Người tiêu dùng chưa được bảo vệ

01/11/2014 04:28

Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã được thực hiện hơn 3 năm nay nhưng khi quyền lợi bị xâm hại, người tiêu dùng ít lên tiếng, hoặc không khiếu nại nên quyền lợi chưa được bảo vệ.



Hoạt động khuyến mãi, giảm giá hiện chưa được quản lý tốt. Ảnh chỉ có tính chất minh họa


Đủ kiểu móc túi khách hàng

Thời gian gần đây, rất nhiều cửa hàng, đại lý kinh doanh trong tỉnh treo biển xả hàng, khuyến mãi, giảm giá. Mặt hàng khuyến mãi rất đa dạng, từ quần áo, giày dép, túi xách, kính thời trang, kính thuốc, hàng điện tử, điện lạnh; chăn, ga, gối, đệm... với mức giảm phổ biến được niêm yết từ 10-50%, thậm chí có cửa hàng giảm 80%. Chị Trần Thị Thu Hương ở khu 6, phường Việt Hòa (TP Hải Dương) cho biết: "Hai tháng trước, thấy một cửa hàng quần áo trên phố Tuy Hòa treo biển thanh lý, giảm giá nên tôi đã mua hai chiếc áo phông và một chiếc quần bò, tổng cộng hết hơn 300 nghìn đồng. Ngày hôm sau, tôi vào chợ Thanh Bình thấy những chiếc quần áo đó giống cả từ màu sắc, nhãn mác nhưng giá bán lại rẻ hơn tới 20%. Như vậy cửa hàng kia đã nâng giá lên rồi treo biển khuyến mãi để bẫy khách hàng".

Trên thực tế, nhiều trường hợp người tiêu dùng bị thiệt hại nhưng không biết phải hỏi ai, khiếu nại ở đâu hoặc bỏ qua vụ việc vì cho rằng mức thiệt hại không lớn. Điều đó đã vô tình tiếp tay cho người kinh doanh tiếp tục “móc túi" người tiêu dùng.

Anh Nguyễn Duy Hoàng ở khu 8 phường Thanh Bình (TP Hải Dương) cho biết, cuối tháng 6-2014, anh mua một chiếc quạt tích điện của Trung Quốc với giá trên 700 nghìn đồng, thời hạn bảo hành 6 tháng tại một đại lý khá lớn trên đường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương). Theo như nhân viên bán hàng giới thiệu, chiếc quạt này khi được sạc đầy có thể chạy hơn 3 giờ, nhưng khi mang về dùng thực tế chỉ chạy được khoảng 15 phút là quạt tự ngắt. "Tôi đã mang ra cửa hàng bảo hành nhưng họ nói, nếu bị thế này thì chắc là lỗi do nhà tôi dùng không đúng quy trình, nên họ không bảo hành", anh Hoàng bức xúc.

Cuối tháng 9, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Nam Sách kiểm tra 210 chiếc cân của 200 hộ kinh doanh tại chợ thị trấn Nam Sách. Qua kiểm tra, phát hiện 28 chiếc cân có sai số đo lường vượt quá mức cho phép. Chị Nguyễn Thị Hằng ở khu La Văn Cầu (thị trấn Nam Sách) cho biết: "Chỉ cần tiểu thương ở chợ cân thiếu trọng lượng một chút thì một tháng, một năm, họ cũng đã móc túi khách hàng một lượng tiền không nhỏ rồi"...

Theo báo cáo của Sở Công thương, chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm nay, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra 973 vụ hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm nhãn hiệu, niêm yết giá... Việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng (NTD) diễn ra hằng ngày, ở rất nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến dịch vụ, đo lường, thậm chí cả lĩnh vực y tế, để lại nhiều hậu quả cho NTD. Nhiều hàng hóa khi đến tay NTD là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đủ trọng lượng, thể tích... khiến họ bị mất tiền oan, quyền lợi, sức khỏe bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, anh Vũ Minh Hải, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD tỉnh cho biết, trong 3 năm qua, hội chỉ tiếp nhận hơn 20 vụ việc liên quan đến xâm hại quyền lợi NTD. Trên thực tế, nhiều trường hợp NTD bị thiệt hại nhưng không biết phải hỏi ai, khiếu nại ở đâu hoặc bỏ qua vụ việc vì cho rằng mức thiệt hại không lớn. Điều đó đã vô tình tiếp tay cho người kinh doanh tiếp tục “móc túi" NTD.

Người tiêu dùng cần lên tiếng


Theo anh Vũ Minh Hải, Luật Bảo vệ NTD đã được ban hành từ lâu, nhưng vẫn còn rất nhiều NTD chưa thực sự hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình. Nhiều người đi mua hàng không lấy hóa đơn, không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, quy trình đổi trả sản phẩm nên khi hàng hóa có vấn đề đành chịu thua thiệt. Một số cửa hàng còn ứng xử với khách hàng chưa được bình đẳng trong quan hệ mua bán. Nhiều cửa hàng, đại lý chưa thực hiện tốt việc chăm sóc khách hàng sau bán hàng. Pháp luật hiện cũng quy định khá "thoáng" về hoạt động khuyến mãi, giảm giá. Các hãng, cửa hàng, đại lý chỉ cần gửi thông báo về việc khuyến mãi đến các cơ quan chức năng là có thể tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá. Trong khi đó việc niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết (nhất là các hộ kinh doanh cá thể) chưa được thực hiện nghiêm nên các cơ quan chức năng rất khó quản lý, NTD cũng "không biết đâu mà lần". Có những người khi mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái tuy nắm được luật nhưng "ngại" gõ cửa các cơ quan công quyền bởi theo họ, việc giải quyết khá khó khăn, mất thời gian, phần thua thiệt về phía khách hàng là chính. NTD và một số cơ quan chức năng còn có sự nhầm lẫn về chức năng, hoạt động của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD với hoạt động quản lý nhà nước, trong khi hội chỉ là một tổ chức xã hội. Theo quy định hội có chức năng tư vấn, giải quyết khiếu nại cho NTD, đồng thời có thẩm quyền đưa một vụ việc ra tòa.

Luật Bảo vệ NTD là cơ sở pháp lý để đấu tranh chống lại các hành vi tiêu cực nhưng từ luật đến cuộc sống vẫn còn khoảng cách xa. Để giúp NTD tự bảo vệ mình, các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ NTD, đồng thời tuyên truyền đến các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh không chạy theo lợi nhuận mà bỏ quên NTD. Quan trọng nhất là NTD phải biết tự bảo vệ mình, nên tỉnh táo trước những thông tin khuyến mãi, quảng cáo, lựa chọn những mặt hàng có thương hiệu; mua hàng phải có hóa đơn, chứng từ. Khi nhận thấy quyền lợi của mình bị xâm hại, NTD cần phản ánh với Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi NTD.

HẠNH DUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người tiêu dùng chưa được bảo vệ