Thông qua nghệ thuật so sánh, nhà thơ Trần Quốc Minh đã làm nổi bật âm thanh của tiếng võng kẽo cà kẽo kẹt mà người mẹ sớm hôm tảo tần nuôi con khôn lớn.
Nhà thơ Trần Quốc Minh là người có số phận không may, bị liệt hai chân và teo cơ tay khi chưa tròn một tuổi. Nhưng bằng nghị lực và khát vọng vươn lên mãnh liệt, tác giả đã trở thành một nhà thơ tên tuổi. Ông có một số tập thơ được bạn đọc chú ý như Thành phố con tàu (năm 1974), Trồng nụ trồng hoa (năm1986), Tuần hoàn của đất (năm 2003), Gió thổi từ biển (năm 2006)...
Bài thơ Mẹ ra đời trong một hoàn cảnh cụ thể. Vào một đêm nhìn thấy em gái vất vả để vừa đưa võng vừa quạt ru con đang khóc ngặt nghẽo, nhà thơ đã cảm động mà bật ra bài thơ giản dị này. Tác phẩm viết theo thể lục bát nên chan chứa tình yêu thương của người mẹ dành cho con trẻ. Tấm lòng của người mẹ trong bài thơ là nỗi niềm chung của tất cả những bà mẹ trên đời này.
Bài thơ ngắn gọn, chỉ vỏn vẹn mười câu thơ lục bát viết liền một mạch, không phân khổ như một số bài thơ khác song vẫn lấp lánh một tình yêu thương cao vời, một tấm lòng người mẹ mênh mông, sâu thẳm. Tình thương con của mẹ chỉ có thể đo bằng đất trời, vũ trụ bao la, nó thanh cao trong suốt và dằng dặc như ngọn gió trời không bao giờ dứt.
Hai câu thơ mở đầu được tác giả mượn hình tượng con ve im tiếng vì mệt lả giữa mùa hè nắng oi đổ lửa để làm nổi bật tình thương yêu và sự khó nhọc của người mẹ nuôi con. Hẳn chúng ta đều đã nhiều lần nghe tiếng ve kêu sốt cả ruột mà rưng rưng thương cảm. Với người mẹ, giữa thời tiết khắc nghiệt ấy, vẫn bền bỉ ru con, không quản gian lao và khó nhọc:
Lặng rồi cả tiếng con ve
Con ve cũng mệt vì hè nắng oi
Nhà em vẫn tiếng ạ ời
Kẽo cà tiếng võng mẹ ngồi mẹ ru
Thông qua nghệ thuật so sánh, nhà thơ Trần Quốc Minh đã làm nổi bật âm thanh của tiếng võng kẽo cà kẽo kẹt mà người mẹ sớm hôm tảo tần nuôi con khôn lớn. Người mẹ sinh con đã là một cuộc trở dạ đau đớn đến quặn lòng. Có con rồi, người mẹ phải chịu biết bao nhọc nhằn, gian truân khác nữa. Từ bàn tay của mẹ, muôn ngàn ngọn gió cứ bay về ru ngủ giấc trẻ thơ. Có lẽ bắt đầu từ hai câu ca dao "Gió mùa thu mẹ ru con ngủ/Năm canh chầy thức đủ vừa năm" đã tạo cảm hứng cho tác giả Trần Quốc Minh vận dụng sáng tạo hình ảnh để làm nên những câu thơ thật mềm mại, sáng trong, nồng hậu như chính tấm lòng thương con của mẹ:
Lời ru có gió mùa thu
Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về
Mẹ như bà tiên hiền lành cần mẫn, lặng lẽ bên con chăm chút ngày đêm không nghỉ. Ban ngày, ví như con ve kia vì nắng hè nên cũng "lặng" cả rồi. Ban đêm, những ngôi sao thức ngoài trời cũng không thể sánh bằng sự thao thức của mẹ vì các con. Từ đó, tác giả nhấn mạnh tình cảm yêu thương bao la của mẹ không gì trên đời có thể so sánh được:
Những ngôi sao thức ngoài kia
Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con
Sâu sắc hơn, ở hai câu thơ kết bài, tác giả Trần Quốc Minh đã để cho hình ảnh người mẹ nhập vào ngọn gió thổi mát suốt cuộc đời con. Hóa ra mẹ đã là đất trời, là vũ trụ bao la để che chở và ru giấc ngủ của con mát lành, tròn trịa. Hai câu thơ cuối bài thật tự nhiên nhưng đã nâng bổng tứ thơ lên một cách xuất thần, độc đáo nhờ phép so sánh khẳng định của tác giả: "Mẹ là ngọn gió của con suốt đời".
Thơ viết về mẹ trên thi đàn xưa nay nhiều vô kể, nhưng để có được một bài thơ về đề tài này được người đọc nhớ quả là không dễ. Nhà thơ Trần Quốc Minh có số phận không may nhưng lại được trời ban cho cái “lộc thơ” thật lớn lao, kỳ diệu, đã để lại cho đời, cho tuổi thơ nhiều thế hệ một bài thơ thật cảm động về tình mẫu tử thiêng liêng.
LÊ THÀNH VĂN
Mẹ Lặng rồi cả tiếng con ve TRẦN QUỐC MINH |