Đình Tào Khê ở xã Chi Lăng Bắc là ngôi đình hiếm hoi trong tỉnh thờ đến 4 vị thành hoàng làng đều là dòng dõi vua Lạc Long Quân.
Đình Tào Khê được nhân dân phục dựng lại theo kiến trúc cũ nhưng quy mô nhỏ hơn trước
Giúp bà Trưng đánh giặc
Căn cứ vào các kết quả nghiên cứu và hệ thống sắc phong, câu đối, đại tự... còn lưu giữ tại di tích thì đình Tào Khê thờ 4 vị thành hoàng làng đều là thuỷ thần theo tín ngưỡng dân gian. Các ngài có tên hiệu lần lượt là: Thanh tĩnh, hoàng hoá, trung thành, kiến lượng; Linh ứng, thông minh, kim thanh, điện uy nghi; Kỳ giang, hoàng đế, hợp bộ; Lục trí, minh nghị, lĩnh bộ. Trong thần tích, thần sắc có ghi, các ngài đều là dòng dõi vua Lạc Long Quân nhưng không rõ ngày sinh, ngày mất. Khi cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng nổ ra, các ngài đã có công giúp Trưng vương đánh thắng giặc Đông Hán nên được các triều đại phong kiến sau này sắc phong, ghi nhận công lao.
Hòm đựng sắc phong thời Nguyễn
Ông Ngô Khoái, một người cao tuổi trong thôn Tào Khê cho biết, theo tài liệu được lưu giữ tại đình có ghi khi Hai Bà Trưng đi đánh giặc Đông Hán có ghé qua xã Tào Khê (nay là thôn) và vào đền thờ các ngài bái yết, nghỉ ngơi. Hôm đó, các ngài về báo mộng, bày cách đánh thắng giặc cho nghĩa quân. Từ đó nghĩa quân đánh đâu thắng đó, quân Đông Hán và Thái thú Tô Định buộc phải tháo chạy về nước. Sau chiến thắng vang dội, đoàn quân của Hai Bà Trưng đã quay lại đền thờ để cảm tạ ơn đức các ngài.
Hiện đình Tào Khê vẫn lưu giữ được 7 đạo sắc phong thời Nguyễn. Trong đó, đạo sắc phong ngày 25.7 năm Khải Định thứ 9 (tức năm 1924) có ghi lại công lao của các ngài như sau: "Có công giúp nước, che chở cho dân, linh thiêng hiển ứng. Trước đã được ban cho sắc phong, cho phép phụng thờ. Đến nay, đúng dịp trẫm tròn 40 tuổi, lễ lớn chúc mừng. Đã từng ban cho chiếu báu, ban ân rộng rãi, lễ long trọng, có phong tước vị. Nay được tặng thêm: "Vị thần bậc trung đẳng lớn lao, thấm nhuần khắp chốn. Đặc biệt cho phép xã phụng thờ thần, lấy ngày lễ lớn làm ngày quốc khánh ghi vào điển tự tế lễ..."
Nhiều hiện vật quý
Bản văn làm bằng gỗ có niên đại hàng trăm năm
Theo các cụ cao tuổi trong làng thì đình Tào Khê đã có từ rất lâu. Đến thời Nguyễn thì được xây dựng với quy mô lớn nằm trong quần thể kiến trúc gồm: đình, chùa và miếu. Đình nằm trên thế đất "phong thuỷ hợp quần", ba mặt được bao bọc bởi ao và sông Bến Cầu. Công trình có kiến trúc chữ Công gồm 5 gian đại bái, 5 gian trung từ và 5 gian hậu cung. Ngoài ra, di tích còn có 5 gian tả vu ở phía tây và 5 gian hữu vu ở phía đông. Tất cả đều được xây dựng bằng gỗ lim chắc chắn. Trong đó có nhiều kiến trúc được chạm khắc nghệ thuật theo đề tài tứ linh, tứ quý. Ngoại thất trang trí lưỡng long chầu nguyệt và các mái đao cong.
Đến tháng 4.1949, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, nhân dân địa phương đã tháo dỡ một phần đình Tào Khê. Các hạng mục còn lại cũng tiếp tục được hạ xuống vào những năm tiếp theo để lấy nguyên liệu làm hầm và lấy gỗ phục vụ chiến trường. Riêng các đồ thờ tự, ngai và bài vị của 4 vị thành hoàng làng được rước về chùa Tào Khê. Các năm 2004 và 2017, chính quyền và nhân dân trong thôn đã nỗ lực khôi phục lại ngôi đình trên nền đất cũ nhưng quy mô và kiến trúc khiêm tốn hơn xưa.
Đình Tào Khê thờ 4 vị thành hoàng làng thời Hùng Vương được nhân dân phụng thờ
Hiện đình Tào Khê còn lưu giữ lại nhiều hiện vật quý có giá trị lịch sử bao gồm: 1 hòm đựng sắc phong, 4 bài vị, 3 ngai thờ và một bảng văn. Các hiện vật này đều có niên đại từ thế kỷ XIX. Ngoài ra, 7 đạo sắc phong thời Nguyễn vào các năm 1853, 1857, 1887 và 1924. Các cổ vật này giúp hậu thế hiểu hơn về lịch sử Việt Nam và chế độ phong kiến. Đây là nguồn tư liệu quý về lịch sử di tích cần được địa phương quan tâm bảo tồn, tránh bị hư hại, thất lạc.
Hằng năm, đình Tào Khê diễn ra 3 lễ hội chính vào các ngày: mùng 6 tháng giêng, 15.3 và 15.8 âm lịch. Trong đó lễ hội chính diễn ra vào ngày 15.3 vì đây được coi là trọng hội. Vào hội chính nhân dân địa phương vẫn tổ chức đoàn rước kiệu các ngài theo nghi thức truyền thống. 18 dòng họ trong thôn tập trung bày biện lễ vật cung tiến. Trong những ngày diễn ra lễ hội, đình Tào Khê còn tổ chức các trò chơi truyền thống thu hút nhiều người tham gia như: vật, kéo co, bắt vịt, đi cầu kiều, đấu võ...
Năm 2011, đình Tào Khê được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.
ĐỖ QUYẾT