Người thương binh thầu ruộng hoang làm giàu

08/11/2017 10:30

Ngôi nhà của thương binh hạng 4/4 Nguyễn Xuân Nghĩa (sinh năm 1959, ở xã An Châu, TP Hải Dương) nằm biệt lập với xóm làng, lọt thỏm giữa vườn cây xanh mát.


Ông Nghĩa đang ước mơ biến khu đất khoảng 1 ha cạnh đường 390 thành nơi sản xuất tạo nhiều việc làm cho người dân

Chủ nhân của cơ ngơi ấy từng là người lính dũng cảm trên chiến trường. Khi trở về, phát huy tinh thần "Thương binh tàn nhưng không phế", ông đã làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Không ngừng học hỏi

Năm 1979, trong khi làm nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia chống chế độ diệt chủng Pôn Pốt, ông Nghĩa bị thương, vết đạn xẹt qua trán, chỉ cần chệch một chút nữa là ông đã bỏ mạng nơi chiến trường. Môi trường quân đội đã giúp ông rèn luyện ý chí cho những ngày lập nghiệp sau này.

Năm 1996, gia đình ông bắt đầu đổi ruộng lấy hơn 1 ha ở khu đất bỏ hoang thuộc thôn Chùa Thượng. Nhìn khu đất ấy, ai cũng e ngại "lành ít dữ nhiều". Ông Nghĩa kể: "Ngày ấy, cả khu này là vùng triều trũng mênh mông, cỏ lau rợp đầu người. Biết tin tôi đổi "ruộng mật" của gia đình chuyển về đây khai khẩn, người thân, bạn bè ai cũng lắc đầu bảo sướng không muốn, lại muốn khổ".

Và thực tế đúng như vậy. Vài năm sau ngày quyết định làm khu chuyển đổi cả gia đình ông vẫn chưa hết vất vả, khó khăn. Có những đêm dưới ánh trăng, 2vợ chồng cần mẫn gánh đất màu lập vườn. Lại có khi hết vốn, ông phải đi vay trả lãi theo ngày để đầu tư sản xuất. Nhiều đêm mất ngủ vì mưa gió, căn chòi dựng tạm không có chỗ nào khô.

Năm đầu tiên thả cá, ao mới, lượng chua phèn nhiều nên cá không lớn, cứ chết dần chết mòn. Vậy là ông trắng tay, bao nhiêu vốn liếng đổ vào vẫn chưa có nguồn thu. Ông lao đi học hỏi, tìm hiểu kinh nghiệm. Tích lũy được kha khá kiến thức, ông lại tiếp tục bắt tay vào cải tạo. Ông tháo cạn nước ao, tiến hành khử chua, rồi khoanh vùng. Phần cao ông bồi thêm đất màu cấy lúa, chỗ trũng mới thả cá. Ông chỉ cấy lúa nếp bởi lúa nếp sống khỏe, kể cả ở chân ruộng ngập. Sau khi gặt xong, ông chăm bón cho lúa chét mọc lên lấy thức ăn cho cá. Với cách làm này, bước đầu ông đã thu được kết quả tốt.

Những vụ sau, ông Nghĩa còn học hỏi áp dụng phương pháp phơi thóc nếp tránh ánh nắng trực tiếp vào buổi trưa, chủ yếu phơi vào sáng sớm và chiều tối. Cách làm này giúp hạt gạo sáng đều và không bị gãy, bán được giá cao hơn nhiều so với gạo nếp phơi thông trưa. Nhờ đó, ông Nghĩa bắt đầu có thu nhập, dần tích lũy để tái đầu tư sản xuất.

Những năm sau này, ông xây thêm chuồng trại chăn nuôi, chủ yếu nuôi lợn thịt theo hướng công nghiệp. Hằng năm, gia đình ông xuất bán hàng chục tấn lợn thịt ra thị trường. Khi cây rau có giá, ông chuyển khu ruộng cấy lúa thành vườn rau. Hiện gia đình ông đang trồng khoảng 4 sào rau các loại. Nắm bắt nhu cầu của thị trường, thấy người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng những loại quả chất lượng cao, ông chuyển sang đầu tư trồng bưởi Diễn, bưởi da xanh, hồng xiêm xoài, xoài Đài Loan, mít tố nữ...

Ước mơ đẹp

Khu trang trại của gia đình ông Nghĩa đang chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch. Những trái bưởi Diễn sai lúc lỉu. Hồng xiêm cũng đang ra quả chi chít đầy cành. Ông Nghĩa khoe đã học được phương pháp cho cây ra quả đạt năng suất cao nhất. Hai năm nay, những loại cây ăn quả của gia đình ông đều đã cho thu hoạch. Nhờ chất lượng tốt nên đầu ra ổn định và giá bán cũng rất phù hợp. Tính trung bình những năm gần đây, gia đình ông thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm từ mô hình chuyển đổi trang trại kết hợp chăn nuôi và trồng trọt.

Ông Nghĩa bảo ông còn có một ước mơ. Ước mơ của người thương binh nên cũng rất giản dị, chân thành. Đó là tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương. Bởi người dân quê chỉ trông chờ vào đồng ruộng, cuộc sống cũng còn nhiều khó khăn. Hiện giờ, trang trại của nhà ông mới chỉ tạo được việc làm cho khoảng 10 người có thu nhập ổn định. Cuối năm 2016, ông đã bỏ gần 1 tỷ đồng mua khoảng 1ha đất bỏ hoang của người dân ở khu vực gần nghĩa trang của thôn. Hiện khu đất này ông đã cho cải tạo, cấy được một vụ lúa. Ông hy vọng sẽ tiếp tục biến diện tích đất này thành khu sản xuất hiệu quả, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu đất vẫn còn gốc rạ, ông Nghĩa bảo: "Tôi đang tìm hiểu và nghiên cứu để có phương án sử dụng khu đất này hiệu quả nhất. Nếu thị trường thuận lợi, thời gian tới tôi sẽ đầu tư, cải tạo thành nơi sản xuất rau chất lượng cao hoặc liên kết mở xưởng sản xuất công nghiệp".

Lúc bắt tay chào ông Nghĩa ra về chúng tôi mới để ý ngoài vết sẹo trên trán, bàn tay của ông cũng bị thương tật do chiến tranh. Điều ấy khiến chúng tôi càng cảm phục hơn những nỗ lực của ông khi vần từng tấc đất xây dựng cơ đồ.


THANH NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người thương binh thầu ruộng hoang làm giàu