đùm bọc, giúp đỡ tận tình nên gia đình tôi mới có được như hôm nay", ông Oanh bộc bạch.

Tới phường Yên Thế, chúng tôi gặp ông Trần Văn Trung - chủ doanh nghiệp sản xuất rượu mang thương hiệu "Đệ nhất Tứn Khửn" nổi tiếng khắp đất Gia Lai. Năm 1999, rời quê nhà Phạm Kha (Thanh Miện), ông Trung cùng vợ và các con vào Pleiku lập nghiệp. Từ chỗ phải đi làm thuê và ở nhờ trong chiếc lán tạm bợ, vợ chồng ông Trung nhanh chóng giàu có nhờ làm nghề xử lý mối cho các công trình xây dựng và sản xuất rượu. Mỗi năm doanh nghiệp của gia đình ông thu lãi tiền tỷ. 

Vào Pleiku lập nghiệp với 2 bàn tay trắng nhưng giờ đây ông Phạm Văn Oanh (quê Gia Lộc) đã trở thành tỷ phú

Tại khu vực vòng xuyến đường Cách mạng Tháng Tám có một vườn ươm, lai tạo hoa hồng lớn nhất TP Pleiku rộng hơn 2 ha. Chủ vườn là anh Mai Quốc Trưởng (40 tuổi, quê ở xã Lam Sơn, Thanh Miện). Vườn hồng của anh hình thành từ năm 2014 nhưng đã cho thu lãi đều đặn hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. "Tôi đã có kế hoạch xây dựng một khu trồng hoa hồng rộng 100 ha tại Gia Lai để vừa cung cấp cây giống, hoa cho thị trường, vừa phục vụ phát triển du lịch, đồng thời xây dựng 1 nhà máy chiết xuất tinh dầu và sản xuất trà từ hoa hồng", anh Trưởng chia sẻ.

Đóng góp xây dựng phố núi

Năm 1997, Hội Đồng hương Hải Hưng tại TP Pleiku đã được thành lập để tập hợp, đoàn kết các gia đình cùng giúp đỡ nhau. Đến nay, hội đã thành lập được 11 chi hội, quy tụ được 850 gia đình. Với phương châm "tách tỉnh nhưng không tách tình", các gia đình hội viên tích cực hỗ trợ nhau về giống, vốn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất... Các chi hội đều xây dựng được Quỹ Phát triển kinh tế, trong đó chi hội có số quỹ cao nhất là hơn 200 triệu đồng. Nguồn quỹ này được duy trì để cho các hộ khó khăn vay đầu tư phát triển sản xuất nhưng không tính lãi. Hằng năm, nguồn vốn mà các hộ tự cho nhau vay phát triển kinh tế lên tới hàng tỷ đồng.

Người Hải Dương coi Pleiku như quê hương thứ hai. Họ không chỉ vươn lên trong phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình mà còn tích cực tham gia xây dựng phố núi.

Những người con Hải Dương đã góp phần phát triển mạnh mẽ thành phố này. Ông Trần Xuân Quang, Chủ tịch UBND TP Pleiku nhấn mạnh: "Pleiku giờ đây đã trở thành một thành phố xinh đẹp, phát triển năng động với cơ sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ, khang trang và đang hướng tới đô thị loại 1. Phố núi có được thành quả như hôm nay không thể không nhắc tới sự đóng góp tích cực, trách nhiệm, hiệu quả của những người dân Hải Dương".

MẠNH QUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người xứ Đông ở phố núi Pleiku