Thanh bị cáo buộc từ tháng 3.2020 đến tháng 1.2021 đã nhiều lần giúp Tứ chuyển trả tiền bán xăng nhập lậu vào tài khoản của Phan Thanh Hữu và Phan Lê Hoàng Anh (con Hữu) tổng cộng 92 lần với số tiền 377 tỷ đồng.
Trả lời Hội đồng xét xử, lúc đầu, Thanh kêu oan, nói mình không biết hay liên quan gì đến việc buôn lậu. Những lần bị cáo chuyển tiền cho cha con Hữu là do Tứ mượn tiền của Thanh và nhờ "chuyển dùm".
Bị cáo này cũng giải thích thêm, trong những lần đi gặp Ngô Văn Thụy (cán bộ hải quan) để xin "bỏ qua" việc buôn lậu xăng dầu cũng không biết việc làm của Tứ mà chỉ đi theo. "Bị cáo chỉ chuyển dùm tiền thôi, sao lại phải đi tù", bị cáo Thanh nói.
Đại diện Viện Kiểm sát phân tích, hành vi của Thanh thể hiện vai trò đồng phạm, giúp sức cho Tứ; đồng thời công bố các bút lục lời khai của Thanh tại cơ quan điều tra cho thấy bị cáo biết việc làm của người tình là phi pháp: "Quá trình tôi dùng tài khoản của mình chuyển số tiền lớn cho Hữu và Hoàng Anh nên có hỏi Tứ thì anh ấy bảo nguồn xăng trên là nhập lậu chuyển từ Singapore về Việt Nam. Có nhiều lúc mâu thuẫn tình cảm tôi có dọa báo công an, tố cáo hành vi buôn lậu của Tứ thì Tứ đe sẽ chém chết con trai tôi, nên tôi biết Tứ buôn lậu xăng", bút lục ghi.
Ngoài ra, một bút lục khác được công bố thể hiện Thanh khai mỗi tháng được Tứ cho 2 tỷ đồng, đến lúc bị bắt là 12 tỷ đồng.
Lúc này, Thanh thừa nhận hành vi giúp sức cho Tứ đúng như cáo trạng và "không oan sai". Bị cáo đồng ý sung công quỹ số giền thu lợi bất chính 12 tỷ đồng.
Trước đó, trả lời Hội đồng xét xử, Nguyễn Hữu Tứ thừa nhận hành vi của mình như cáo trạng truy tố. Từ tháng 7.2020 đến tháng 2.2022, Tứ đã mua của Hữu 127 triệu lít xăng, thu lợi 114 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí bỏ ra và chịu trách nhiệm cho nhân viên, số tiền thu lợi bất chính của Tứ phải chịu là 36 tỷ đồng.
Tứ cho biết, khi mua xăng của Hữu được hưởng chiết khấu 4.000 đồng một lít và bán lại cho Lê Thanh Trung (Giám đốc Công ty TNHH xăng dầu Tây Nam 01 SWP) với chiết khấu 2.700 đồng đến 3.500 đồng. Ngoài ra, Tứ còn phải đưa cho Trung từ 150 đến 550 đồng trên mỗi lít xăng tiền thuê mặt bằng kho Nam Phong tại Long An.
Khi được hỏi về Trần Ngọc Thanh, Tứ cho rằng người tình "không liên quan đến việc buôn bán xăng lậu" của mình.
Theo cáo trạng, từ tháng 3.2020 đến tháng 2.2021, nhóm Phan Thanh Hữu và Viễn đã dùng tàu Pacific Ocean (trọng tải 3.000 tấn), Western Sea (5.000 tấn) vận chuyển 48 chuyến xăng lậu với tổng cộng hơn 198 triệu lít, trị giá hơn 2.596 tỷ đồng về Việt Nam. Trong đó, nhóm này đã tiêu thụ hơn 197 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỷ đồng, riêng Hữu hưởng hơn 156 tỷ.
Ngoài việc hợp tác với Hữu, cuối năm 2020, Viễn cùng Nguyễn Minh Đức và Phạm Hùng Cường (đang bỏ trốn) góp 19,3 tỷ đồng mua hai tàu biển Khánh Hòa 01 và Khánh Hòa 03 để chở xăng lậu. Sau khi tàu Pacific Ocean của Viễn chở về vùng biển Khánh Hòa, xăng sẽ được sang qua hai tàu trên, đưa vào cảng Bắc Vân Phong chở đi tiêu thụ tại Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung bộ. Từ tháng 2 đến tháng 4.2021, nhóm Viễn, Đức và Cường đã buôn lậu 3 chuyến, tương đương 5,7 triệu lít, trị giá gần 98 tỷ đồng.
Sau gần hai tuần làm việc, phiên xét xử đại án đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng vẫn ở phần xét hỏi nhóm bị cáo tiêu thụ xăng lậu trong đường dây. Dự kiến, sớm nhất là một tháng nữa tòa mới tuyên án.
Theo VnExpress