Chỉ trong 2 lần Bác về thăm Hải Dương vào các năm 1962 và 1965, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Khuê đã kịp chụp khoảng 100 bức ảnh về Bác.
Bức ảnh Bác Hồ đạp guồng nước chống úng ở xã Hiệp Lực (Ninh Giang) do nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Khuê chụp
Trong hai lần Bác Hồ về thăm Hải Dương vào các năm 1962 và 1965, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Khuê vinh dự được chụp ảnh Người. Những bức ảnh lưu giữ khoảnh khắc đặc biệt ấy đã trở thành tư liệu quý của tỉnh và giúp ông trưởng thành hơn trong sự nghiệp cầm máy của mình.
Độc đáo
Hình ảnh trên trang bìa cuốn "Bác Hồ với Hải Dương" do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương phát hành năm 2008 là hình ảnh Bác đang đạp guồng nước chống úng tại xã Hiệp Lực (Ninh Giang) giữa trời nắng nóng. Tại triển lãm "43 năm đất nước trọn niềm vui" do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức dịp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30.4 vừa qua, bức ảnh này cũng được phóng to và đặt trang trọng trong gian trưng bày về chủ đề "Hải Dương với Bác Hồ - Bác Hồ với Hải Dương". Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Khuê là tác giả bức ảnh đó.
Bức ảnh đã trở thành tư liệu quý của tỉnh ghi dấu hình ảnh của Bác trên mảnh đất xứ Đông. Chia sẻ về kỷ niệm chụp bức ảnh này, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Khuê cho biết lúc ấy ông đang là cán bộ phụ trách văn hóa quần chúng thuộc Ty Văn hóa (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Một hôm, lãnh đạo ty giao nhiệm vụ rất quan trọng nhưng bí mật, chỉ thông báo ông thu xếp đồ đạc mai đi công tác ở cơ sở. Ngày hôm sau 26.7.1962, tới tận lúc về Ninh Giang ông mới biết mình được vinh dự chụp ảnh Bác Hồ. Xen lẫn với niềm vinh dự là một chút lo lắng vì đây là lần đầu tiên ông thực hiện nhiệm vụ quan trọng đến thế. Thầm nhủ phải chụp ảnh Bác thật độc đáo, thật đẹp, ông chăm chú dõi theo từng bước chân của Bác. Để ý thấy Bác có động tác trèo lên guồng nước, ông vội vàng lội xuống ruộng ở phía trước cách Bác chừng 4 m, lựa chọn góc chụp và bấm máy. Vậy là trong lúc nhiều phóng viên cùng có mặt ở đó thì chỉ riêng ông có được bức ảnh rất ấn tượng.
Trong số những bức ảnh chụp về Bác tại Hải Dương của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Khuê, bức ảnh Bác viết dòng chữ "Phải cố gắng tiến bộ" lên chiếc lọ hoa tại Nhà máy Sứ Hải Dương cũng được nhiều người biết đến. Bức ảnh đẹp không chỉ ở bố cục mà còn toát lên thần thái của Bác, đồng thời làm nổi bật một sản phẩm đặc trưng của Hải Dương.
Chỉ trong 2 lần Bác về thăm Hải Dương vào các năm 1962 và 1965, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Khuê đã kịp chụp khoảng 100 bức ảnh về Bác. Mỗi bức ảnh khắc họa một hoạt động khác nhau của Người. Từ hình ảnh Bác nói chuyện ở Vọng Cung (nay là Nhà hát Nhân dân tỉnh), thăm Nhà máy Sứ Hải Dương đến những lần Bác về thăm các xã Hiệp Lực, Hồng Thái (Ninh Giang), Nam Chính (Nam Sách)... Ở đâu ông cũng ghi lại được những bức ảnh phản ánh chân thực tình cảm của Người dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương.
Nghiêm khắc với nghề
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Khuê cùng vợ xem lại những bức ảnh cũ
Giờ đây nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Khuê đã bước vào tuổi 86. Thời gian khiến cho sức khỏe cũng như trí nhớ của ông giảm sút đi nhiều. Trong căn nhà ấm cúng ở khu tập thể Đá Mài (TP Hải Dương), ông chầm chậm lật từng tấm ảnh ghi lại những lần Bác về thăm Hải Dương cho chúng tôi xem. Đôi bàn tay của người nghệ sĩ già run rẩy nhưng vẫn thật nhẹ nhàng, cẩn thận trước những đứa con tinh thần của mình. Những bức ảnh tuy nhuốm màu thời gian song vẫn hiện rõ từng thời khắc lịch sử một cách sống động. Cầm những bức ảnh, ông bảo: "Tôi đến với nghề chụp ảnh là do đam mê. Nhưng khi được chụp ảnh Bác đó không chỉ đơn giản là đam mê nữa mà đã hình thành trong tôi trách nhiệm lớn lao đối với nghề. Qua năm tháng, mỗi bức ảnh lại hun đúc thêm trong tôi tình yêu với Tổ quốc, với đồng bào".
Chụp xong mỗi bức ảnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Khuê đều nghiêm túc rút kinh nghiệm. Ngày ấy, ông sử dụng máy ảnh chụp bằng phim. Mỗi cuộn phim chỉ có 12 kiểu. Nếu không chọn được góc chụp đẹp sẽ rất lãng phí và mất công thay phim mới. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Khuê cho biết trong số khoảng 100 bức ảnh chụp về Bác của ông có khá nhiều bức ảnh không đạt. Dù không rửa ra nhưng ông vẫn giữ lại những thước phim ấy để nhắc nhở mình.
Sau những lần chụp ảnh Bác, nghe Bác nói chuyện với cán bộ, nhân dân tỉnh nhà, người nghệ sĩ nhiếp ảnh ấy cũng trưởng thành hơn. Năm 1967, giữa lúc chiến tranh đang ác liệt, ông xung phong vào chiến trường và trở thành phóng viên ảnh đặc biệt. Có thời gian ông là phóng viên chuyên trách chụp ảnh Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Huỳnh Tấn Phát. Thời kỳ đó, 2 lần ông vinh dự được tham gia Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam. Sau này, ông tiếp tục phát huy sở trường của mình khi về công tác tại Thông tấn xã Việt Nam với vai trò là phóng viên ảnh.
Dù xa nghề đã lâu vì lý do sức khỏe nhưng nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Khuê vẫn đau đáu với nghề. Khi chia tay chúng tôi, ông ân cần dặn dò: "Người cầm bút cũng như cầm máy, đã làm báo chí cách mạng phải giữ gìn đạo đức làm đầu. Có đạo đức với nghề thì sẽ có những tác phẩm hay, những tác phẩm chân thực, được mọi người đón nhận".
THANH NGA