Đỉnh núi Tây Côn Lĩnh ở huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) được mệnh danh là nóc nhà vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Nhiều năm qua, một số người quê Hải Dương sinh sống, lập nghiệp tại đây.
Dưới chân đỉnh núi Tây Côn Lĩnh, những người quê Hải Dương vẫn ngày ngày miệt mài lao động
Gập ghềnh đường về bản
Từ TP Hà Giang, đoàn chúng tôi đi xe máy theo quốc lộ 2 đến ngã ba Tân Quang rồi rẽ phải sang đường tỉnh 178 để đi đến cầu số 5 của huyện Hoàng Su Phì trên cung đường chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh. Đoạn đường dài hơn 100 km thì có đến 2/3 là đồi núi cao. Chúng tôi phải băng qua những con dốc lớn quanh co theo sườn núi đá, một bên là vực thẳm. Con đường tuy đã được trải nhựa nhưng gập ghềnh, dân cư thưa thớt với nhiều cảnh đẹp kỳ thú của núi rừng Đông Bắc làm các thành viên trong đoàn đều hào hứng. Sau gần 5 giờ đồng hồ, chúng tôi mới có mặt tại chân cầu số 5.
Đỉnh núi Tây Côn Lĩnh cao hơn 2.400 m và người dân chỉ tập trung sinh sống ở các bản làng có độ cao khoảng 1.500 m. Để đến được nơi đây, chúng tôi phải đi gần 20 km đường liên xã qua xã Tân Tiến rồi mới tới được trung tâm xã Túng Sán, nơi gần nhất để lên nóc nhà Đông Bắc. Đón chúng tôi là anh Đặng Văn Dũng, người dân tộc Dao hiện là cán bộ tư pháp xã.
- Anh em cứ nghỉ ngơi cho lại sức. Phía trước là cả một chặng đường dài khó khăn đấy - vừa chào hỏi, anh Dũng vừa nhắc nhở chúng tôi kiểm tra lại hành lý, phanh xe để bảo đảm an toàn.
- Có 20 km thôi mà, chắc không mất nhiều thời gian là đến nơi anh nhỉ? - tôi thắc mắc.
- Không dễ vậy đâu. Cả tuyến là đường đất và đá. Ngày thường đi đã khó vì phải băng qua mấy khe suối, đường dốc đứng. Hôm nay, trời mưa to, đường lầy lội khó đi lắm. Có khi phải mất hơn 1 giờ đồng hồ mới đến nơi. Những người chở hàng vào bản bán còn phải chằng xích quanh lốp xe cho dễ đi đấy - anh Dũng đáp.
Quả đúng như vậy. Ngay khi xuất phát, trước mắt chúng tôi là một con đường đá sỏi nhỏ dựng đứng rất khó đi. Chiếc xe máy của chúng tôi gầm lên, ì ạch nhích từng đoạn, từng đoạn. Khó nhất là đi qua những khe suối sâu đầy nước chảy xiết và những con đường đất ngập ngụa bùn. Có đoạn không thể đi được, tôi phải xuống để đẩy xe cho anh Dũng cài số, vít ga qua. Cơn mưa rừng nặng hạt cùng cái giá buốt thấu xương khiến tay, chân của tôi run lên bần bật.
1 giờ sau, chúng tôi mới có mặt tại trung tâm xã Túng Sán. Mặc dù trời mưa và lạnh nhưng bà con tập trung ở đây khá đông. Qua trang phục, có thể nhận thấy có nhiều đồng bào dân tộc khác nhau như Mông, Dao, Tày, Nùng, La Chí… cùng sinh sống nơi đây. Đàn ông thì tập trung tại các quán rượu. Còn phụ nữ và trẻ em quanh quẩn bên các sạp quần áo, bán đồ gia dụng, hàng ăn. Thấy người lạ, ai cũng nhìn với ánh mắt hiếu kỳ. Theo lời anh Dũng, hôm nay là thứ ba nên có phiên chợ của xã. Người dân ở đây vẫn duy trì tập tục đi chợ phiên theo tuần. Bà con ở khắp các xã lân cận đều có mặt để mua sắm đồ hay chỉ gặp mặt nhau chuyện trò bên bát canh và chén rượu.
Ngoài trụ sở UBND xã và 3 điểm trường trung tâm thì chỉ có khoảng 20 nóc nhà gỗ đơn sơ của người dân. Xung quanh là cảnh núi rừng hùng vĩ, thi thoảng được điểm tô bằng một vài nóc nhà nhỏ cùng làn khói bếp trắng bay lên.
Vất vả mưu sinh
Được giúp đỡ và phục vụ người dân là niềm vui của chị Phạm Thị Thủy
Xã Túng Sán không phải là địa phương cách xa trung tâm huyện Hoàng Su Phì nhưng điều kiện đi lại, sinh hoạt thuộc diện khó khăn nhất huyện. Xã rộng gần 50 km2 nhưng chỉ có khoảng 3.000 dân. Số người dưới xuôi lên trên này công tác, làm ăn không nhiều, chỉ khoảng 100 người. Trong đó, người quê Hải Dương chỉ có 2 người đều làm giáo viên.
Anh Trần Văn Thật (31 tuổi) quê ở xã Thanh Cường (Thanh Hà) đã dạy học ở đây được 5 năm. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Hà Giang, anh được phân về dạy trường tiểu học của xã Túng Sán. Toàn xã có 8 thôn ở cách xa nhau nên công việc của anh rất vất vả. Điểm trường gần nhất cách trung tâm xã khoảng 5 km nhưng điểm trường xa nhất 10 km trên những điểm núi cao. Ngày mới về, đã có thời gian anh chán nản vì quá vất vả, điều kiện ăn ở, sinh hoạt thiếu thốn đủ thứ. Giáo viên phải ở trong những dãy nhà gỗ đơn sơ. Không có nước sạch, họ phải dùng ống tre dẫn nước từ khe suối về dùng. Hệ thống điện đã được lắp đặt từ trước nhưng không ổn định. Vì ở núi cao, tập tục đơn giản nên người dân không có thói quen sản xuất tập trung. Các giáo viên ở đây phải tự cải tạo đất, mua hạt giống về trồng để có rau xanh; chăn thả vài con gà, vịt để có thêm thức ăn hằng ngày.
Một trở ngại nữa đối với anh là học sinh trên này đều là người dân tộc thiểu số, vốn tiếng Kinh còn ít, trình độ tiếp thu của nhiều em cũng kém hơn những học sinh ở dưới xuôi. Phụ huynh ít chú ý tới việc học của con em. Có khi học sinh bỏ học nhiều, anh Thật phải cùng cán bộ xã đi bộ đến từng nhà vận động gia đình cho các em đi học trở lại.
“Có nhiều em học lớp 2 mới biết hết mặt chữ nhưng phát âm còn chưa rõ. Mỗi lớp chỉ có khoảng 20-30 em nhưng chật vật lắm. Chúng tôi phải kèm từng em một. Hết giờ trên lớp, thi thoảng còn phải tổ chức cả lớp học buổi tối để phụ đạo cho những em có học lực kém. Một số em có hoàn cảnh khó khăn còn được giáo viên góp tiền, góp gạo nuôi ăn học tại trường”, anh Thật nói.
Có thời gian công tác lâu hơn nên chị Phạm Thị Thủy (37 tuổi) quê ở xã Nam Hồng (Nam Sách) đã quá hiểu những thiếu thốn và vất vả nơi đây. Những ngày đầu cùng chồng lên đây lập nghiệp, chị hụt hẫng vô cùng. Trong khi bạn bè trang lứa đều công tác ở dưới xuôi, có nhà cửa khang trang, đi lại thuận lợi, còn được gần với gia đình thì chị lại phải làm việc ở nơi “rừng thiêng, nước độc”. Nhưng sau một thời gian làm việc, cuộc sống chân thật của người dân nơi đây đã níu chân chị lại. “Đã có lúc tôi muốn chuyển đi nơi khác nhưng khi nhìn ánh mắt hồn nhiên của các em nhỏ tôi lại không cầm lòng được. Học sinh trên này, quần áo, cái ăn lúc nào cũng thiếu thốn. Vì vậy, tôi không nỡ bỏ đi để chúng không biết cái chữ, không có kiến thức để sau này lớn lên thay đổi cuộc đời”, chị Thủy chia sẻ.
Bằng tình yêu nghề, yêu thương trẻ nhỏ và tình cảm gắn bó với người dân địa phương, anh Thật và chị Thủy đã lặng lẽ vượt qua những gian khó để bám trụ vùng đất này và mang lại “ánh sáng” cho trẻ em vùng cao nơi đây.
Không chỉ làm tốt công việc của mình, các giáo viên người Hải Dương còn có nhiều việc làm giúp đỡ bà con dân tộc thiểu số. Ở vùng sâu, vùng xa nên người dân ở đây còn giữ nhiều hủ tục, nhất là sinh nhiều con. Nhiều nhà có từ 3-5 người con nhưng họ vẫn muốn đẻ thêm vì quan niệm của họ là càng đông con càng có nhiều sức lao động. Trong quá trình công tác, các giáo viên đã gần gũi với người dân và trở thành một kênh tuyên truyền đắc lực cho địa phương. Anh Thật và chị Thủy đã giúp bà con dân tộc nhận thức được hạn chế của việc đẻ nhiều là nguồn cơn của sự nghèo đói. Vì thế, 3 năm trở lại đây, tỷ lệ đẻ con thứ 3 ở xã Túng Sán đã giảm đi đáng kể. Người dân luôn dành sự tôn trọng và tình cảm đặc biệt với những giáo viên nơi đây.
Thời gian gần đây, các tour du lịch thám hiểm đỉnh Tây Côn Lĩnh bắt đầu phát triển. Những đoàn khách trong và ngoài nước đến với Túng Sán nhiều hơn, tạo điều kiện cho người dân có thêm thu nhập từ các dịch vụ như sửa chữa xe máy, bán hàng tạp hóa, cho thuê nơi nghỉ chân… Nắm bắt được xu hướng này, anh Thật đã mở cửa hàng sửa xe máy, còn chị Thủy dựng thêm một căn nhà gỗ làm nơi bán các mặt hàng tạp hóa. Theo lời họ, việc làm này vừa có thêm thu nhập cho gia đình, vừa để phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân. Chủ nhật hằng tuần họ lại xuống chợ huyện để nhập đồ về bán. Thời gian tới, anh Thật dự định dựng một ngôi nhà sàn để mở dịch vụ homestay cho khách du lịch, phát triển một số mô hình sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông nghiệp đặc sản như cây thảo quả, thịt trâu gác bếp, rượu ngô, làm chè, làm nấm…
Chia tay những người con quê hương Hải Dương dưới chân đỉnh Tây Côn Lĩnh, chúng tôi đều lưu luyến. Nhưng vượt lên tất cả là sự cảm phục dành cho họ, những người đã chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng của mình để mang “ánh sáng” đến với trẻ em và người dân vùng cao này.
ĐỨC TÂM