Ngôi đình cổ thờ danh tướng giúp vua Lý đánh giặc Tống

02/03/2021 10:41

Hiện nay, làng Gia Bùi, xã Gia Khánh (Gia Lộc) vẫn còn bảo lưu được nhiều thiết chế văn hóa cổ truyền, nhất là ngôi đình cổ hơn 100 năm tuổi rất linh thiêng.


Mặt chính đình Bùi, xã Gia Khánh

Làng Gia Bùi xư­a có tên gọi là làng Cốc Bùi thuộc xã Thượng Cốc, tổng Hội Xuyên, huyện Gia Lộc. Từ năm 1956 đến nay, làng Gia Bùi thuộc xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc.

Đình Bùi là ngôi đình cổ hơn 100 năm tuổi. Đình nằm ở đầu làng, trên một khu đất cao ráo, bằng phẳng, không gian thoáng đạt, cửa đình hướng nam nhìn ra hồ sen tạo khung cảnh nên thơ.

Đình thờ Thành hoàng làng là danh t­ướng Nguyễn Công Nguyên có công giúp vua Lý đánh thắng giặc Tống ở thế kỷ XII. Theo thần tích, Nguyễn Công Nguyên sinh ngày 11 tháng giêng năm Quý Hợi (1803). Vào thời nhà Lý, năm 1104, Nguyễn Công Nguyên tham gia cầm quân đánh giặc, ngài đã ghi đ­ược nhiều chiến công, sau khi đất nước thanh bình, ngài về sống tại quê nhà. Ngày 29 tháng 10 năm Ất Dậu, ngài mất, nhân dân lập miếu hương hỏa muôn đời.

Theo các cụ cao tuổi trong làng, đình được khởi dựng từ rất sớm. Ban đầu đình chỉ là một ngôi miếu nhỏ để dân làng thờ cúng Thành hoàng. Trải qua các triều đại thời phong kiến, miếu dần được dân làng nâng cấp thành ngôi đình. Vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX), đình được nhân dân dựng lại kiên cố. Trải qua khói lửa chiến tranh, nhiều ngôi đình vùng đồng bằng Bắc Bộ đã bị tàn phá, nhưng thật đặc biệt, đình Bùi vẫn vững chãi và bảo tồn nguyên vẹn cho đến ngày nay.


Bức chạm xà nách đình Bùi có niên đại thế kỷ XIX

Theo thời gian, ngôi đình ngày càng xuống cấp. Với lòng tâm huyết và tình yêu quê hương, các cụ bô lão trong làng đứng lên khởi xướng kêu gọi nhân dân công đức tu sửa lại đình để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Đến năm 1998, đình được trùng tu như thay mái, đảo ngói, phục hồi 4 góc đầu đao và đề án lưỡng long chầu nhật, gia cố tường đình. Năm 2001, xây cổng và tường bao.

Hiện nay, đình làng toạ lạc trên khuôn viên 725 m2 với diện tích xây dựng 100 m2. Tuy đình đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ nguyên được kiến trúc truyền thống thời Nguyễn (thế kỷ XIX) kiểu chữ (J) gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Kết cấu chính của công trình gồm hai phần là mộc và nề ngõa. Mái đình có 4 đầu đao cong, đắp rồng chầu phượng mớm; bờ nóc đắp nổi đề án lưỡng long chầu nguyệt; 2 đầu nóc là 2 con kìm. Hệ thống cửa ra vào được đặt trên thềm đá xanh chắc chắn. Bộ khung làm bằng gỗ tứ thiết, kết cấu vì kèo kiểu chồng rường giá chiêng, ngoài các đầu dư chạm đầu rồng với các đường nét chắc khỏe theo lối chạm lộng thì họa tiết trang trí hoa văn trên các xà nách là những mảng chạm khắc đạt trình độ nghệ thuật còn lưu giữ được nguyên bản tập hợp nhiều mảng chạm khắc dân gian như long, ly, quy, phượng được chạm theo tích long hý thuỷ hay các bẩy hiên chạm các bức cúc hóa long, trúc hóa long, mai hóa long, lá lật... đường nét mềm mại sống động.

Hậu cung gồm 3 gian vẫn giữ được kiến trúc cũ với các đường nét hoa văn đơn giản hơn tòa đại bái, gian giữa có ban thờ tượng Thành hoàng Nguyễn Công Nguyên. Hiện di tích còn lưu giữ được một số cổ vật thời Nguyễn như: Hòm sắc, ngai, bài vị.

Hằng năm, dân làng tổ chức lễ hội vào ngày sinh của ngài trong 3 ngày, ngày chính là 12 tháng giêng (âm lịch). Lễ hội gồm có rư­ớc kiệu, tế lễ cùng các hoạt động văn hoá như đọc và bình thơ, hát chèo, cờ người, tam cúc, vật, múa lân... trong không khí vui tươi, rộn ràng đầu xuân năm mới. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lễ hội không được tổ chức.

HƯƠNG THỦY  - NGUYỄN HẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngôi đình cổ thờ danh tướng giúp vua Lý đánh giặc Tống