Ngôi đình thờ ba danh nhân

09/08/2014 17:19

Đình Lôi Động thuộc thôn Song Động, xã Tân An (Thanh Hà) gắn với tên tuổi danh tướng thời nhà Trần Yết Kiêu và người anh hùng nông dân kiệt xuất thế kỷ XVIII Nguyễn Hữu Cầu.



Đình Lôi Động


Đây là cơ sở cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Ngôi đình là chứng tích về lòng yêu nước.

Địa linh sinh nhân kiệt

Không biết chính xác đình được xây dựng từ năm nào, chỉ biết sau khi Yết Kiêu mất, nhân dân xây đình thờ ông làm thành hoàng. Đình nằm trên một mảnh đất cao ráo, thoáng mát. Tương truyền, đây là mảnh đất thiêng nhất cả vùng, nơi có “9 con rồng chầu”. Theo thần tích, Yết Kiêu có cha là người làng Hạ Bì (Gia Lộc) làm nghề đánh cá. Cha ông từ Hạ Bì đến Lôi Động làm nghề, đã kết duyên với một cô gái chân quê và sinh ra danh tướng Yết Kiêu. Sau khi Yết Kiêu mất, để tưởng nhớ công ơn của ông nhân dân Lôi Động tôn ông làm thành hoàng làng, dựng đình thờ để muôn đời nhớ công ơn ông.

Đến thế kỷ XVIII, vùng đất thiêng này lại xuất hiện người anh hùng áo vải Nguyễn Hữu Cầu. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, thuở nhỏ ông được đi học, văn chương phát lộ và tỏ ra khí phách hơn người. Đặc biệt, ông rất ham thích võ nghệ. Bất mãn với triều đình Lê - Trịnh thối nát, năm 1731 ông tham gia phong trào khởi nghĩa, trở thành tướng giỏi của nghĩa quân với danh hiệu Quận He khi chưa đầy 20 tuổi. Đội quân nông dân của Quận He đã in dấu chân trên một phạm vi rộng lớn và đến đâu cũng ghi lại những chiến công oanh liệt. Đình Lôi Động còn thờ tiến sĩ Nguyễn Như Ngu, người có học vấn cao nhất của xã thời phong kiến. Năm 24 tuổi, ông đỗ tiến sĩ thời vua Lê Nhân Tông, làm quan đến chức Tự Khanh.

Thời hiện đại, ngôi đình tiếp tục là cơ sở của những người con quê hương Lôi Động yêu nước. Trong kháng chiến chống Pháp, nơi đây là địa điểm hội họp, liên lạc của những chiến sĩ cách mạng. Ngày 20 - 9 - 1953, Tỉnh đội quyết định lấy nơi đây làm đại bản doanh đánh bốt Bình Hà, uy hiếp huyện lỵ Thanh Hà. Không may bị lộ, chưa đầy một ngày, 3.000 quả đại bác lớn nhỏ đã tàn phá làng Lôi Động. Có một điều kỳ lạ là không một quả nào trúng vào đình, lực lượng ta được bảo toàn. Buổi chiều hôm ấy, bộ đội và du kích đã anh dũng đánh tan cuộc càn quét của địch, diệt 100 tên và bắt sống 58 lính Âu Phi.

Dấu ấn văn hóa


Không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, đình Lôi Động còn có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật. Sau 7 thế kỷ xây dựng, ngôi đình đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Kiến trúc hiện nay của đình được tạo dựng vào năm Thành Thái thứ 9 (1897), kiểu chữ đinh, gồm 5 gian tiền tế và 2 gian hậu cung. Mặt tiền quay về hướng đông nam, nơi có ngã tư đường thôn của vùng quê Tân An trù phú. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, ngôi đình vẫn giữ được vẻ uy nghi của nó. Nhìn từ xa có thể thấy mái đình cong, trên nóc là bức phù điêu đắp hai con rồng ở thế “lưỡng long chầu nguyệt”, mái ngói phẳng, rêu phong cổ kính. Bước qua sân đình lát gạch sạch sẽ, qua bậc tam cấp bằng đá phiến là đến tòa tiền tế. Tòa tiền tế gồm 5 gian được chống bằng hai hàng cột cái và hai hàng cột quân gỗ lim. Mái của tòa tiền tế là loại kiến trúc con chồng đấu sen, các chi tiết của mái đều được chạm khắc thanh thoát nhẹ nhàng. Các con dư được chạm khắc kiểu đầu rồng thời Nguyễn, đây là kiểu chạm khắc truyền thống và phổ biến ở các đình làng cùng thời. Những bức chạm khắc tinh tế nhất của tòa tiền tế là các bức cốn hình rồng vờn mây, hút nước. Đặc biệt có một bức cốn khắc cảnh cá  chép hóa rồng, một râu rồng đang kéo con cá chép từ sông lên trời xanh, cảnh sắc trời đất bao la tạo thành một bức phù điêu hấp dẫn. Gian trung tâm của tòa tiền tế được bài trí trang trọng nhất: Trên cùng là bức đại tự gồm 4 chữ Hán “Hải bất dương ba” nghĩa là biển không nổi sóng. Phía dưới cửa võng được bài trí 1 long đình, về hai bên là hai bộ bát biểu, binh khí. Gian bên tả và hữu mỗi bên có một bức đại tự được khảm trai, tạo dựng năm Duy Tân thứ 6 (1912).

Hậu cung của đình, các đại tự, y môn, ngai, sập thờ và các đồ tế tự được lưu giữ hầu như nguyên vẹn. Phần chính gian thứ nhất tòa hậu cung là sập thờ lớn, chất liệu gỗ dổi. Phía trước sập thờ là một đỉnh đồng, các chân đỉnh đều đúc theo kiểu trúc hóa long trông rất sinh động. Phía sau ngai thờ là 3 pho tượng: Ngai chính giữa thờ Yết Kiêu, bên phải là ngai thờ Nguyễn Hữu Cầu, bên trái là Nguyễn Như Ngu. Gian thứ hai của tòa hậu cung là cung cấm, là nơi đặt tượng cổ Yết Kiêu, một trong những cổ vật được đình gìn giữ nguyên vẹn đến nay. Tượng Yết Kiêu đẹp và khá đặc biệt. Tượng cao 1m60, đầu đội mũ quan, nét mặt hiền hậu, tay phải cầm khoan, một đầu nhọn và cán khoan hình đầu rồng, tay trái đặt lên đùi trái, chân phải dẫm lên giầy, chân trái lại xỏ vào giầy. Pho tượng nhìn rất sinh động, có thể thấy Yết Kiêu rất gần gũi với nhân dân nhưng rất nghiêm khắc với kẻ thù.

Đặc biệt, đình còn gìn giữ được một chiếc chuông đồng có niên đại Tự Đức năm thứ 12 (1859). Một trong những cổ vật quan trọng nhất của ngôi đình đó là 3 sắc phong của các triều đại phong cho Yết Kiêu còn được lưu giữ.


Chuông đồng - một trong những cổ vật có giá trị ở đình Lôi Động

Lễ hội đình Lôi Động được tổ chức vào dịp giỗ danh tướng Yết Kiêu, ngày 12, 13 tháng 3 âm lịch. Hằng năm cứ vào ngày này, nhân dân Lôi Động tổ chức tế lễ, dâng hương và nhiều trò chơi dân gian như hát chèo, dân ca, chọi gà, bịt mắt bắt dê, leo cầu thùm, kéo co… thu hút nhân dân địa phương và khách thập phương.

Đình Lôi Động đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia từ năm 1994. Tuy nhiên thời gian gần đây đình đã có dấu hiệu xuống cấp. Tồn tại 7 thế kỷ, đình Lôi Động là biểu tượng cho lòng yêu nước của nhân dân địa phương. Vì thế, các cấp chính quyền và ngành chức năng cần quan tâm tu bổ và bảo vệ ngôi đình cũng như gìn giữ các cổ vật có giá trị.

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngôi đình thờ ba danh nhân