Nhiều hộ chăn nuôi đã nóng vội nuôi lợn trở lại, bỏ qua khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Việc này rất nguy hiểm vì bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn có nguy cơ bùng phát lại.
Mặc dù ngành chức năng khuyến cáo chưa nên tái đàn nhưng nhiều hộ chăn nuôi vẫn không thực hiện
Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trong tỉnh đã tạm lắng, nhiều địa phương đã công bố hết dịch. Ngành chăn nuôi khuyến cáo người dân chưa nên tái đàn vì bệnh dịch có thể bùng phát lại. Thế nhưng, một số hộ chăn nuôi vẫn bất chấp bệnh dịch để tái đàn dù biết trước rủi ro.
Không báo chính quyền
Ở xã Việt Hồng (Thanh Hà) vẫn đang xảy ra bệnh DTLCP nhưng trang trại của ông Nguyễn Bá Sinh ở thôn Cổ Chẩm đã nuôi trở lại 100 con lợn thịt. Theo ông Sinh, hiện giá lợn giống thấp, trong khi nhu cầu tiêu thụ thịt lợn từ nay tới cuối năm dự báo sẽ rất cao, nếu không tái đàn ngay sẽ lỡ mất cơ hội tốt.
Chủ tịch UBND xã Việt Hồng Phạm Văn Chung cho biết: "Sau khi nắm được thông tin trang trại này tái đàn, chúng tôi đã xuống lập biên bản, nhắc nhở chủ trang trại thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, cảnh báo gia đình tự chịu trách nhiệm khi có dịch bệnh xảy ra. Đây là cơ sở chăn nuôi chưa xảy ra bệnh DTLCP nên chúng tôi chỉ nhắc nhở họ tăng cường phòng dịch". Đến nay, xã Việt Hồng đã tiêu hủy khoảng 1.600 con lợn với tổng trọng lượng hơn 80 tấn. Xã vẫn còn hơn 3.000 lợn thịt và khoảng 200 lợn nái. Địa phương này vẫn đang có lợn phải tiêu hủy do bệnh DTLCP.
Hơn 1 tháng sau khi địa phương công bố hết bệnh DTLCP, ông Nguyễn Sỹ Cừ ở thôn Mạn Đê, xã Nam Trung (Nam Sách) cũng đã tái đàn. Ông cùng một số người trong thôn rủ nhau nhập lợn giống ở tỉnh Thái Nguyên về nuôi thử. Lợn có giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh, mỗi con nặng hơn 10 kg có chi phí gần 1 triệu đồng (bao gồm cả tiền xe và các chi phí khác). "Gia đình tôi cũng chỉ dám nuôi 40 con lợn. Tôi mua bã đậu ở các cửa hàng rồi nấu lên cho lợn ăn để tiết kiệm, thịt lợn lại ngon. Sau khi cho lợn ăn, tôi dùng nước vôi pha loãng để rửa chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi. Cứ 3 ngày tôi phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Đến nay đã hơn 1 tháng đàn lợn của gia đình tôi vẫn an toàn", ông Cừ cho biết.
Gia trại của ông Cừ là một trong những hộ đầu tiên của huyện Nam Sách bị tiêu hủy toàn bộ đàn lợn nái 15 con. Trước khi lực lượng chức năng tiêu hủy 15 con lợn nái, gia đình ông đã tự đào hố chôn nhiều con lợn nái khác ở góc vườn do bị chết mà không rõ nguyên nhân. Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nam Sách cho biết: "Hiện nay, ở hầu hết các địa phương trong huyện đều có hộ tái đàn. Theo quy định, các hộ khi tái đàn phải báo cáo chính quyền địa phương để được theo dõi và quản lý nhưng không có hộ nào thực hiện. Thậm chí họ tự ý tái đàn với số lượng lớn nhưng không báo cáo. Hiện nay, bệnh DTLCP đã tạm lắng nhưng vẫn chưa hết nguy hiểm".
Người dân chỉ nên tái đàn ở các cơ sở chăn nuôi an toàn, chưa từng xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi (ảnh tư liệu)
Chưa nên tái đàn
Toàn tỉnh hiện có khoảng 150 xã, phường, thị trấn đã công bố hết dịch hoặc đủ điều kiện công bố hết bệnh DTLCP. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo lúc này chưa là thời điểm phù hợp để tái đàn. Bệnh DTLCP vẫn chưa có vaccine và thuốc đặc trị, mầm bệnh do virus dễ phát tán, lây lan. Trường hợp các hộ tái đàn mà để xảy ra dịch bệnh sẽ không được Nhà nước hỗ trợ thiệt hại.
Theo bà Phạm Thị Đào, Phó Trưởng Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thay vì nóng vội nuôi lợn trở lại. Tùy theo điều kiện thực tế, các hộ có thể cải tạo chuồng trại để nuôi gia cầm, thủy cầm, đại gia súc... Việc này vừa giúp các hộ ổn định sản xuất, vừa bảo đảm nguồn cung thực phẩm từ nay tới cuối năm. Việc tái đàn chỉ nên thực hiện ở các cơ sở an toàn dịch bệnh. Đây là những trang trại quy mô lớn và chưa có lợn bị tiêu hủy do bệnh DTLCP. Việc tái đàn tại các cơ sở an toàn dịch bệnh cũng phải tuân thủ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Lợn giống có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, có đầy đủ giấy kiểm dịch và bản công bố tiêu chuẩn chất lượng kèm theo. Trước khi nhập đàn, lợn phải được nuôi cách ly để bảo đảm lợn mới chuyển đến không ủ bệnh và ngăn chặn dịch bệnh mới lây lan vào đàn. Chủ các trang trại nên nuôi thăm dò với số lượng nhỏ trước, sau đó nếu thấy ổn định thì mới tăng tiếp quy mô.
TRẦN HIỀN