Trong câu chuyện một học sinh lớp 1 không được suất ăn trong bữa liên hoan như các bạn do mẹ không đóng quỹ, người lớn đã để lại điều gì cho con trẻ? Câu hỏi còn dai dẳng nhưng câu chuyện cần khép lại như một điều ước rằng nó không có thật!
Tôi không muốn đọc hết bài viết đầu tiên về câu chuyện một học sinh lớp 1 không được ăn liên hoan do mẹ không đóng quỹ, vì mắt và sống mũi tôi cay. Không muốn đọc, nhưng tôi đã buộc mình đọc đi đọc lại mấy lần.
Đọc bài viết đầu tiên ấy, tôi không hiểu nổi tại sao các cô giáo trong vụ việc này lại có thể điềm nhiên ngồi vào "mâm liên hoan vui vẻ" khi có một em bé trong lớp phải ngồi nhìn. Tôi tin chắc trong 31 em còn lại, sẽ có không ít cháu cũng cay mắt - như tôi - vì xót xa, ái ngại và thương cảm cho bạn. Nhưng không dám nói, không dám đề xuất, không dám rủ rê hay san sẻ. Không dám - dù len lén - lấy đồ ăn cho bạn, vì đơn giản, nếu đây là chuyện thật, các em sẽ không dám làm trái ý 2 cô giáo và 3 cô phụ huynh phát suất ăn của mình. Bởi có lẽ, các em đã biết lý do: đó là công bằng, không đóng tiền thì không được ăn. Với các em bé non nớt - lớp 1 thôi mà - chưa bị cái lẽ sòng phẳng lạnh lùng, vô cảm mà người lớn đang đề cập tiêm nhiễm, hẳn buổi liên hoan ấy sẽ không vui và ngon nổi. Nó là một cực hình. Tôi mong câu chuyện này không có thật. Mường tượng cảnh huống đó, tôi kinh sợ!
Tôi cũng không hiểu nổi mẹ em bé nghĩ gì. Ừ, thì coi như vì lý do nào đó, hoặc vì chị không muốn đóng tiền cho con ở một khoản - không - bắt - buộc. Nhưng thôi, một năm chỉ một lần, mà lại là năm đầu đời của cháu, sao chị nỡ... Tôi cũng không hiểu sao chị đủ sức chịu đựng để đứa con bé bỏng phải ngồi lại nhìn buổi liên hoan (như trong bài viết đầy tưởng tượng của chị), như một phép thử. Rồi chị “chia sẻ” điều đó, đưa câu chuyện của con mình ra tranh cãi, lên mạng xã hội, như là cách “đấu tranh” cho điều mà chị coi là quyền lợi, là hợp lý. Tất nhiên, công bằng và hợp lý chị chỉ đòi hỏi đến từ người khác, còn từ trách nhiệm phụ huynh và tình thương người mẹ của chị thì hoàn toàn không. Tôi kinh hoàng, tự hỏi cái gì đang chảy trong trái tim người mẹ của chị?
Thôi, đừng tranh cãi đúng sai, hợp lý hay không nữa. Với những người lớn trong cuộc, nếu chuyện là thật, lỗi từ bên nào hay cả hai bên, đó cũng là một vết ố đáng xấu hổ. Chẳng có gì đáng gọi là đúng sai, luật lệ ở đây hết.
Rất may, toàn bộ câu chuyện diễn ngôn theo hướng tồi tệ, xấu xí chỉ là trí tưởng tượng của một phụ huynh - tôi cho rằng nông nổi và sắt đá. Các cô giáo đã không hề bỏ rơi cháu học sinh nào. Thức ăn đã được chia. Buổi liên hoan vẫn vui vẻ và không ai phân biệt hay nhắc gì về chuyện đóng tiền hay không cả.
"Mẹ ơi sau này lên lớp 2 con có được ăn liên hoan không?". Câu hỏi được cho là của cháu bé mà bài viết ghi lại này có lẽ cũng không có thật, cũng có thể là bịa ra, cốt cho câu chuyện thêm chút mủi lòng. Nhưng câu trả lời thì còn nằm lại đó.
Có lẽ 15, hoặc 20 năm sau nữa, cháu bé sẽ không còn nhớ gì những bài học mình đã nhận được từ hồi lớp 1. Rồi lên lớp, đổi trường, bay đi xa, khuôn mặt và hình dáng cô giáo chủ nhiệm, cô dạy tiếng Anh và 3 cô phụ huynh phát thức ăn, có lẽ cũng mờ dần. Nhưng nỗi ấm ức, cảm giác thua thiệt, sự tổn thương vì biết ngày xưa, cả xã hội từng lên đồng chỉ vì một miếng đùi gà cho em trong buổi lên lớp cuối cùng của năm học đầu tiên, tôi dám chắc, sẽ khó bao giờ vơi nổi. Những tính toán, bức xúc, rồi cả rùm beng mà mẹ cháu chủ động hôm nay, chắc trong tâm trí cháu cũng vẫn cứ hằn lên.
Nếu như thế, tôi sợ không dám hình dung điều gì sẽ hình thành trong cảm xúc và nhân cách của một người trưởng thành vài mươi năm sau nữa. Ít nhất, cũng đáng sợ nhất, đó sẽ là sự tổn thương nghiêm trọng và dai dẳng. Nó sẽ mọc rễ và đóng vảy trong tâm hồn. Cô giáo như mẹ hiền, mẹ cũng là cô giáo... liệu có thể là niềm tin, là kính ngưỡng như câu ca hồn hậu?
Tôi không biết, không mong điều đó xảy ra. Nghĩa là tôi mong con người sẽ là sinh vật mau quên hơn tôi lo lắng. Và cũng mong, đây chỉ là trường hợp cá biệt, duy nhất.
Tôi chỉ ước mẹ của cháu bé đã không nông nổi đưa câu chuyện lên truyền thông vốn chuộng hiếu kỳ, đôi khi là vô trách nhiệm. Có lẽ, những người lớn tham gia câu chuyện đã không lường nổi tai hại, vì câu chuyện sẽ bùng lên xấu xí và hỗn loạn đến thế. Hàng ngàn, cả chục ngàn bình luận trong Facebook của bà mẹ là cả một cuộc lên đồng tổng xỉ vả và tranh cãi. Đến mức, dù sắt đá, phụ huynh này cũng chỉ “mong mọi việc khép lại”. Nhưng bát nước đã hắt xuống đất…
Lẽ ra, chị nên nghĩ đến con, đến sự tổn thương, đến cảm xúc méo mó trước khi đưa câu chuyện phần nhiều là tưởng tượng lên trang viết. Không lẽ để chứng tỏ sự kiên định, chị lại nỡ mặc kệ con mình ngồi một góc nhìn bạn bè cả lớp liên hoan bằng ánh mắt thẫn thờ? Chị biết không, cuối ánh nhìn ấy, tương lai là một màu xám buồn vị kỷ. Và trong nỗi lòng bé thơ, cái thiếu không phải là mẩu thức ăn mà sẽ là niềm vui, tình người...