Sinh ra trong tiếng súng khai hỏa cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc, cuộc đời bà Đào Thị Minh Vân đầy thăng trầm, gian truân trong hành trình đi tìm danh tính người cha.
Bức ảnh quý giá của bà Minh Vân khi được Bác Hồ ôm vào lòng. Ảnh: NVCC
Năm 1957, trong khuôn khổ chuyến thăm nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Tiệp Khắc (cũ), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Trường Thiếu nhi quốc tế, nơi có các học sinh Việt Nam đang học tập. Một cô bé 11 tuổi, mồ côi cha mẹ, vinh dự được Bác Hồ ôm vào lòng và chụp ảnh chung.
Song, cô bé ấy chưa một lần được nhìn thấy bức ảnh này. Hơn 30 năm sau, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đích thân trao tấm ảnh cho cô bé, bởi lúc này nó đã trở thành di vật thiêng liêng của một liệt sỹ, một chiến sỹ tình báo anh hùng của dân tộc. Chính vì lẽ đó mà con gái ông đã dành cả một đời để “giải mã” những bí ẩn về người cha, từ đó cũng làm rõ thêm những trang sử về hoạt động tình báo trong chiến tranh.
Người con gái có 5 bà mẹ
Bà Đào Thị Minh Vân sinh ra vào thời điểm đặc biệt. Đó là thời khắc lịch sử của dân tộc: đêm 19.12.1946. Tiếng khóc của bà hòa vào tiếng súng nổ vang rền cả nước, mở đầu cho cuộc kháng chiến chống Pháp của toàn dân tộc. Đó là thời khắc mà ai ai cũng sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc mà tạm quên đi cuộc sống riêng tư.
Có lẽ chính vì vậy mà bà Minh Vân có một số phận đặc biệt. Là con gái của hai chiến sỹ tình báo anh hùng Đào Phúc Lộc (Hoàng Minh Đạo) và Hoàng Minh Phụng, nhưng bà đã trải qua thời niên thiếu với thân phận một đứa trẻ mồ côi.
Trầm ngâm ngắm nhìn bức ảnh duy nhất chụp chung với cha mẹ, bà Minh Vân bắt đầu câu chuyện cuộc đời mình: “Cha và mẹ tôi đều là người vùng biển, còn tôi được sinh ra tại Hà Nội. Mẹ tôi vốn là tiểu thư con nhà khá giả, nhưng lại đặt niềm tin và yêu một người ‘hội kín’. Vì yêu mà chính mẹ tôi cũng đã trở thành người của ‘hội kín’.”
Ngay sau khi ra đời, Minh Vân đã được mẹ và đồng đội của bà cho vào quang gánh, thay nhau gánh theo dòng người tản cư lên chiến khu Việt Bắc.
Bà Minh Vân khi còn nhỏ chụp ảnh cùng me Kíu
Cả cuộc đời bà Minh Vân chỉ được sống trong tình yêu thương của cha mẹ vỏn vẹn hơn một năm. Mẹ của bà hy sinh trong kháng chiến chống Pháp khi bà mới hơn 14 tháng tuổi. Hay tin, ông Hoàng Minh Đạo đã đi bộ từ Cao Bằng về chiến khu ở Thái Nguyên. Ông chết lặng người, khóc không thành tiếng vì thương vợ, thương con gái nhỏ.
Nhưng rồi vì yêu cầu nhiệm vụ, chỉ được 3 ngày, ông đã phải gửi Minh Vân cho bà Nguyễn Thị Kíu, chủ hiệu bánh kẹo Tùng Hiên nổi tiếng tại Hàng Đường. Khi ấy, ông trực tiếp nhận lệnh từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào ngay Nam Trung Bộ và Nam Bộ để thống nhất toàn bộ ngành tình báo cả nước, giữ vai trò Trưởng Ban Quân báo Bộ Tư lệnh Nam Bộ.
Với bà Minh Vân, đó cũng là những ngày cuối cùng được nhận hơi ấm của tình phụ tử ruột thịt. Từ ấy, Minh Vân không bao giờ được thấy mặt cha nữa. Me Kíu trở thành người mẹ thứ hai của bà.
Khi bà lên sáu hay bảy tuổi thì được chuyển sang ở nhà bác Cung (Hoàng Thị Cung), chị ruột của mẹ đẻ. Nhờ đó mà bà có cơ hội hiểu hơn về nhà ngoại.
Năm 1954, sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, bộ đội miền Nam ra Bắc tập kết. Bà Minh Vân có thêm một người mẹ là bà Bùi Ngọc Hường, người vợ thứ hai của ông Hoàng Minh Đạo.
Khi Minh Vân đang học ở Tiệp Khắc thì ở nhà, me Kíu bị quy là "thành phần bóc lột, là giai cấp tư sản cần đánh đổ." Me Kíu phải đi bán bánh mỳ và nước chè để sống qua ngày.
Me Kíu gửi thư cho Minh Vân nói gia đình có sự cố, má Hường đi công tác xa (thực chất là bị địch bắt), sau này sẽ có má Hai Hạnh (chị ruột của má Hường và cũng là đồng đội của ông Hoàng Minh Đạo) chăm sóc cho Minh Vân.
Hai lần được gặp Bác Hồ
Tháng 4.1956, me Kíu và má Hường đưa cô bé Minh Vân đi tập trung ở Trường Chu Văn An để chuẩn bị đi học Trường Thiếu nhi quốc tế ở Tiệp Khắc. Trong thời gian tập trung tại Trường Chu Văn An chờ tàu liên vận đi Tiệp Khắc, Minh Vân được gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Bác chia kẹo cho Minh Vân và các bạn, bắt nhịp bài hát “Kết đoàn” rồi Bác dặn: “Các cháu đi học xa, cố gắng học cho giỏi sau này về kiến thiết đất nước. Đối với các bạn quốc tế, các cháu nhớ phải chan hòa, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, như các bạn cùng một nhà.”
Lần thứ hai Minh Vân gặp Bác Hồ là vào năm 1957, khi Bác đến thăm Trường Thiếu nhi quốc tế. Trước lúc đoàn ra về, Bác Hồ chụp ảnh chung với các cháu thiếu nhi. Minh Vân bé nhất được ngồi trong lòng Bác Hồ. Bức ảnh đó trở thành một kỷ niệm không quên trong đời bà. Hơn 30 năm sau, bà được nhận lại từ tay một đồng đội khác của cha mình, đó là bác Mười Cúc (cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh).
Lúc này, bà đang chuẩn bị làm giám đốc cho một doanh nghiệp nước ngoài. Sau những cống hiến cho Nhà nước ở các vị trí trong ngành ngoại giao, giáo dục, sản xuất, bà Minh Vân mạnh dạn bước sang một lĩnh vực mới là kinh doanh.
Đúng lúc đó thì bà được gặp lại bác Mười Cúc, một đồng đội của cha mình. Ông thường xuyên động viên: “Đi làm cho doanh nghiệp nước ngoài cũng là một nghề mới cho đất nước, giải quyết lao động tại chỗ có kỹ năng cao. Đảng và Nhà nước sẽ nghiên cứu chính sách cho phù hợp với quy luật thế giới.”
Một ngày, ông Mười Cúc trao cho bà một kỷ vật đặc biệt, đó là bức ảnh chụp với Bác Hồ năm xưa. Đây là lần đầu tiên bà Minh Vân nhìn thấy bức ảnh này.
“Ông nói với tôi rằng ông đã giữ bức ảnh này từ năm 1965. Rất nhiều người đã được xem và bức ảnh này đã góp phần động viên nhiều chiến sĩ cán bộ cách mạng. Vì con của Năm Thu (Hoàng Minh Đạo) được ngồi trong lòng Ông Cụ thì tức là con của mình đã được Đảng và Nhà nước chăm sóc,” bà Minh Vân kể.
Rồi ông Mười Cúc dặn dò Minh Vân rằng bức ảnh này là kỷ vật thiêng liêng, hãy giữ cẩn thận để sống và làm việc cho xứng đáng. Dù khó khăn, gian khổ đến đâu cũng không được nản chí.
“Tôi hiểu điều bác Mười căn dặn, làm gì thì làm, không bao giờ được phản lại con đường mà cha tôi đã chọn, phải biết tự lực cánh sinh. Bác còn nói: ‘Vì cha cháu làm thày nên cháu mới có được bức ảnh quý giá này. Nhớ là không bao giờ được đốt sách’,” bà nhớ lại..
Hành trình gần 30 năm tìm cha
Tuổi thơ bà Minh Vân là những chuỗi ngày dài mong mỏi được gặp cha. Thông tin bà có được chỉ là thư của cha được các cán bộ miền Nam chuyển tới. Bà từng có những câu thơ mong chờ đến cháy lòng: Thuở nhỏ mãi mong chờ/ Mẹ cha không trở lại/ Bao tháng ngày bơ vơ/ Đợi cả đời tuổi thơ...”
“Lúc tôi là một đứa trẻ, cần cha mẹ nhất, thì cả hai người đều bị cuốn vào trong cơn lốc của chiến tranh. Nhiều đêm nằm nghĩ lại, nhất là đứng trước những sự kiện lớn trong đời, tôi đã lặng lẽ khóc. Tôi phải tự an ủi rằng có lẽ mình được sinh ra đúng lúc cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu, nên số mạng của mình như vậy,” bà tâm sự.
Cũng bởi ông Hoàng Minh Đạo hoạt động tình báo nên mọi hành tung của ông vô cùng bí ẩn. Ngoài cái tên thật là Đào Phúc Lộc, bà Minh Vân hầu như không biết gì về thân phận và nhiệm vụ của cha mình. Năm 1973, bà được mời lên số 8 Chu Văn An để nghe thông báo cha mình đã hy sinh, song các cán bộ ở đó vẫn dặn “ra khỏi cổng thì không được khóc.” Ðến lúc ấy, bà mới biết cha mình thực sự là ai.
Từ đó, bà coi việc đi tìm tung tích cha mình là sứ mệnh lớn nhất trong đời. Cứ thế, cuộc kiếm tìm của bà ở trong nước và nước ngoài diễn ra gần 30 năm, bà lần lượt gặp hơn 400 đồng đội, bạn bè cũ của cha với hy vọng lắp những mảnh ghép để hiểu về cuộc đời thực của ông, vốn quá nhiều bí ẩn do đặc thù ngành tình báo.
Ngày 4.4.1998, bà mới tìm được nơi người cha của mình yên nghỉ. Tháng 8.1998, Bộ Quốc phòng tổ chức lễ truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ông.
Năm 2001, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 90 tuổi, bà có đến chúc thọ và được Đại tướng dặn dò: “Cháu nhớ nhé, cha cháu là do Tổng Bí thư Trường Chinh giới thiệu sang tổ chức của quân đội trong những ngày đầu thành lập Bộ Tổng tham mưu... Cha cháu là anh hùng thật sự. Bia đá sẽ mòn còn đạo đức và danh dự của cha cháu sẽ lan truyền ngàn đời. Cháu nhớ nhé, đó là bia miệng và hãy hãnh diện về điều đó!”.
Từ hàng nghìn trang tài liệu gồm thư từ, báo chí, hồi ký cách mạng thu thập được, bà quyết định kể chuyện về cuộc đời mình nhằm tri ân những người đồng chí của ông Hoàng Minh Đạo. Từ lời kể của bà, Đại tá-nhà văn Đặng Vương Hưng đã chắp bút, viết thành cuốn sách “Không thể mồ côi” dày hơn 400 trang in năm 2014.
“Tôi nghĩ tất cả những người có hoàn cảnh là con liệt sỹ như tôi đều rơi vào mặc cảm là mồ côi. Nhưng trong cuộc đời mình, đã có biết bao nhiêu cánh tay dang ra che chắn, nuôi dưỡng tôi mà không hề tính toán. Như 5 bà mẹ đặc biệt mà tôi có…,” bà chia sẻ.
“Có thể coi những trang sách của chị Minh Vân chính là những trang đời, được viết bằng rất nhiều nước mắt và cả máu của bao người. Tất cả đều nhằm một mục đích nhân văn: Không ai được phép quên quá khứ, và hiện tại phải được đánh giá công bằng, để cho tương lai tốt đẹp hơn. Những trang sách này cũng góp phần bổ sung nhiều tư liệu lịch sử quý cho ngành tình báo nói riêng, lịch sử quân đội ta nói chung,” Đại tá Đặng Vương Hưng chia sẻ.
Nhà thơ Đặng Vương Hưng dự kiến năm 2022 sẽ tái bản cuốn hồi ức này trong tuyển tập ngàn trang “Chuyện đời tôi” gồm nhiều tự truyện của các nhân vật mà ông từng chắp bút.
Theo Vietnam+