Xã Đắk Búc So thuộc huyện Tuy Đức (Đắk Nông) giáp với Campuchia. Nơi đây có rất đông bà con người Hải Dương sinh sống.
Anh Hoàng Thanh Mầm (phải) giới thiệu về chất lượng hạt cà phê đã sấy tại xưởng xay, sấy cà phê của mình tại Đắk Búc So
Nhiều thế hệ người xứ Đông đã vào đây sinh cơ, lập nghiệp và cùng nhau đoàn kết xây dựng vùng kinh tế mới, mang lại cuộc sống trù phú, ấm no.
“Thủ phủ” của người Hải Dương
Cuối tháng 11, đầu tháng 12 vừa qua, chúng tôi có chuyến công tác tại tỉnh Đắk Nông. Tìm hiểu về bà con đồng hương trong này, chúng tôi được đồng nghiệp ở Báo Đắk Nông giới thiệu nên về Đắk Búc So - một trong những nơi được mệnh danh là “thủ phủ” của người Hải Dương tại tỉnh Đắk Nông.
Khác với hình dung của chúng tôi, cuộc sống ở vùng biên này khá nhộn nhịp. Trụ sở một số cơ quan nhà nước và nhà ở của người dân rộng rãi, khang trang. Tiếp đón chúng tôi có Chủ tịch UBND xã Phạm Thiên Viết và một số cán bộ địa phương. Ông Viết quê gốc ở xã Hưng Long (Ninh Giang), là một trong những người Hải Dương đầu tiên đặt chân tới vùng đất Đắk Búc So theo diện di dân vào vùng kinh tế mới từ năm 1989. Ông cho biết người Hải Dương vào đây 3 đợt chính, là các năm 1989, 1990, 1993 và nhập cư rải rác những năm sau đó. Ban đầu cuộc sống của bà con rất khó khăn nhưng nhờ chịu khó làm ăn nên hiện nay đại đa số các gia đình đều có điều kiện kinh tế khá trở lên.
Xã Đắk Búc So có 10 thôn, 2 buôn, gồm 3.500 hộ dân với hơn 12.000 nhân khẩu. Người Hải Dương chiếm khoảng 35 - 40%, đa phần quê ở các huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Thanh Miện. Ngày trước, bà con vào đây chủ yếu khai hoang, trồng ngô, lúa nương, sau này mở rộng diện tích trồng cây cà phê, tiêu và một số loại cây ăn trái khác. Hiện toàn xã có gần 5.100 ha trồng cây công nghiệp, 400 ha trồng cây ngắn ngày, 52 ha rừng trồng và 33,2 ha rừng tự nhiên.
Không chỉ năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, người Hải Dương ở Đắk Búc So còn sống rất chan hòa, tình cảm, đoàn kết giúp đỡ nhau trong mọi công việc. Người Hải Dương trong xã đã thành lập được các Hội đồng hương theo quy mô toàn xã và từng thôn. Ngoài ra, các gia đình còn tụ họp, sinh hoạt định kỳ theo các dòng họ: Đinh, Lê, Phạm, Nguyễn, Phùng, Trương. Tại các buổi sinh hoạt, họ chia sẻ với nhau kinh nghiệm sản xuất, nhắc nhau chấp hành tốt các quy định pháp luật, tích cực tham gia xây dựng thôn, buôn văn hóa. Hiện 8 thôn ở xã Đắk Búc So có nhiều người Hải Dương sinh sống, các thôn này đều đã đạt danh hiệu làng văn hóa, làng an toàn về an ninh trật tự.
Nhiều thế hệ người Hải Dương ở Đắk Búc So đã được tín nhiệm giữ các chức vụ quan trọng của địa phương. Hiện tại, ngoài ông Viết là Chủ tịch UBND xã, một số chức danh khác như Phó Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Chủ tịch Hội Phụ nữ, Trưởng Công an xã... cũng là người quê Hải Dương.
Hàng chục tỷ phú
Đi cùng ông Phạm Thiên Viết, chúng tôi xuống thôn 6 - nơi có nhiều người Hải Dương sinh sống nhất tại Đắk Búc So. Ra thăm những triền đồi trồng bạt ngàn cà phê, hồ tiêu, chúng tôi gặp ông Hoàng Văn Thái (53 tuổi), người xã Phạm Trấn (Gia Lộc). Ông Thái vào vùng kinh tế mới này từ năm 2001. Nhà ông có hơn 1 ha trồng 1.000 trụ tiêu, hàng trăm gốc bơ, sầu riêng. “Tình hình sản xuất trong đây rất tốt, kinh tế ổn định và không ngừng phát triển. Bà con Hải Dương ta luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau. Đời sống của nhà tôi cũng như những hộ dân ở đây đều thuộc diện khấm khá”, ông Thái chia sẻ.
Cùng ở thôn 6, chúng tôi tới thăm lò xay, sấy cà phê của anh Hoàng Thanh Mầm (sinh năm 1976) - một trong những người Hải Dương thành đạt nhất ở Đắk Búc So. Anh Mầm thu mua cà phê, hồ tiêu của bà con trong vùng mang về xay, sấy khô rồi bán cho doanh nghiệp khác. Mỗi vụ, lò sấy của anh cung cấp ra thị trường khoảng 3.500 tấn cà phê, 6.000 tấn tiêu. Cách lò sấy không xa là vùng trồng cà phê, tiêu và một số loại cây ăn quả rộng 14 ha cũng của anh Mầm. Ngoài công việc nương rẫy, thu mua nông sản, vợ chồng anh còn kinh doanh phân bón, vật liệu xây dựng. Mỗi năm, gia đình anh Mầm thu lãi tiền tỷ từ nương rẫy và kinh doanh, tạo việc làm thường xuyên cho 32 lao động với mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng.
Anh Mầm cho biết để có được thành quả như hôm nay, bản thân anh hay bất kỳ người Hải Dương nào vào đây đều phải trải qua những ngày tháng khó khăn. Năm 1995, anh Mầm vào Đắk Búc So tìm kế sinh nhai. Hằng ngày, anh đi bộ hơn 20 km làm nghề cuốc hố trồng cà phê, hồ tiêu thuê. Mấy năm sau, anh chuyển sang làm nghề đập đá thuê. Ngày đó, cơm không đủ, anh ăn cả rau rừng, quả tầm bóp để lấy sức đi làm. Năm 1997, anh được ông chủ cho 6 sào đất rẫy. Trên diện tích này anh trồng lúa nương, cây bo bo, sau chuyển sang trồng cà phê. Năm 2003, anh nên duyên vợ chồng với một cô gái người Phú Thọ. Hai vợ chồng anh vừa làm rẫy, vừa nấu rượu kết hợp nuôi lợn. Số tiền lãi tích cóp được anh lại mua thêm nương rẫy để phát triển diện tích trồng cà phê, hồ tiêu. Nhờ nhạy bén trong làm ăn, kinh doanh nên anh Mầm nhanh chóng trở nên giàu có.
Với bản tính cần cù, chịu khó kết hợp với sự mạnh dạn trong làm ăn nên cuộc sống của hầu hết người dân Hải Dương ở Đắk Búc So đều khấm khá, trong đó có 30 - 40 người hiện là tỷ phú. “Bà con Hải Dương dù vào trong này đã lâu nhưng vẫn một lòng hướng về quê hương. Khi ở quê kêu gọi đóng góp, chúng tôi, nhất là những người thành đạt đều ủng hộ nhiệt tình”, ông Viết cho biết.
TIẾN MẠNH - ĐỖ QUYẾT