Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và lo ngại sản phẩm khó tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh đang rất e ngại khi tái đàn phục vụ thị trường Tết.
HTX Chăn nuôi gà thương phẩm xã Tân Việt (Thanh Hà) chỉ tái đàn khoảng 50.000 con gà để phục vụ Tết Nguyên đán
Thời điểm này những năm trước, các hộ chăn nuôi thường tập trung đầu tư tái đàn để phục vụ thị trường dịp Tết. Năm nay, do giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao và lo ngại sản phẩm khó tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh dè dặt, giảm quy mô hoặc bỏ trống chuồng trại.
Lo tiếp tục lỗ
Đến nay, 250 con lợn nặng từ 1-1,3 tạ/con của hộ anh Bùi Đắc Đến ở xã Lai Vu (Kim Thành) dù đến kỳ xuất bán nhưng vẫn rất khó tiêu thụ. Anh Đến cho biết do việc tiêu thụ lợn chậm, chưa có chuồng trại, lại lo ngại dịch Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp nên anh chưa thể tái đàn. Hiện giá lợn hơi vẫn thấp, từ 50.000-52.000 đồng/kg, anh Đến không có lãi do phải bỏ chi phí mua con giống. Trước đó đã có thời gian giá lợn hơi xuống thấp nhất trong vòng 2 năm qua. Nếu tái đàn lợn anh Đến lo lắng sẽ tiếp tục phải chịu thua lỗ.
Cũng giống như anh Đến, ông Trần Văn Thơ ở xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) đang khá thận trọng trong việc tái đàn. Năm nay, ông Thơ dự kiến chỉ nuôi khoảng 40 con lợn bán ra thị trường vào dịp Tết, giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ hộ nuôi lợn quy mô tập trung lớn gặp khó khăn, các hộ nuôi lợn nhỏ lẻ cho biết cũng bị ảnh hưởng trong việc tái đàn do nguồn cung lợn giống khan hiếm.
Tết Nguyên đán là dịp nhu cầu gà thịt tăng mạnh nhất trong năm nên thông thường những hộ chăn nuôi gà đều tái đàn với quy mô lớn. Hằng năm, để chuẩn bị cho lứa gà Tết, HTX Chăn nuôi gà thương phẩm xã Tân Việt (Thanh Hà) nuôi khoảng 140.000 con, nhưng năm nay số lượng này giảm chỉ còn khoảng 50.000 con. Các hộ thành viên HTX đều không mấy mặn mà với việc tái đàn vì vừa qua HTX đã có khoảng 24.000 con gà quá lứa, phải mất một thời gian mới tiêu thụ hết. Với mức giá khoảng 58.000-60.000 đồng/kg, người nuôi thua lỗ khoảng 10-15 triệu đồng/1.000 con gà. Theo đánh giá của một số hộ chuyên cung cấp con giống gia cầm ở xã Yết Kiêu (Gia Lộc), vào thời điểm các hộ chăn nuôi tái đàn chuẩn bị cho Tết, trung bình mỗi ngày các cơ sở cung cấp khoảng 9.000 con gà giống thì năm nay đã giảm hơn 30%, chỉ còn khoảng 6.000 con/ngày.
Cần cân nhắc
Nguyên nhân làm cho nhiều hộ chăn nuôi dè dặt tái đàn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá sản phẩm giảm. Theo một số hộ chăn nuôi, hiện trung bình giá thức ăn chăn nuôi đã tăng cao so với năm ngoái và có thể còn tiếp tục tăng. Hiện giá cám gà khoảng 320.000 - 330.000 đồng/bao loại 25 kg, tăng khoảng 80.000 đồng/bao; cám lợn từ 310.000 - 330.000 đồng cũng tăng khoảng 80.000 đồng/bao loại 25 kg.
Bên cạnh đó, nông dân cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm do các nhà hàng, quán ăn, nhiều bếp ăn tập thể tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19. Nhiều trang trại chăn nuôi vẫn còn tồn số lượng vật nuôi chưa tiêu thụ nên chưa có chuồng trại để tái đàn. Một số loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi như dịch tả lợn châu Phi chưa có vaccine phòng bệnh, các chủng bệnh cúm gia cầm tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát...
Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết để hạn chế rủi ro, người chăn nuôi cần cập nhật tình hình thị trường và căn cứ vào diễn biến dịch Covid-19 cũng như khuyến cáo của các ngành chức năng về việc thực hiện nghiêm các quy định trong chăn nuôi. Từ đó cần cân nhắc, tính toán việc tái đàn hợp lý tùy theo quy mô. Trước khi tái đàn, người chăn nuôi cần tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại theo định kỳ. Nhập các con giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là từ các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn với dịch bệnh, lò ấp bảo đảm tiêu chuẩn. Tiêm đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Khuyến khích nông dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chú trọng sản xuất an toàn, bảo đảm chất lượng và phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ khâu chăn nuôi đến giết mổ, sơ chế, chế biến và tiêu thụ.
HUYỀN TRANG