"Tôi từng tự nhủ nếu còn sống trở về quê sẽ làm giáo viên. Tôi muốn được gần gũi, gắn bó và kể cho các thế hệ học sinh về truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng của dân tộc Việt Nam...".
Thầy Dũng dành nhiều thời gian để kể chuyện, giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho cán bộ, giáo viên và học sinh các trường trong huyện
Trước khi có 32 năm miệt mài vì sự nghiệp "trồng người", thầy giáo Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tứ Kỳ từng là bộ đội đặc công, lập nhiều chiến công. Giờ đây, dù đã ở tuổi xế chiều, thầy vẫn đang từng ngày thầm lặng gieo mật ngọt cho đời.
Mang 2 mảnh đạn trong người
Ngôi nhà nhỏ thầy Dũng và vợ đang ở nằm sâu trong một con ngõ thuộc thôn La Giang, xã Văn Tố (Tứ Kỳ). Nhà nhỏ nhưng khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng, có vườn hoa, cây cảnh xanh mát. Đồ vật trong nhà được sắp xếp gọn gàng. Trên bốn bức tường trong phòng khách treo phủ kín huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen. Thầy Dũng nói rằng treo lên như vậy không phải để khoe mà muốn tự nhắc nhở bản thân phải luôn sống sao cho thật xứng đáng với những danh hiệu đã được Đảng, Nhà nước trao tặng. Mong con cháu nhìn vào đây để noi gương cha ông, sống có ích với quê hương, đất nước.
Đặt tay lên ngực trái, thầy Dũng nói: “Tôi chưa bao giờ quên những năm tháng chiến đấu ác liệt nơi chiến trường. Ngay ở dưới thành cơ tim tôi giờ vẫn còn một mảnh đạn, 1 mảnh đạn khác nằm trong phổi”.
Tháng 4.1970, chàng trai Nguyễn Hữu Dũng vừa tròn 18 tuổi, đang học lớp 10 Trường THPT Tứ Kỳ. Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông gác lại sách vở, hăng hái lên đường tòng quân. Ông được biên chế vào Tiểu đoàn bộ binh 537, Trung đoàn 5, Quân khu 3. Tại đây, ông và những tân binh đang học lớp 10 được đơn vị chọn để huấn luyện theo chương trình đặc biệt, rất gian nan, vất vả. Mãi tới khi vào chiến trường miền Nam, ông Dũng mới biết đó là khóa huấn luyện bộ đội đặc công.
Cuối năm 1970, vào tới chiến trường miền Nam, ông được bổ sung vào Tiểu đoàn 89 đặc công của Quân khu 5, làm nhiệm vụ chiến đấu tại mặt trận các huyện Đại Lộc, Quế Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn (Quảng Nam). Đây là nơi Mỹ dội bom và chất độc dioxin liên tục cả ngày lẫn đêm nhằm ngăn cản bước chân của quân giải phóng xuống đồng bằng Trung Bộ và khu cửa biển Hội An. Mặt trận này có một sư đoàn càn của địch với quân số đông, lại được trang bị vũ khí hiện đại. Để đối phó với chúng, ta đề ra chiến thuật “lấy ít địch nhiều”. Bộ đội đặc công được giao nhiệm vụ đánh điểm với phương châm tác chiến: bí mật, bất ngờ, luồn sâu, lót sẵn, đánh từ trong đánh ra, đánh nở hoa giữa lòng địch, chia rẽ đội hình làm chúng hoang mang, không chi viện được cho nhau, tạo điều kiện để bộ đội ở phía ngoài dễ dàng tấn công.
Từ năm 1971-1973, đơn vị bộ đội đặc công của ông Dũng đã tổ chức hàng chục cuộc tấn công các căn cứ địch làm chúng tiêu hao sinh lực, hoang mang, lo lắng. Trong số này, trận đánh chiếm chi khu quân sự Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc diễn ra ác liệt nhất. Ái Nghĩa có 2 con sông Thu Bồn, Vu Gia và quốc lộ 14B chạy qua. Bọn Mỹ tận dụng địa hình này để dồn dân lập ấp chiến lược, xây dựng một căn cứ khu quân sự kiên cố, được bao bọc bởi 3 lớp hàng rào dây thép gai gắn đủ loại mìn và lính tuần tra hoạt động nghiêm ngặt. Chi khu quân sự Ái Nghĩa có một sư đoàn tăng thiết giáp, kho hậu cần, khu sĩ quan ngụy, khu cố vấn… chưa từng bị quân ta tấn công. Đơn vị bộ đội đặc công của ông Dũng gồm 27 người được giao nhiệm vụ tấn công cứ điểm này. “Chúng tôi có 2 ngày chuẩn bị hợp đồng tiến công, xác định những tình huống xấu nhất. Trước lúc xung trận, mỗi người được ưu tiên ăn 2 bát cơm với rau chuối rừng chấm muối. Tôi cùng đồng đội tự nhủ có thể đây sẽ là ngày giỗ của mình nhưng không sợ hãi và luôn giữ tinh thần quyết tử để quyết thắng”, ông Dũng nhớ lại.
Tối 1.5.1971, đơn vị của ông Dũng chia làm 3 mũi tấn công căn cứ quân sự Ái Nghĩa. Mũi 1 có 2 tổ, tổ 2 do ông chỉ huy gồm 3 tay súng có nhiệm vụ tiêu diệt lô cốt đầu cầu, dùng bộc phá đánh sập cầu để ngăn quân chi viện của địch và diệt ổ trung liên di động khu vực đầu cầu. Trời đêm tháng 5 không nóng nhưng ai cũng hồi hộp, mồ hôi ướt đẫm áo. 23 giờ 45, ông Dũng và đồng đội đã áp sát chân hàng rào thép gai thứ nhất. Trên trời pháo sáng vẫn nổ, những loạt đạn pháo quân địch bắn ra vu vơ từng đợt ghê người. Tới hàng rào thứ hai, một quả mìn bỗng phát nổ cách chỗ ông ẩn nấp chừng 20 m. Thì ra là một con chồn chạy ngang qua vấp phải mìn. Pháo sáng của địch liên tục bắn lên trời nhưng may mắn không ai bị địch phát hiện. Đến hàng rào thứ ba, ông Dũng và đồng đội khéo léo qua mắt bọn lính tuần tra nhưng khoảng cách giữa đồng đội với nhau cứ xa dần. Ông một mình ôm 2 quả thủ pháo bò vào tới lô cốt nơi đầu cầu. Tiếp cận được mục tiêu nhưng ông chưa thể ra tay vì còn đợi ám hiệu, đành phải ép mình vào trong góc tối. Một tên địch tiến lại gần phía ông. Ông lo bị lộ nhưng rất may hắn chỉ đi tiểu, không biết gì. Nước tiểu tên địch bắn khắp mặt và người ông. Đã thế lúc này ông còn nằm đúng tổ kiến lửa. Cả người đau buốt vì kiến đốt nhưng vẫn cố gắng nằm bất động. Trên bầu trời xuất hiện 3 quả đạn pháo màu xanh. Biết đó là ám hiệu tấn công, ông Dũng nhanh như một con sóc, bật dậy giật nắp, bật nụ xòe quả thủ pháo tống vào lỗ châu mai. Cả 4 phía cứ điểm ầm ầm tiếng nổ kèm theo tiếng đạn bay chát chúa. Quân tiếp viện của ta tấn công địch từ nhiều vị trí. Chúng la hét, hoảng sợ, chạy toán loạn. Ông Dũng nhét thêm một quả thủ pháo vào lô cốt cho chắc ăn rồi cầm súng tấn công địch. Địch đánh trả quyết liệt nhưng cuối cùng cũng bị bộ đội ta tiêu diệt. “Chúng tôi lập công xuất sắc, được đơn vị vinh danh. Riêng tôi được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba và được kết nạp Đảng ngay sau đó. Nhưng thật đau buồn khi gần 10 đồng đội của tôi đã phải ngã xuống”, ông Dũng nghẹn ngào.
Tháng 7.1973, ông Dũng bị thương nặng trong một trận tập kích chiến lược vào khu Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn. 1 năm sau, ông được chuyển ra miền Bắc an dưỡng với 45% cơ thể bị thương tật, mất sức 81%.
Thầy Dũng làm nhiều việc để lấy tiền tặng học bổng cho học sinh nghèo
Mật ngọt cho đời
"Bị thương tật, mất sức như vậy mà thầy vẫn đi thi để làm giáo viên?", tôi hỏi. “Đó là ý nguyện của tôi từ khi còn trong chiến trường. Tôi từng tự nhủ nếu còn sống trở về quê sẽ làm giáo viên. Tôi muốn được gần gũi, gắn bó và kể cho các thế hệ học sinh về truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng của dân tộc Việt Nam. Thấm nhuần truyền thống, chủ nghĩa này sẽ giúp các cháu trở thành những công dân tốt cho đất nước”, thầy Dũng chia sẻ.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội khóa 1976-1980, thầy Dũng về công tác tại Trường THPT Tứ Kỳ. Từ một giáo viên, thầy lần lượt được tín nhiệm giữ các chức vụ như Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn nhà trường... Phẩm chất bộ đội Cụ Hồ tiếp tục được thầy phát huy trong suốt 32 năm công tác tại đây. Thầy được đồng nghiệp, học trò quý mến không chỉ bởi đức tính giản dị, khiêm nhường mà luôn cống hiến hết mình vì công việc, góp phần đưa Trường THPT Tứ Kỳ trở thành một trong những lá cờ đầu của ngành giáo dục Hải Dương. Thầy còn là tấm gương sáng về đạo đức, tinh thần thương thân, tương ái. Từ khi còn là một giáo viên, dù đồng lương ít ỏi nhưng thầy Dũng vẫn tiết kiệm để hỗ trợ con đồng đội, học sinh nghèo đóng học phí.
Tuổi đã cao nhưng thầy Dũng hiện vẫn tích cực trồng cây ăn quả, kinh doanh cây cảnh kết hợp nuôi 10 đàn ong lấy mật. Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, vợ thầy Dũng kể từ ngày còn chưa nghỉ hưu, thầy Dũng đã làm những công việc này để lấy tiền tặng học bổng giúp học sinh nghèo đến trường. Số tiền thầy tích cóp làm từ thiện trong 20 năm qua khoảng 450 triệu đồng. “Ông ấy luôn khao khát giúp đỡ được nhiều người khó khăn, đặc biệt là học sinh nghèo. Con trai lớn của chúng tôi đang sống ở Hải Phòng cũng học bố, tích cực vận động gây quỹ khuyến học giúp đỡ học sinh vượt khó”, bà Tuyết chia sẻ.
Nghỉ hưu đã tròn 10 năm nhưng thầy Dũng chưa bao giờ nghỉ ngơi. Ngoài việc đang làm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Tứ Kỳ, thầy còn tham gia nhiều hoạt động của các đoàn thể ở địa phương với tinh thần, trách nhiệm và nhiệt huyết cao nhất. Thầy xứng đáng là một bông hoa đẹp trong "vườn hoa người tốt".
Thầy giáo Nguyễn Hữu Dũng sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ, thầy được tặng 1 Huân chương Chiến công hạng ba, 1 Huy chương Kháng chiến hạng hai, 1 Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng ba, 2 lần được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. 32 năm công tác trong ngành giáo dục, thầy Dũng có |
TIẾN MẠNH