Tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng, rộng rãi ngay sát bờ sông Cửu An, đền Từ Xá ở xã Đoàn Kết (Thanh Miện) là nơi duy nhất trong tỉnh thờ Trương Hán Siêu - một danh tướng, một danh nhân văn hóa thời Trần.
Đền Từ Xá đã được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 2001
Sử sách lưu truyền
Theo những tài liệu lịch sử, Trương Hán Siêu, tự là Thăng Phủ, người làng Phúc Thành, huyện Yên Ninh, phủ Trường Yên, nay là xã Phúc Am, huyện Yên Khánh (Ninh Bình). Năm sinh cũng như năm đỗ đạt của ông hiện chưa rõ, chỉ biết ông là người học giỏi, văn võ song toàn, một nhà văn, nhà chính trị nổi tiếng thời Trần. Ông làm môn khách của Trần Hưng Đạo, lập được nhiều công trạng lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 (1285) và lần thứ 3 (1288). Đến thời vua Trần Anh Tông (1293-1314), niên hiệu Hưng Long 16 (1308), ông làm quan ở Hàn lâm viện, sau đó được thăng chức Hành khiển. Năm 1339, thăng Môn hạ sảnh Hữu ty lang trung. Năm 1341, ông cùng Nguyễn Trung Ngạn biên soạn bài Hoàng triều đại điển và bộ Hình thư. Năm 1342, ông được thăng Tả ty lang trung kiêm Kinh lược sứ Lạng Giang. Năm 1351 thăng Tham tri chính sự. Hai năm sau, quân Chiêm Thành đến chiếm châu Hóa, mặc dù lúc này ông đã già, năm 1354 vua Trần vẫn cử ông thống lĩnh quân vào trấn châu Hóa. Vùng đất phía nam trở lại yên ổn, ông xin vua trở về kinh thành, chẳng may bị ốm nặng và mất trên đường về.
Tên tuổi và sự nghiệp của Trương Hán Siêu được ghi chép tương đối rõ ràng trong sử sách như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí… Sử thần Ngô Sĩ Liên trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư đã đánh giá cao về ông: “Là người chính trực, bài bác dị đoan, có tài văn chương và chính sự, vua chỉ gọi bằng thầy mà không gọi tên. Ông từng soạn bài văn bia chùa Nghiêm Quang ở Bắc Giang…”. Bài Bạch Đằng giang phú nổi tiếng của ông còn lưu truyền đến ngày nay. Năm 1936, vua Trần đã truy phong ông chức Thái phó và cho thờ ở Văn miếu.
Dân làng phụng thờ
Các cụ cao niên trong làng cho biết, Từ Xá tuy không phải là quê hương của Trương Hán Siêu nhưng vùng đất này lại có mối liên quan đặc biệt đối với ông. Theo truyền ngôn, sau khi đánh tan quân giặc Nguyên Mông, đất nước thanh bình, ông đã đi đến nhiều nơi, trong đó có làng Từ Xá. Thấy vùng đất nơi đây có điều kiện thuận lợi với nghề đánh bắt cá, ông đã dạy dân làng làm nghề chài lưới. Dần dần theo thời gian, nghề đánh bắt chài lưới trở thành nghề chính của dân làng. Ghi nhận công lao của ông, dân làng đã tôn làm thành hoàng và dựng đền thờ tự. Trải qua các triều đại phong kiến, ông đều được sắc phong thần.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, thành viên Ban quản lý di tích, đền Từ Xá xưa có khuôn viên rộng lớn, phong cảnh hữu tình. Niên đại khởi dựng đền chưa xác định được nhưng căn cứ vào họa tiết hoa văn, trang trí chạm khắc trên vì kèo có thể xác định đền xây dựng vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII). Đến thời Nguyễn, niên hiệu Thành Thái 19 (1907), ngôi đền được trùng tu tôn tạo lại khang trang, kiến tạo theo kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung, kết cấu gỗ lim chắc chắn. Đương thời, khu di tích còn có hai dãy dải vũ, mỗi dãy 3 gian ở phía bắc và phía nam, chất liệu cũng bằng gỗ tứ thiết. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, vào năm 1947 - 1948, đền là địa điểm được đơn vị Công khí sử dụng làm công binh xưởng sản xuất vũ khí. Để phục vụ kháng chiến, dù rất tiếc nhưng nhân dân trong làng vẫn quyết định dỡ dải vũ, sàn đền cùng một số câu đối, đại tự .. bằng gỗ lim làm cầu phục vụ bộ đội qua sông Cửu An đánh giặc.
Trải qua hai cuộc kháng chiến gian lao, ngôi đền Từ Xá vẫn được dân làng dày công gìn giữ. Chính vì vậy, kiến trúc cổ của đền còn đến ngày nay gồm có tòa tiền tế và tòa hậu cung, toàn bộ hệ thống cột, kèo, hoành, rui làm bằng gỗ lim, các đầu bảy hiên chạm kênh bong các đề tài trúc lóa long, lá lật… tinh xảo, nghệ thuật. Ngoài hệ thống đồ thờ tự cổ kính, hậu cung còn một ngai thờ chất liệu gỗ sơn son thếp vàng thờ thành hoàng tạo dựng vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX).
Ngày 19.1.2001, Bộ Văn hóa Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch quyết định xếp hạng đền Từ Xá là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Từ đó đến nay, đền đã qua một số lần tu sửa, lần trùng tu gần đây nhất là vào tháng 6.2021 theo sự hướng dẫn của ngành văn hóa bằng nguồn ngân sách của nhà nước và công đức của con em địa phương và du khách gần, xa.
Hằng năm, lễ hội tại đền tổ chức trọng thể, rầm rộ với hai phần: phần lễ và phần hội từ ngày mồng 4-7 tháng 3 âm lịch. Trong đó, phần lễ gồm nghi lễ rước kiệu xung quanh làng, tế thành hoàng do đội tế nam và đội tế nữ thực hiện. Phần hội gồm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và nhiều trò vui gắn liền với sông nước như thi quăng chài đánh bắt cá, bơi lội…
Ông Trần Văn Độ, trưởng thôn Từ Xá khẳng định: “Việc duy trì lễ hội đền Từ Xá hằng năm không chỉ có ý nghĩa sâu sắc về mặt tâm linh mà còn góp phần giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhắc nhớ cho các thế hệ trẻ về sự xuất hiện của một nghề cổ truyền tại địa phương là nghề đánh bắt cá do vị thành hoàng của làng đã truyền dạy. Hiện nay, tuy người dân làm nhiều ngành nghề nhưng vẫn còn khoảng 1/3 số hộ trong làng vừa làm nghề nông vừa làm nghề chài lưới, đánh bắt cá dọc sông Cửu An”.
NHẬT HỮU