Mặc dù có ràng buộc pháp lý bằng hợp đồng, nhưng một số người cho thuê ô tô tự lái luôn nơm nớp lo sợ xe bị chiếm đoạt, hoặc bị mất một số tiền lớn mới lấy được xe về.
Thấp thỏm
Mấy tháng nay, anh P.T. ở phố Mạc Hiển Tích, phường Hải Tân (TP Hải Dương) đứng ngồi không yên do anh đã cho một thanh niên thuê chiếc ô tô KIA 1.6 đời 2024 của mình nhưng đến nay vẫn chưa được trả lại và chưa được thanh toán tiền thuê xe như hợp đồng đã ký. Càng gần Tết, nỗi lo của anh P.T. càng lớn do không thể liên lạc được với người thuê xe. Thiết bị gắn trên xe cũng đã bị ngắt kết nối khiến không biết xe đang ở đâu.
Theo hợp đồng được ký từ hơn 3 tháng trước giữa anh P.T. và anh N.T.C. (sinh năm 1994 ở thôn Phượng Hoàng, xã Cẩm Hoàng, Cẩm Giàng), chiếc KIA K3 biển kiểm soát 34A-77... có đầy đủ điều kiện lưu hành, xe bảo đảm điều kiện kỹ thuật. Người thuê có nhiệm vụ thanh toán 1 triệu đồng/ngày. Trong bản hợp đồng có đầy đủ giấy tờ liên quan của người thuê như căn cước công dân, giấy phép lái xe...
Sau khi cho thuê xe nhưng không nhận được tiền thanh toán, anh P.T. đã liên tục liên lạc nhưng không thành công. Khi tìm hiểu thì được biết, người thuê nguyên quán ở xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) nhưng hiện không ở địa phương, từng thuê trọ ở TP Hải Dương nhưng hiện không biết ở đâu. Sự việc sau đó đã được anh P.T. trình báo công an với mong muốn tìm được xe về để yên tâm ăn Tết, còn tiền thuê xe có thì tốt, mất cũng đành chịu. Đồng thời, anh P.T. đăng sự việc trên lên Facebook để cảnh báo.
Anh P.T. cho biết đã từng bị "bùng" toàn bộ số tiền thuê xe hàng chục triệu đồng mà còn phải bỏ ra hơn 100 triệu đồng để chuộc một chiếc ô tô KIA từ Hải Phòng về. Khi đó người thuê xe cắt toàn bộ liên lạc buộc anh P.T. phải lần theo định vị, chứng minh đó là xe của mình và làm thủ tục chuộc xe.
Dù chứng minh đúng là xe của mình nhưng để mang được xe về, anh P.T. vẫn phải trả tiền vì chiếc xe đó đã bị người thuê cầm cố. "Mặc dù không thường xuyên xảy ra nhưng việc lừa đảo vẫn có. Khi người thuê không thể liên lạc được, người cho thuê buộc phải bỏ tiền ra đi tìm xe vì đó là tài sản rất lớn", anh P.T. cho biết.
Theo anh T.H. - một trong những người cho thuê xe ô tô tự lái sớm nhất ở Hải Dương, hợp đồng giữa người cho thuê và người thuê là căn cứ pháp lý duy nhất và cao nhất, có thể làm bằng chứng để người cho thuê có thể báo cáo công an khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo.
Tuy vậy, đối tượng có chủ đích lừa đảo thường có rất nhiều thủ đoạn để giấu tung tích, gây khó khăn khi công an vào cuộc. Nhiều lúc chủ xe phải mất rất nhiều thời gian, tiền bạc và nhờ các mối quan hệ để đi tìm xe. Anh T.H. cho biết: "Nhiều trường hợp chỉ mong lấy được xe về là tốt rồi, còn tiền thuê xe, hao mòn máy móc và các hư hại khác thì tự chịu".
Thị trường béo bở của các đối tượng lừa đảo
Thị trường cho thuê ô tô tự lái tại Hải Dương, nhất là ở các đô thị ngày càng phát triển, mở rộng, với đủ chủng loại xe để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng.
Vào dịp gần Tết Nguyên đán 2025, nhiều người bắt đầu "gom" xe từ gia đình, bạn bè hoặc đi thuê xe của những người không có nhu cầu sử dụng trong dịp Tết để cho thuê lại. Trên các hội, nhóm ở Facebook, Zalo, nhiều loại xe có giá trị lớn, xe đời mới sẵn sàng cho thuê dịp Tết như KIA Canival, MAZDA CX8, CX5... với giá thuê tăng cao so với ngày thường.
Theo anh T.H. đây có thể là dịp để các đối tượng lừa đảo nhắm tới mà người cho thuê vẫn phải dựa vào "may - rủi" vì chưa có cách nào để phòng tránh.
"Chục năm trở về trước ở TP Hải Dương chỉ có lác đác vài người cho thuê xe tự lái với các loại xe cũ, giá trị không lớn như xe hiện nay. Các trò lừa đảo thời đó cũng không nhiều. Bây giờ có những chiếc xe có giá cả tỷ đồng nên nếu bị chiếm đoạt thì người cho thuê sẽ thiệt hại rất lớn", anh T.H. nói.
Thực tế đã có một số vụ thuê xe tự lái rồi chiếm đoạt xảy ra tại Hải Dương hoặc do đối tượng người Hải Dương thực hiện ở địa bàn khác. Như vụ việc Phạm Công Hùng (31 tuổi, ở xã Quốc Tuấn, Nam Sách) thuê của anh N.V.Đ, ở xã Thanh Hải (Thanh Hà) 1 chiếc ô tô trị giá trên 600 triệu đồng và mang đi cầm cố được 190 triệu đồng. Hoặc vụ Nguyễn Văn Dũng (42 tuổi, ở khu dân cư An Thủy, phường Hiến Thành, Kinh Môn) thuê một chiếc ô tô ở Hải Phòng rồi mang đến thị trấn Phú Thái (Kim Thành) cầm cố lấy 150 triệu đồng... Các vụ việc trên đều bị người cho thuê xe trình báo cơ quan công an và đối tượng phạm pháp đã bị khởi tố.
Gần Tết, nhu cầu tiêu dùng tăng cao khiến một số đối tượng xấu nhắm tới người cho thuê xe để chiếm đoạt phương tiện, mặc dù biết đó là hành vi phạm tội và sẽ bị xử lý nghiêm.
Còn với người cho thuê xe, dù biết có thể sẽ rủi ro nhưng vẫn phải chấp nhận kinh doanh để có thu nhập. Họ chỉ mong muốn làm ăn yên ổn, còn những đối tượng vi phạm pháp luật sẽ sớm bị xử lý.
TIẾN HUY