Ngôi đình cổ có giá trị về kiến trúc nghệ thuật

15/03/2020 07:40

Tuy đã hơn 200 năm kể từ khi được tu sửa, đình Phí Xá vẫn giữ được nguyên vẹn cấu trúc tổng thể vốn có. Kỹ nghệ chạm khắc ở đây tinh xảo, sống động, mang đậm phong cách thời Nguyễn thế kỷ XIX.

Đình Phí Xá

Tương truyền đình Phí Xá tại xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) được khởi dựng trên một gò đất ở làng có tên là Mã Kề từ rất lâu đời. Sau đó cách ngày nay khoảng hơn 200 năm, đình được chuyển về vị trí hiện tại. Hiện nay, đình tọa lạc trên một dải đất cao ráo, thoáng, đẹp ở trung tâm làng Phí Xá. Đình tôn thờ hai vị thành hoàng là Nhị Lang Đoan Túc đại vương và Phích Lịch Uy lệ Hùng Mãnh - 2 vị thiên thần có công giúp nước, che chở cho dân thời Lê trung hưng. Trải qua các triều đại phong kiến, các vị thành hoàng đều được vua ban sắc phong và nhân dân bản xã thờ tự.

Suốt chiều dài lịch sử, đình Phí Xá đã trải qua quá trình tôn tạo nhiều lần. Vào thời Nguyễn (năm Gia Long thứ 10 - năm 1810), đình được tu sửa lại khang trang, to đẹp với kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian đại bái, 1 gian ống muống và 2 gian hậu cung. Trong thời kháng chiến, đình phải “kiêm nhiệm” rất nhiều chức năng như: Lớp học bình dân, kho vũ khí của quân đội, hội trường HTX… Lâu ngày, cùng với sự tàn phá của chiến tranh, ngôi đình bị xuống cấp, gian hậu cung bị phá hủy. Năm 2010, nhân dân khôi phục lại tòa hậu cung phía sau tạo cho đình giữ được nét kiến trúc như thời Gia Long.

Điều làm nên giá trị của ngôi đình này phải kể đến lối kiến trúc dân gian thời Nguyễn thế kỷ XIX còn nguyên vẹn. Kiến trúc bên ngoài của ngôi đình được xây dựng theo thuật phong thủy cổ của người xưa. Trước mặt đình là hồ nước rộng, được tạo theo thuật tụ thủy với mong muốn con cháu sau này sẽ được thịnh vượng, đủ đầy. Từ hồ nước, qua cổng tam quan, sân là tòa đại bái rộng 5 gian theo kiểu đao tàu déo góc, mái lợp ngói mũi, mái đình cong. Trên bờ nóc có đắp hình lưỡng long trầu nguyệt trông rất uy nghi. Hệ thống cửa ra vào đình được đặt trên thềm đá xanh chắc chắn. Bộ khung đình làm bằng gỗ tứ thiết, kết cấu vì kèo kiểu chồng rường giá chiêng trang trí chạm khắc chủ yếu tập trung trên các bức cốn, đầu dư, bẩy, con rường… đề tài tứ linh, tứ quý và hoa lá cách điệu.

Một đầu bẩy chạm lá hoá long

Nét nổi bật nhất của đình Phí Xá chính là kỹ thuật chạm khắc tinh tế, phong phú theo lối chạm nổi, chạm kiêng bong. Các đầu bẩy phía trước đầu khắc chữ triện, mặt phải chạm hình rồng, mặt phụ chạm lá hoá long đường nét uyển chuyển, duyên dáng, biểu hiện kỹ xảo kiến trúc đương thời.

Ba gian giữa toà đại bái có 4 vì kèo theo kiểu giá chiêng chồng giường. Tại gian trung tâm, 2 vì kèo chính có nhiều mảng chạm khắc tinh xảo như các bức rồng lá trên các đầu bẩy. Đặc biệt, 4 đầu dư còn được các nghệ nhân tạo thành 4 đầu rồng, râu, vây uốn lượn mềm mại tạo thành hình số 8 xoắn thành rồng thời Nguyễn điển hình. Các đường nét trên các đầu dư đều mượt mà, thể hiện được các hồn của linh vật. Các xà nách được chạm hoa văn lá hóa long đạt trình độ nghệ thuật cao. 

Qua gian ống muống là hậu cung gồm 2 gian được xây mới bằng bê tông cốt thép. Toàn bộ cột, kèo được xây bằng bê tông cốt thép nên các đường nét hoa văn đơn giản. Mái được làm bằng ngói mũi, kết cấu nóc theo kiểu thượng tứ hạ ngũ. Với lối kết cấu này, việc gắn kết giữa 2 toà nhà thêm chắc chắn.

Các cụ cao tuổi trong làng nhận xét ngôi đình rất linh thiêng, dù trải qua những cuộc chiến tranh mà không bị phá hủy hay hư hại quá nhiều.

THẬP NHẤT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngôi đình cổ có giá trị về kiến trúc nghệ thuật