Hội Hưu trí ngành nông nghiệp tỉnh vừa xuất bản tập kỷ yếu nhân 20 năm ngày thành lập (1994-2014). Ngoài các phần tư liệu, những trang hồi ký đã ghi lại khá chân thực hình ảnh các cán bộ một thời đã gắn bó với thành tựu phát triển nông nghiệp Hải Dương.
Từ những năm 60 thế kỷ trước, thời còn chiến tranh chống Mỹ, hoặc sau ngày thống nhất, còn khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhưng các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh rất quan tâm đến nông nghiệp. Theo hồi ký Những kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên, ông Đoàn Phi Hùng được cử về chỉ đạo cải tạo ruộng bạc màu ở HTX Tự Luân (Gia Lộc), sau mấy vụ đạt kết quả tốt. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Chương đã về tận nơi, xắn quần lội ruộng kiểm tra. Rồi ông nói với mọi người cùng đi: “Phải làm như thế này lúa mới tốt được và năng suất cao. Việc này cần phải tuyên truyền, nhân rộng ra để nhiều nơi cùng làm”. Người kế nhiệm đồng chí Nguyễn Chương là đồng chí Ngô Duy Đông. Thời gian này, vấn đề lương thực vẫn hết sức gay gắt. Phải chọn được giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, có thể mở rộng vụ đông. Giống lúa nông nghiệp 1A đưa về huyện Cẩm Giàng đã thành công. Hồi ký Bức ảnh quý của ông Đặng Văn Trình, khi ấy đang là Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cho biết: Sau khi nghe báo cáo, bí thư bảo với ông Trình “lên xe, ta đi một vòng xem lúa”. Cả buổi chiều, hai thầy trò đi suốt từ Kim Giang, Lương Xá, Hoàng Xá, Tân Trường, Cẩm Phúc. So với giống lúa cũ, giống lúa ngắn ngày do đích thân Bí thư Tỉnh ủy mang từ miền Nam ra đã tỏ ra vượt trội. Bí thư xuống ruộng, ngắt vài bông, xem xem, đếm đếm rồi gật đầu thốt lên hai tiếng: “Được rồi!”. Chính từ hai tiếng đó, phong trào thâm canh tăng vụ được mở ra, Hải Hưng vươn lên đạt “1 triệu tấn lương thực” mà từ trước đến nay không ai mơ tới.
Cán bộ nông nghiệp thời ấy luôn luôn hết mình vì nhiệm vụ được giao. Trong bài Những ký ức khó quên, Giám đốc Công ty Vật tư nông nghiệp không quên những gian nan nguy hiểm khi vận chuyển phân đạm từ Hải Phòng về. Một lần, đoàn vận tải chất đầy phân đạm u-rê đậu ở Bến Bính. Toán kẻ gian áp thuyền cập mạn lấy trộm 6 bao. Khi bị phát hiện, chúng kéo đến vài chục người, nhảy lên tàu đánh công nhân. Cả 19 cán bộ, thủy thủ chống trả quyết liệt, có người bị đánh đau... Trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y, ông Nguyễn Bá Anh Thư như sống lại những ngày sản xuất, tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn lợn, “phong trào sôi động như ngày hội”. Ông Phạm Văn Chính 12 năm lãnh đạo Trường Trung cấp nông nghiệp Tô Hiệu, ghi lại chặng đường đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật cho nông nghiệp - nông thôn toàn tỉnh. Hai ông Nguyễn Văn Thanh, Hoàng Minh Ngọc lần đầu tiên sưu tầm, biên soạn nông lịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bí thư Ngô Duy Đông, một đóng góp quan trọng trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp.
Trong hồi ký, có những trang làm ta xúc động. Bài Lo chuyện Tết, ông Nguyễn Duy Phiếu kể lại lần ôm tập tiền của cơ quan, đi xe khách từ Hải Phòng về: “Xe chạy được một đoạn, có 5 thanh niên đội mũ cối, đeo kính đen lên xe. Tôi yên chí ôm chiếc cặp... Bỗng một bàn tay với qua vai tôi, giật lấy chiếc cặp. Một cái mũ đập thẳng vào mặt làm tôi choáng váng. Ngẩng lên, đã thấy ba thằng kèm sát, mặt mày bặm trợn: “Ngồi im nếu không muốn nhừ đòn!”. Khoảng 2 phút sau, chúng quẳng trả tôi chiếc cặp. Cũng may chúng chỉ lấy tiền, giấy tờ khác vẫn còn đầy đủ... Tôi xuống xe, bộ mặt bầm tím, đôi môi sưng vếu...”.
Với cán bộ quản lý ngành, các hồi ký cũng ghi lại những tấm gương tiêu biểu như Trưởng ty Hoàng Vĩnh Phú, Giám đốc Nguyễn Đức Thanh và một số đồng chí khác, nay dù đã đi xa nhưng sống mãi trong ký ức cán bộ, công nhân viên chức ngành nông nghiệp Hải Dương.
Hồi ký của những người đã cống hiến cho ngành, cho xã hội, đậm đà tình bạn, tình đồng chí, đồng nghiệp của Hội Hưu trí ngành nông nghiệp Hải Dương, là những trang viết chân thành, mộc mạc nhưng luôn hấp dẫn người đọc, vượt ra khỏi khuôn khổ một tập kỷ yếu thông thường.
VƯƠNG BẠCH