Sinh thời, kể từ sau năm 1954 đến năm 1985 (năm ông qua đời), nhà thơ Xuân Diệu đã có trên dưới 1.000 cuộc nói chuyện thơ, bình thơ khắp trong Nam ngoài Bắc.
Sinh thời, kể từ sau năm 1954 đến năm 1985 (năm ông qua đời), nhà thơ Xuân Diệu đã có trên dưới 1.000 cuộc nói chuyện thơ, bình thơ khắp trong Nam ngoài Bắc. Tuy vậy, Xuân Diệu vẫn “thua” Vũ Quần Phương là nhà thơ bậc đàn em và là trò của mình, với con số kỷ lục hơn 2.000 cuộc. Có người nói sở dĩ Xuân Diệu “thua” vì mất sớm cách đây 30 năm.
Ngoài làm thơ, viết phê bình và tiểu luận, nhà thơ Vũ Quần Phương còn coi nói chuyện thơ là một nghề. Vũ Quần Phương nói chuyện thơ rất có duyên, rất hấp dẫn nên được nhiều nơi mời. Những chuyến đi như thế vừa để tiếp xúc quần chúng - là phép thử quần chúng yêu thơ đến mức nào. Ông cho biết năm 1970, lên Sa Pa nói chuyện thơ cho một trường cán bộ y tế, nghe nhà thơ nói hay, hôm sau Tỉnh ủy Lào Cai lại mời sang nói chuyện tiếp. Tranh thủ trước giờ nói chuyện, ông đi tham quan và viết được bài thơ “Dựng nhà trên dãy Hoàng Liên Sơn”. Sau về ông nói với 2 nhà thơ đi tháp tùng là Định Hải và Nguyễn Bùi Vợi: “Này, các cậu ạ, đi nói chuyện thơ cũng có nhiều cái được: được ăn, được nói, được gói thơ mang về".
Nhưng có đi mới biết quần chúng trân trọng nhà thơ Vũ Quần Phương không chỉ tán thưởng vỗ tay rào rào tấm tắc khen, mà có lần họ coi ông là thần tượng, như một chính trị gia, một cán bộ cao cấp. Ấy là năm 2007, nhà thơ được mời về huyện Kiến Thụy (Hải Phòng). Ông rất ngạc nhiên khi vào hội trường UBND huyện nhìn lên phía trên có tấm phông lớn với dòng chữ: “Chào mừng nhà thơ Vũ Quần Phương”, khiến ông rất xúc động…
Đối với trang văn nghệ của báo Hải Dương, nhà thơ Vũ Quần Phương cũng là một tác giả lớn được bạn đọc yêu thích. Chỉ tính từ năm 2009 đến nay, nhà thơ đã đóng góp hơn 30 bài thơ…
NGUYỄN VIẾT(st)