7 giờ, vợ chồng anh Châu Tam Phong và chị Nguyễn Thị Hồng Vân (Trà Vinh) bắt đầu ngày mới bằng việc đi mua bán dừa.
Vợ chồng anh Phong luôn có nhau trên đường mưu sinh. Ảnh: M.TÂM
Cả hai nắm lấy tay nhau, thỉnh thoảng chị kéo nhẹ tay anh để anh tránh bước phải những vũng nước, bụi rậm.
Rồi khi đến vườn dừa, dù đôi mắt mù lòa nhưng anh trèo thoăn thoắt, thoáng chốc lên đến ngọn. Anh dùng tay búng vào từng trái dừa rồi nói vọng xuống: “Buồng dừa này búng rung tay, chắc mẩm dừa già nha em”. Chị nói vói lên: “Ừ, cẩn thận nhe anh”.
Anh buộc buồng dừa rồi dùng dao chặt. Vợ ở dưới thả dây, hạ buồng dừa xuống. Khi anh vừa bước xuống, chị phủi những nhánh cây đang dính trên tóc chồng, rồi lấy tay chấm mồ hôi trên trán chồng.
Bán dừa xong, chị lo việc cơm nước, chăm sóc ông nội. Buổi chiều, vợ chồng anh lại tiếp tục hái dừa mưu sinh. Buổi tối khi cơm nước xong, cả nhà quây quần bên nhau. Chồng vừa đàn vừa hát, con trai 4 tuổi hòa theo.
Khi số phận lấy đi ánh sáng
Phong sinh ra trong gia đình nghèo khó. Năm 1 tuổi, bệnh tật đã lấy đi ánh sáng mắt bên trái của anh. Nhà nghèo, nên mười mấy tuổi đầu Phong đã phụ gia đình mưu sinh bằng nghề hái dừa mướn, hái cau thuê.
Không ngờ bất hạnh lại ập đến, đó là năm 15 tuổi, Phong bị một nhánh cây quẹt vào mắt phải khiến mắt mờ dần rồi mù hẳn. Không đầu hàng số phận, người thanh niên kiên trì tập luyện bàn tay, đôi chân... để có thể tự sinh hoạt, tiếp tục trèo dừa, mò cua nuôi sống bản thân và người thân.
Chị Vân quê ở Cái Bè, Tiền Giang, học đến lớp 12, rồi vì hoàn cảnh gia đình nên không học tiếp mà ở nhà phụ mẹ nuôi em bằng việc bán tiệm tạp hóa nhỏ.
Hai người quen nhau qua một người bạn. Trò chuyện qua điện thoại, cô gái thích giọng trầm ấm cùng những chuyện buồn vui của người thanh niên mù lòa và tình yêu nảy sinh khi tìm hiểu, chị biết anh siêng năng, hiếu thảo.
Còn Phong lúc đầu chỉ nghĩ kết bạn để tâm sự buồn vui chứ không dám tiến xa. Sau đó khi tâm sự ngày càng hợp ý, nhiều lần định ngỏ ý nhưng lòng anh lại cứ phân vân.
Nhưng rồi giọng cười ngọt khanh khách mang sự lạc quan, chia sẻ động viên của cô gái mỗi khi chàng trai trẻ gặp khó khăn, cộng thêm nỗi khát khao về một mái ấm gia đình khiến anh quyết định đến với chị.
Cha mẹ chị thấy con gái rất cương quyết lại thấy anh hiền lành, chịu khó làm ăn nên cũng
chấp nhận anh làm con rể...
...Nghị lực đã vun đắp tin yêuSau khi cưới nhau, anh không hái dừa mướn nữa mà mua bán dừa. Mỗi lần đi hái dừa, vợ chồng đều sóng đôi, chị chở anh đến địa điểm hái dừa. Rồi khi hái xong, chở dừa đem bán, vợ ngồi phía trước lái xe, còn chồng ngồi phía sau vịn dừa.
Anh kể cực nhọc cách mấy nhưng khi nghe tiếng cười của con và vợ, anh quên hết. Cứ vậy lần hồi bước qua từng đoạn khó khăn nhất...
Cuộc sống không thoát khỏi phút giây chao đảo. Đó là lúc cha của Phong lâm bệnh nặng, nhà không tiền, vợ chồng chạy vạy lo tiền thang thuốc, rồi khi cha qua đời, cùng chung tay cắc củm lo tiền trả nợ.
Đó cũng là lúc ông nội Phong tuổi đã lớn, bệnh tật triền miên, chị Vân đã chu toàn phận cháu dâu con từ miếng ăn, giấc ngủ. Thấy vợ vất vả, sớm hôm lo phụng dưỡng ông nội già yếu, anh càng thương chị hơn nên càng cố gắng đảm đương vai trò trụ cột.
Có lẽ tạo hóa muốn bù đắp cho người thanh niên khiếm thị này nên đã phú cho anh giọng ca rất hay. Lúc đầu anh đến đám tiệc hát cho vui, nhưng dần dà nhiều người thấy giọng ca anh rất ngọt, đậm đà nên mời anh đi hát đám cưới.
Rồi anh đi học đàn ghita, bàn tay người thanh niên cứ lần mò từng bàn phím. Việc trở thành ca sĩ miệt vườn giúp anh tăng thêm phần thu nhập, cũng như tiếng đàn lời hát giúp gia đình thăng bằng trong cuộc sống.
Anh tâm sự ông trời lấy của anh đôi mắt nhưng ban lại cho anh người vợ hiếu hạnh. Còn chị ánh mắt lóng lánh hạnh phúc: “Chồng tuy tật nguyền nhưng tràn đầy nghị lực, chí thú làm ăn, biết yêu thương vợ con, còn gì hơn...”.
MINH TÂM(Tuổi trẻ)