Người không tiêm vaccine COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 5 lần

18/07/2022 14:24

Hiện nay, tại Việt Nam hai biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến thể Omicron đã được ghi nhận trong nước tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Cần Thơ.

Nhân viên y tế hướng dẫn người dân trước khi tiêm vaccine

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa dòng biến thể phụ BA.4, BA.5 vào danh sách cần giám sát. Việt Nam cũng ghi nhận một số ca bệnh COVID-19 nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5 đã xâm nhập cộng đồng, do đó Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh giám sát, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và tiêm vaccine mũi 3, mũi 4.

Dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến khó lường

Theo Bộ Y tế, dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của biến thể BA.5chủng Omicron, nhất là tại khu vực châu Âu. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo các quốc gia duy trì những biện pháp ứng phó như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ bệnh trở nặng.

Hiện nay, tại Việt Nam, hai biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến thể Omicron đã được ghi nhận trong nước tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Cần Thơ. Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các biến thể khác để chủ động có các biện pháp xử lý kịp thời. Qua báo cáo của hệ thống giám sát, biến thể phụ BA.2 vẫn là biến thể chủ đạo trong cộng đồng.

Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã phát đi Thông báo số 205/TB-VPCP kết luận của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Phiên họp thứ 15 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương.

Tại thông báo, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia yêu cầu Bộ Y tế, các cơ quan liên quan và ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh trên thế giới, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh, ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu, không để xâm nhập vào nước ta; rà soát, bảo đảm năng lực thu dung, điều trị.

Trên cơ sở đó, Bộ Y tế liên tục có văn bản yêu cầu các cơ sở y tế đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo an toàn, hiệu quả, khoa học.

Bởi theo một nhóm nghiên cứu của Trung tâm y tế Mayo Clinic của Mỹ, những người không tiêm vaccine COVID-19 có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn khoảng 5 lần so với những người được tiêm chủng và tiêm mũi tăng cường; nguy cơ cần nhập viện điều trị và tử vong ở nhóm người này cũng cao hơn lần lượt là 7,5 lần và 15 lần so với người đã tiêm chủng.

Hàng chục triệu người được cứu sống nhờ vaccine

Theo các nghiên cứu, biến thể phụ BA.4 và BA.5 có chia sẻ nhiều đột biến giống với biến thể Omicron ban đầu, nhưng có nhiều điểm chung hơn so với biến thể phụ BA.2. Do vậy, hai biến thể phụ thường được đề cập cùng nhau bởi vì các đột biến trong gen protein đột biến của chúng giống hệt nhau, mặc dù chúng khác với các đột biến được tìm thấy ở những nơi khác. Đến nay, chưa có bằng chứng cho thấy biến thể phụ BA.4, BA.5 có độc lực cao hơn, gây bệnh nặng hơn các biến thể cũ trước đây.

WHO khẳng định các vaccine được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao

WHO khẳng định các vaccine được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể virus SARS-CoV-2 (bao gồm cả biến thể phụ BA.4, BA.5). Do đó, các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ bệnh trở nặng.

Theo kết quả từ một phân tích mới đây cho thấy vaccine COVID-19 của AstraZeneca và Pfizer được ước tính đã cứu sống 12 triệu người, đóng góp phần lớn vào việc ngăn ngừa tử vong trong năm đầu tiên của chiến dịch tiêm chủng toàn cầu (8.12.2020 tới 8.12.2021).

Cụ thể, vaccine của AstraZeneca đã cứu sống được 6,3 triệu người, còn con số ước tính của vaccine Pfizer-BioNTech là 5,9 triệu người. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng vaccine của Sinovac và Moderna đã cứu sống được lần lượt là 2 triệu và 1,7 triệu người.

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy vaccine được ước tính đã cứu sống khoảng 20 triệu người trong năm đầu tiên của chiến dịch tiêm chủng và hơn một nửa trong số đó là ở các quốc gia phát triển.

Tuy vaccine của các công ty như Pfizer, Moderna, AstraZeneca và những công ty khác đã giúp giảm thiểu được số ca nhập viện và tử vong, nhưng trong năm 2021, vẫn còn nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới gặp khó khăn trong việc tiếp cận với vaccine. Trong vài tháng gần đây, sự do dự, những trục trặc trong việc giao hàng và những thách thức khác vẫn tiếp tục cản trở nỗ lực này.

Mặc dù lượng vaccine được phân bổ thông qua cơ chế COVAX được ước tính đã giúp ngăn chặn hơn 7 triệu ca tử vong, nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet Infectious Diseases vẫn nhấn mạnh hậu quả của sự bất bình đẳng trong nỗ lực tiếp cận vaccine. Dữ liệu nghiên cứu cho thấy khoảng 1/5 số người thiệt mạng do COVID ở các nước nghèo hơn đã có thể được ngăn chặn nếu những mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được hoàn thành.

Thời gian qua, vaccine của AstraZeneca đã được ưu tiên đưa đến với nhóm người lớn tuổi ở nhiều quốc gia. AstraZeneca cũng công bố kết quả của cuộc đánh giá dữ liệu của các nhà khoa học tại châu Á từ 79 nghiên cứu đời thực, cho thấy hai liều vaccine Vaxzeria và các vaccine sử dụng công nghệ mRNA có hiệu quả bảo vệ cao tương đương nhau trong việc ngăn ngừa nguy cơ nhập viện và tử vong.

Sau hai liều, vaccine vectơ virus của AstraZeneca và các loại vaccine COVID-19 sử dụng công nghệ mRNA đều cung cấp khả năng bảo vệ cao, ngăn ngừa nhâp viện (91-93%) và tử vong (91-93%) bất kể tuổi tác và không có sự khác biệt về mặt thống kê giữa hai loại vaccine.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, AstraZeneca và các đối tác toàn cầu đã cung ứng hơn 3 tỷ liều vaccine cho hơn 180 quốc gia và khoảng 2/3 số liều này đã được chuyển đến các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp.

Theo Bộ Y tế, kháng thể bảo vệ của vaccine suy giảm theo thời gian; một số đối tượng chưa tiêm đủ liều vaccine làm tăng nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại. Do vậy, hệ thống giám sát, đáp ứng phòng chống dịch từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người không tiêm vaccine COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 5 lần