Đình Bùi Xá Hạ ở thôn Bùi Hạ, xã Lê Lợi (Gia Lộc) thờ võ tướng Trương Công Nghệ, người có công giúp Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục) đánh đuổi giặc Lương.
Đình Bùi Xá Hạ mang đậm kiến trúc thời Nguyễn
Ngôi đình còn giữ được nhiều kiến trúc cổ xưa, đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2001.
Huyền tích thành hoàng làng
Ngôi đình cổ kính tọa lạc ngay đầu làng, trên mảnh đất cao, đẹp với không gian thoáng đãng, xung quanh là ao làng, đậm nét văn hóa làng quê Bắc Bộ.
Tương truyền Trương Công Nghệ xuất thân từ thôn Bùi Hạ, mẹ ngài là Trần Thị Nguyên khi có thai, nằm mơ thấy thượng đế ban cho bảo kiếm. Mùng 10 tháng giêng năm Quý Tỵ, bà sinh được người con trai cao lớn khác thường, mặt đen như sắt, tay dài quá gối, bụng có điểm sao Bắc Đẩu, sau trăm ngày đặt tên là Nghệ. Người bấy giờ còn khen ngợi Nghệ sau này lớn lên chắc chắn sẽ là trụ cột quốc gia.
Năm Trương Công Nghệ 19 tuổi, ngày có sức khỏe phi thường, mọi người ai nấy đều kính phục. Năm 20 tuổi, khi Triệu Việt Vương đánh quân Lương, tiến đến huyện Gia Lộc trú binh tại chùa. Trương Công Nghệ có ý xin tham gia xuất chiến liền đêm đó nằm mơ thấy Tinh đồng đế quân (vua nhỏ tinh thông) từ trên không bay thẳng xuống, cười và ngâm một vần thơ nói về việc trời đã định họ Triệu làm vua, còn Trương Công Nghệ làm bề tôi. Cũng đêm đó, Triệu Việt Vương mơ thấy một cụ già ngâm tặng bài thơ nói về việc gặp người tên Nghệ sự nghiệp sẽ thành. Triệu Việt Vương giật mình tỉnh dậy thì quân Lương đã bao vây tứ phía, liền viết hịch truyền bảo Trương Công Nghệ giải vây. Nghệ đem quân đánh quân Lương đại bại. Triệu Việt Vương thoát khỏi vòng vây của giặc liền phong Trương Công Nghệ làm Đông Bình nguyên soái Đại tướng quân. Trương Công Nghệ lập ải trấn giữ, lập nhiều chiến công, đánh đuổi được giặc Lương. Đất nước thanh bình, ngài xin lui về Bùi Xá Hạ làm ấp thang mộc và mở yến tiệc ăn mừng cùng nhân dân 10 ngày.
Một hôm, Trương Công Nghệ đi dạo ngoài bến sông, ngồi trên mảnh đất trống hình như đống vàng, đột nhiên phong ba nổi lên và ngài hóa ở đó. Người dân tấu về triều đình và lập miếu thờ tại nơi ngài hóa. Để tưởng nhớ công lao của Trương Công Nghệ, người dân đã xây dựng đình để thờ, tôn là thành hoàng làng.
Bia đá cổ trong đình
Lưu giữ một số cổ vật quý
Theo sắc phong và văn bia thánh tích, đình Bùi Xá Hạ xây dựng vào cuối thời hậu Lê (thế kỷ XVIII). Một số người cao tuổi trong làng kể rằng cha ông có truyền lại trước đây cửa đình làm quay về hướng đông trên khu đất 5 sào. Sau dó, có một thời kỳ trộm cướp hoành hành nên người dân trong làng chuyển cửa đình quay về hướng tây. Nhân đó đình được xây dựng to hơn, kiến trúc chữ đinh với 5 gian đại bái và 2 gian hậu cung. Đợt trùng tu lớn nhất là thời Nguyễn năm 1913.
Ngôi đình ngày nay mang đậm kiến trúc thời Nguyễn. Kết cấu vì kèo con chồng giá chiêng, các bức chạm phù điêu dân gian rất sinh động và phong phú. Từ cột đình đến các họa tiết đều được làm bằng gỗ lim, tường xây bao bằng gạch, mái lợp ngói ta.
Ông Phạm Văn Bộ, công chức văn hóa – xã hội xã Lê Lợi cho biết đình trước đây có rất nhiều cổ vật giá trị như câu đối, đại tự, cuốn thư, cửa võng, khám, chuông đồng… nhưng trong kháng chiến chống Pháp, một số đồ vật có giá trị trong đình phải cống hiến. Nay đình còn lưu giữ được một số cổ vật quý gồm 4 văn bia đá cổ, 4 đạo sắc phong, 2 bức đại tự sơn sơn thếp vàng làm từ năm 1905 và 1912, hòm đựng sắc phong… Đình từng giữ được tượng thành hoàng làng Trương Công Nghệ bằng gỗ nhưng đến năm 2010 bị mất cắp. Bức tượng được thờ trong đình hiện nay là tượng đã được phục dựng.
Cụ Phạm Xuân Hoàn (74 tuổi) ở thôn Bùi Hạ cho biết trước đây, hội đình thường được tổ chức vào mùng 10 tháng giêng. Trong nghi lễ có phần rước kiệu đi lấy nước ở một vụng nước (nước sâu, xoáy và sạch nhất trong xã thuộc thôn Dôi Hống) để cầu may và dùng nước để tắm tượng, rửa đồ tế tự trong đình. Ngoài ra có phần rước kiệu từ đình làng ra miếu ngoài bờ sông nơi thành hoàng làng hóa sau đó quay lại đình làm lễ khai hội. Đi trước là đoàn múa lân, rồng, theo sau là đoàn rước kiệu và đông đảo nhân dân. Không khí rất vui nhộn. Ngày nay không còn phần lấy nước ở vụng xoáy về cầu may nữa vì nguồn nước không sạch như trước. Phần hội có các trò chơi dân gian như bắt vịt trong ao, đi cầu thùm, chọi gà, bịt mắt đập niêu, cờ người và hát chèo, tuồng.
Từ năm 2001 đến nay, người dân trong làng lấy ngày 8.3 âm lịch hằng năm để tổ chức lễ hội vì đó là ngày đình được công nhận di tích cấp quốc gia. Phần hội chỉ còn một vài trò chơi dân gian, buổi tối hôm trước có giao lưu văn nghệ giữa các làng.
Theo ông Bùi Chí Thắng, Trưởng thôn Bùi Hạ, hiện đình không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa mà còn là nơi sinh hoạt chính trị của thôn vì thôn chưa có nhà văn hóa.
Từ năm 2011 đến nay, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, người dân trong làng đã đóng góp hàng tỷ đồng để trùng tu tôn tạo mái ngói của 5 gian đại bái, sửa lại hậu cung do bị mưa dột, lát nền trong đình... Trong đó, người dân đóng góp khoảng 60%.
Mặc dù đã được tôn tạo nhưng ngôi đình cổ vẫn còn nhiều chỗ bị xuống cấp như một số họa tiết bằng gỗ đã bị bong tróc, phần hậu cung gia cố tạm nên vẫn bị dột khi trời mưa to. Hai bên nhà dải vũ cũng xuống cấp trầm trọng. Chính quyền và người dân địa phương mong các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ kinh phí để trùng tu tôn tạo di tích lịch sử văn hóa quốc gia đình Bùi Xá Hạ.
THẾ ANH