Ông Nguyễn Văn Bé (71 tuổi), bây giờ nói chuyện không cần tìm giấy bút, chạy xe máy khắp vùng mà không cần vợ dẫn đi.
Ông Bé kể lại những tai họa bất ngờ ập đến nhưng hơn 40 năm rồi vẫn chưa có lời giải. Ảnh: Thanh Nghi
Không ai trong khu vực Long Châu, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ biết về ông Bé lại có thể nghĩ rằng một ngày ông hết mù và lại nói chuyện sang sảng. Ông bây giờ còn có bằng trung cấp đông y, rành rõ từng cây thuốc nam có trong vườn nhà.
Sáng sớm cuối tuần, ông Bé sang nhà bạn, nhấp vài ly rượu, lên kế hoạch cho buổi nấu nước bông sen trắng tặng bà con bị bệnh hở van tim vào hai ngày tới tại phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt.
Vỗ vai ông bạn, ông Bé nhắc đi nhắc lại: 'Đợt này có một hồ sen bị chết nhiều, tui mới rải phân tuần trước đang chờ nó lên lại. Mấy anh em mình ráng gom sao cho đủ 5 bao, để nấu được 250 lít nha chú Mười, nếu mà thiếu mấy bả la làng lên đó à nghen'.
Ông Mười Huệ (bạn của ông Bé) cười: 'Anh Hai dặn kỹ quá, có tuần nào mà nấu không đủ 250 lít nước chưa. Anh Hai lo về nghỉ để mai còn cưa đống củi to nữa'.
Làm việc thiện giúp đỡ bà con là cách mà ông Bé giữ lời hứa với bản thân mình khi ông gặp tai họa. Bởi 'tui từng cầu trời đất cho tui hết câm, hết mù, tui nguyện đi làm từ thiện suốt đời để trả ơn', ông Bé nhớ lại.
Khi khỏe lại thì ông Bé cũng lớn tuổi, con cái đã có việc làm ổn định, lại được vợ ủng hộ nhiệt tình nên 18 năm nay, ông Bé chỉ đi làm từ thiện để 'giữ trọn lời hứa năm xưa với đất trời'. Ảnh: Thanh Nghi |
Năm 1977, ông Bé 27 tuổi là người đàn ông khỏe mạnh, ai thuê gì làm nấy nuôi vợ và con trai. Một buổi trưa khi đang cuốc đất thuê cùng vài người, ông ngã xuống đất và ngất xỉu. Mọi người khiêng ông vào nhà và đưa đi bệnh viện, ông nằm bất tỉnh 3 ngày. Tỉnh dậy, nhìn thấy mọi người xung quanh, ông muốn hỏi chuyện nhưng không thể thốt ra lời.
Ông thò vào túi áo bác sĩ đứng bên cạnh, lấy cây bút viết vào tay mình: 'Cho tui tờ giấy'. Nhận tờ giấy, ông viết tiếp: 'Tui muốn nói nhưng không phát âm được', ông Bé nhớ lại. Lúc đó ông vẫn chưa nghĩ mình bị câm.
Ở bệnh viện TP Cần Thơ điều trị gần một tháng nhưng bác sĩ không tìm ra nguyên nhân dẫn đến việc ông không nói được, trong khi sức khỏe của ông bình thường và tai vẫn nghe được.
'Thời đó mới giải phóng, thiết bị y tế còn thiếu thốn, bác sĩ bảo tôi về, 'chờ thêm một thời gian bệnh viện sắm sửa các thiết bị hiện đại hơn thì sẽ báo để anh lên kiểm tra lần nữa', ông Bé nhớ lại.
Nhưng ông chờ gần 20 năm không nhận được tin tức gì.
Suốt 20 năm giao tiếp với mọi người qua giấy bút, ông Bé còn lạc quan bởi nghĩ mình may mắn biết chữ và còn nghe được. Ông vẫn đi làm thuê nhưng 'hễ có việc gì nặng nhọc là anh em giành làm hết'.
'Trong nhà từ dạo đó quen dần với tiếng vỗ tay bốp bốp của ông. Mỗi lần muốn nói chuyện, ông ấy vỗ tay là tui chạy tới, rồi ông ấy lấy giấy bút ghi ra, riết rồi tui quen', bà Mai Thị Dễ, 71 tuổi, vợ ông Bé nhớ lại.
Khi chứng câm chưa có lời giải thì tháng 10.1997, một buổi sáng ông Bé thấy mệt, đau nhức hai vai nên nhờ người cạo gió, lim dim ngủ. Cạo gió xong, mở mắt ra thì ông không nhìn thấy gì, 'mọi thứ trước mắt tối sầm lại và tôi ngã xuống đất', ông Bé nhớ lại.
Ông được đưa vào bệnh viện TP Cần Thơ, nhưng bác sĩ một lần nữa bó tay. Cố gắng mở to mắt ra nhưng ông Bé không nhìn thấy gì, dù đôi mắt vẫn đen nháy.
'Hằng ngày tui tự hỏi lòng mình, tại sao ông trời lại bắt tui trở nên như vậy. Bỗng nhiên tui bị câm, rồi bỗng nhiên bị mù mà không một chút đau đớn. Nghe tiếng con cười nhưng không nhìn thấy mặt, nó ngồi trong lòng tui mà sao tui nhớ nó quá', ông Bé ngậm ngùi nhớ lại.
Cha ông cho đất, ông bán bớt một công lấy tiền chữa bệnh thuốc thang và trả nợ bà con vì kinh tế gia đình đã kiệt quệ. 'Lúc ấy tui không còn sợ chết nữa, ngày nào cũng nghĩ hay vùi mình xuống đất cho xong', ông Bé nói.
Từ đó ông không đi đâu, chỉ quanh quẩn trong nhà, tới bữa cơm vợ múc cơm đưa đến tận tay, thỉnh thoảng được vợ đưa sang nhà bạn chơi cho khuây khỏa. Gia đình sợ ông nghĩ quẩn, đem cất hết những chai thuốc trừ sâu, chai dầu hỏa và mấy con dao.
Ông Bé (trái) và ông Nguyễn Văn Mười (63 tuổi) trong nhóm từ thiện nấu nước bông sen trắng. Ảnh: Thanh Nghi |
Một buổi tối tháng 8.2001, 4 năm sau khi bị mù, ông Bé được vợ dìu ra thắp nhang cúng rằm, lúc quay vào nhà thì ngã sấp xuống, bất tỉnh nhân sự. Bà Dễ hô hoán, hàng xóm chạy lại nhà đông nghẹt.
'Chúng tôi lập tức kiểm tra coi ông ấy còn thở không thì không thấy. Ông ấy nằm im nên ai cũng nghĩ ông chết rồi', ông Lê Văn Trường, hàng xóm của ông Bé, là một trong hai người có mặt đầu tiên khi ông Bé bất tỉnh kể lại.
Bà Dễ ôm lấy chồng, vừa khóc vừa đòi đưa chồng đi bệnh viện, thì có người nói, 'Ông chết rồi đưa đi bệnh viện làm gì nữa'. Gia đình ngỡ thật, bắt đầu dọn dẹp chuẩn bị lo hậu sự. Khoảng 20 phút sau ông Bé tỉnh lại trước sự sợ hãi của mọi người.
'Thằng Bé chết rồi' là câu đầu tiên tui nghe được khi tỉnh lại, thấy mẹ và vợ con đang ôm nhau khóc. Tui chợt nghĩ không biết mọi người làm gì ở nhà mình đông thế, vừa nghĩ tui vừa bật ra câu nói đó thành lời', ông Bé nói.
Cơn sửng sốt thấy chồng tỉnh lại nhường chỗ cho việc bất ngờ khi thấy ông Bé câm, mù bỗng nói thành tiếng, chỉ từng người kể tên vanh vách. 'Tui tưởng ông chết rồi, mà ông có chết tui cũng ở vậy nuôi con!', bà Dễ nhào đến ôm chồng, khóc rưng rức làm ông Bé cũng khóc theo.
Trở về từ cửa tử, lại nhìn và nói được, ông Bé hạnh phúc vô ngần nên quyết giữ lời hứa 'nếu mình khỏi bệnh, sẽ phát tâm đi làm từ thiện để trả ơn', điều ông nhẩm trong đầu bao lần trong những ngày dài đằng đẵng chìm trong bóng tối.
Ông tham gia vào phòng thuốc đông y của một cây xăng tại phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, sau đó được cử đi học Trung cấp Y học cổ truyền tại Cần Thơ.
Vài tháng, ông cùng anh em trong nhóm từ thiện đi Phú Quốc, Tây Ninh hay Bình Thuận vào rừng kiếm cây thuốc nam về tặng cho phòng khám đông y.
Ông Trần Quang Tuấn, Trưởng khu vực Long Châu, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ cho biết: 'Tôi có biết ông Bé trước đây bị câm, bị mù, đột nhiên bất tỉnh thì gia đình tưởng chết chuẩn bị lo hậu sự. Tỉnh lại, ông Bé hết câm, hết mù, sinh hoạt bình thường và tham gia làm từ thiện tại địa phương'.
Bác sĩ chuyên khoa I y học cổ truyền Nguyễn Hữu Trường (TP Hồ Chí Minh) thì nói: 'Có thể ông Bé chỉ ngưng thở 1-2 phút, trong lúc người nhà hoảng loạn, không kiểm tra lại nên tưởng ông ấy chết. Chứ không thể có chuyện ngưng thở 20 phút mà vẫn sống được. Còn về việc ông ấy bỗng nhiên hết câm, hết mù sau khi tỉnh lại thì cần phải có nghiên cứu khoa học rõ ràng mới giải thích được'.
Sắp tới giờ cơm trưa, vợ ông Bé từ trong bếp lật đật ra sân nói: 'Tui nấu cơm xong rồi, ông ăn cơm rồi đi đâu thì đi'. Ông Bé cầm chìa khóa xe máy trên bàn, xỏ đôi dép đáp lại: 'Tui chạy ù qua ao sen coi nay được nhiều bông chưa rồi về ăn sau, đang sợ thiếu bông nấu đây bà ạ'.
Vừa dứt lời, ông đi nhanh ra sân, quay đầu chiếc xe máy, nổ máy chạy ù đi. Cái biển số xe rơi một bên ốc vít, kêu lẻng kẻng trên con đường gập ghềnh sát mé sông.
Theo Vietnamnet