Y tế - Sức khỏe

Người dân vùng dịch sốt xuất huyết vẫn chủ quan

BÌNH MINH 20/10/2023 11:07

Dịch sốt xuất huyết tại Hải Dương đang ở giai đoạn cao điểm bùng phát và lây lan nhưng một bộ phận không nhỏ người dân, chính quyền địa phương vẫn chủ quan, kể cả ở trong ổ dịch.

img_2728031e9e3f29e2708493c00d573c48476f.jpg
Việc thải rác bừa bãi tạo môi trường lý tưởng để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết trú ngụ, sinh sản, phát triển

Sân vườn một gia đình ở thôn Lãng Xuyên, xã Gia Tân (Gia Lộc) cây cối um tùm, ngập ngụa rác là môi trường lý tưởng để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết trú ngụ, sinh sản, phát triển

Thiếu chủ động, chưa quyết liệt

Ngày 31/8, xã Gia Tân (Gia Lộc) xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết ở thôn Lãng Xuyên. Gần 50 ngày đã qua, ổ dịch này chưa kết thúc. Theo bà Nguyễn Thị Chi Phương, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Gia Tân, từ ngày xuất hiện ổ dịch, công tác vệ sinh môi trường được người dân quan tâm hơn. Xã tích cực tuyên truyền, vận động.

Phóng viên Báo Hải Dương đã xuống thôn Lãng Xuyên tìm hiểu thực tế. Đường làng, ngõ xóm ở đây được nhân dân vệ sinh khá sạch sẽ. Bà N.T.L. (74 tuổi) - người mắc sốt xuất huyết cách đây chưa lâu đã chú ý hơn đến việc vệ sinh môi trường. Song, khu vườn nhỏ trước sân nhà bà L. tập trung bồn hoa, chậu cây cảnh với mật độ khá dày. Tại một góc vườn vẫn có một thùng nhựa chưa được lật úp. Chỉ cần trời có mưa, môi trường ẩm thấp thì khu vườn này có thể sẽ làm nơi cho muỗi sinh sản, phát triển.

Phóng viên tiếp tục ghé thăm một nhà hàng xóm của bà L. Không gian nhà này chật hẹp, khu vườn trước sân cây cối um tùm, ngập ngụa rác nhưng chưa được chặt tỉa, dọn dẹp. Bên trái ngôi nhà có một nhà tắm cũ, không gian bên trong tối tăm, ẩm thấp và chất đầy đồ đạc cũ. Phóng viên đánh động thì thấy có không ít muỗi từ nhà tắm bay ra.

img_2640b19f4dfb32b4f02d004da4538f7f42bc(1).jpg
Nhân viên Trạm Y tế xã Hồng Phong (Nam Sách) nhắc nhở một người dân ở thôn Đoàn Kết cần chủ động hơn trong việc vệ sinh môi trường phòng chống dịch sốt xuất huyết

Mới đây, ghé vào một gia đình có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ở thôn Đoàn Kết, xã Hồng Phong (Nam Sách), phóng viên khá bất ngờ khi ngay cạnh thềm nhà vẫn có một đống cành cây khô, cỏ rác chưa được thu dọn. Một số vật dụng trong vườn có thể chứa nước chưa được thu gom, lật úp theo hướng dẫn.

Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hồng Phong Nguyễn Thị Hương cho biết vẫn còn một bộ phận người dân chưa quan tâm vệ sinh môi trường, chủ quan với dịch bệnh. Địa phương cũng chưa tổ chức được một đợt tổng vệ sinh trên quy mô toàn xã để phòng chống dịch sốt xuất huyết. Nhiều gia đình lấy lý do bận đi làm công ty cả ngày hoặc ở nhà chỉ có người già, trẻ nhỏ nên không tham gia được.

Theo ghi nhận của phóng viên, đến nay, mới chỉ có TP Chí Linh phát động được chiến dịch tổng vệ sinh môi trường phòng chống dịch sốt xuất huyết trên phạm vi toàn thành phố theo chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh. Hầu hết các địa phương còn lại mới chỉ tổ chức được ở những nơi xuất hiện ổ dịch. Công tác phòng chống dịch mới chủ yếu tập trung vào hoạt động tuyên truyền. Việc đôn đốc, giám sát các thôn, khu dân cư, nhân dân thực hiện những khuyến cáo của ngành y tế đã có nhưng thiếu chủ động và chưa quyết liệt.

a1671793f5ab16b793e0bb5776ba32d68f.jpg
Nước thải tồn đọng (ảnh trái) và rác thải ngập ngụa (ảnh phải) tại chợ Trạm Bóng ở xã Quang Minh (Gia Lộc) chưa được xử lý phù hợp, tạo môi trường cho muỗi, lăng quăng phát triển

Không được phép chủ quan

Dịch sốt xuất huyết tại Hải Dương đang bùng phát và lây lan nhanh. Các ổ dịch mới liên tục xuất hiện, có ngày ghi nhận gần 50 ca mắc mới. Tính từ ngày 1/1-18/10, toàn tỉnh có 775 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, tăng 314 trường hợp so với năm 2022, trong đó khoảng một nửa số ca mắc tập trung từ trung tuần tháng 9 đến nay. Đến ngày 20/10, toàn tỉnh còn 22 ổ dịch.

Số ca mắc sốt xuất huyết ở Hải Dương thời gian gần đây chủ yếu có yếu tố nội địa. Điều đó cho thấy muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đang tồn tại nhiều trong cộng đồng. Kết quả giám sát véc tơ tại nhiều ổ dịch cho thấy chỉ số muỗi, loăng quăng vượt ngưỡng cảnh báo. Do đó, những ổ dịch mới, số ca bệnh mới ở Hải Dương được dự báo sẽ còn tăng. “Dịch bệnh này đang ở giai đoạn lây lan cao điểm, có thể sẽ giảm dần từ tháng 11. Điều này còn phụ thuộc rất lớn vào sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương và ý thức của nhân dân” ông Hoàng Văn Huỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương nói.

Từ đầu năm đến ngày 19/10, cả nước đã có hàng trăm nghìn bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, gần 30 ca tử vong. Hải Dương chưa có bệnh nhân tử vong vì bệnh này. Tuy nhiên, ghi nhận tại nhiều cơ sở y tế ở hai tuyển tỉnh và huyện cho thấy lượng bệnh nhân phải nhập viện điều trị đang tăng lên. Không ít bệnh nhân nặng phải truyền tiểu cầu, sốc, tràn dịch đa màng (phổi, bụng), sức khoẻ yếu, thời gian điều trị kéo dài và nguy cơ không thể lường trước được.

Bác sĩ Hoàng Thạch Quyền, Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Hải Dương cảnh báo: Người dân không được phép chủ quan với bệnh này. Phụ nữ có thai, trẻ em dưới 2 tuổi, những người béo phì, mắc bệnh mạn tính càng phải cẩn thận vì khi mắc bệnh thường diễn biến nhanh, nguy hiểm. Các cơ sở y tế đã có phương án thu dung, điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhưng nếu số ca mắc mới tăng nhanh thì sẽ gây ra tình trạng quá tải, gây áp lực cho cả bệnh viện, nguy hiểm cho người dân.

BÌNH MINH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người dân vùng dịch sốt xuất huyết vẫn chủ quan