Giá trung bình một bao thuốc ở Việt Nam chưa đến 1 USD, bằng một nửa so với các quốc gia khác, điều này khiến nhiều người dễ tiếp cận với thuốc lá, bao gồm cả giới trẻ.
"Với mức giá thuốc lá bán lẻ thấp như vậy, người có thu nhập thấp và người mới hút, kể cả trẻ em và trẻ vị thành niên đều rất dễ tiếp cận với thuốc lá", ThS.BS. Nguyễn Thị An, Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, nói hôm 16/11, thêm rằng thuế hiện đang áp dụng là thuế theo tỷ lệ đơn thuần, sẽ có xu hướng khuyến khích sản xuất các nhãn hàng thuốc giá rẻ, điều đó sẽ làm cho giới trẻ dễ dàng tiếp cận và dễ bắt đầu hút thuốc.
Bà An cho biết chính sách thuế đối với thuốc lá ở Việt Nam sau nhiều lần điều chỉnh hiện vẫn còn nhiều bất cập, đòi hỏi phải tiếp tục cải tiến. Cụ thể, từ năm 2008 đến nay, trong suốt 16 năm, Việt Nam thực hiện 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá với mức tăng thuế của mỗi lần chỉ là 5-10% và khoảng cách giữa các lần tăng thuế khá dài.
Lần 1 vào năm 2008 với thuế suất tăng từ 55% lên 65%; lần 2 vào năm 2016 (sau 8 năm) với mức tăng từ 65% lên 70%; lần 3 vào năm 2019 (sau 3 năm) với mức tăng từ 70% lên 75%. Phương pháp tính thuế TTĐB đối với thuốc lá không có sự thay đổi, vẫn giữ nguyên tính thuế theo tỷ lệ.
Kết quả điều tra về giá bán lẻ thuốc lá tại Hà Nội và TP HCM do Trường Đại học Y tế công cộng và Tổ chức HealthBridge tại Việt Nam thực hiện năm 2023 cho thấy có tới 40 nhãn hiệu thuốc lá có giá bán lẻ dưới 10.000 đồng/bao 20 điếu, có nhiều nhãn hiệu chỉ có mức giá 7.000 đồng đến 8.000 đồng/bao 20 điếu.
ThS.BS. Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành đã giảm đáng kể từ 47% năm 2010 xuống còn 41% năm 2021, song mức giảm này vẫn còn khiêm tốn, chưa đạt mục tiêu đặt ra trong Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Ngoài ra, gần đây xu hướng tiêu thụ thuốc lá đã bắt đầu tăng trở lại kể từ năm 2022- 2023. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng sản lượng thuốc lá điếu đã tăng đáng kể từ 6,4 tỷ bao (mỗi bao chứa 20 điếu thuốc) vào năm 2021 lên 6,8 tỷ bao vào năm 2022 và tiếp tục tăng thành 7,5 tỷ bao vào năm 2023.
"Tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao hiện nay đe dọa khả năng đạt các mục tiêu quốc gia về kiểm soát thuốc lá và sức khỏe tại Việt Nam, cũng như các cam kết thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững liên quan đến sức khỏe", ông Lâm nói.
Còn ThS Lê Thị Thu, Cố vấn pháp lý cao cấp, Tổ chức CTFK, cho biết, với hơn 15 triệu người hút thuốc lá ở Việt Nam hiện nay, đã gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm đáng kể với xu hướng ngày càng tăng. Theo nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2021, ước tính nước ta có hơn 84.500 ca tử vong do hút thuốc chủ động và 18.800 ca tử vong do các bệnh gây ra bởi phơi nhiễm với khói thuốc thụ động. Số tử vong do thuốc lá chiếm 17,8% tổng số tử vong trên toàn quốc, cao hơn gần 15 lần số tử vong do tai nạn giao thông.
Ngoài khía cạnh sức khỏe, tổn thất gây ra bởi chi phí y tế để điều trị các bệnh do thuốc lá gây ra và mất năng suất lao động do ốm đau và tử vong sớm là rất đáng kể, ước tính lên tới hơn 108 nghìn tỷ đồng vào năm 2022, tương đương với 1,1% GDP. Chi phí này cao hơn 5 lần so với tổng số thu từ thuế thuốc lá. Đây là mối đe dọa đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước, đặc biệt là đối với khát vọng trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Các chuyên gia nhìn nhận cải cách chính sách thuế thuốc lá của Việt Nam có thể làm giảm đáng kể tác hại của thuốc lá đối với sự phát triển và mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội. Việt Nam có thuế thuốc lá rất thấp, với mức thuế chỉ chiếm khoảng 36% giá bán lẻ thuốc lá trong năm 2022, thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực.
WHO khuyến cáo với mức thuế tuyệt đối cần đạt ít nhất là 5.000 đồng mỗi gói vào năm 2026 và tăng hàng năm để đạt tới 15.000 đồng mỗi gói vào năm 2030. Với phương án này, sẽ giảm 3,2 triệu người hút thuốc vào năm 2030.
T.H (theo VnExpress)