Tổng thống Indonesia Joko Widodo kết thúc chuyến công du Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tuần qua.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo kết thúc chuyến công du Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tuần qua, ngay trước khi Indonesia tham gia tập trận quốc phòng quy mô lớn Siêu lá chắn Garuda 2022 với Mỹ và các quốc gia đối tác Úc, Nhật và Singapore từ ngày 1 đến 14.8.
Đây được coi là điển hình của chính sách ngoại giao không liên kết thông minh của Indonesia khi Jakarta nỗ lực cân bằng mối quan hệ Mỹ - Trung cũng như tam giác Trung - Nhật - Hàn, cũng như cố gắng tận dụng lợi ích an ninh và kinh tế tốt nhất từ những mối quan hệ này.
Mang về 13 tỷ USD
Chuyến thăm Đông Bắc Á của ông Widodo không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng khi cố gắng duy trì vị thế trung lập của Indonesia với các cường quốc đang cạnh tranh nhau như Trung Quốc với Nhật Bản và Hàn Quốc, mà còn mang về ít nhất 13 tỷ USD cam kết đầu tư và các thỏa thuận thương mại.
Ông Widodo bắt đầu chuyến công du hôm 26.7 với điểm dừng Trung Quốc, nơi ông là nguyên thủ quốc gia đầu tiên có chuyến thăm, làm việc cấp nhà nước tới Trung Quốc kể từ Thế vận hội Bắc Kinh mùa đông đầu tháng 2 năm nay.
Ngoài việc hai bên tiếp tục ủng hộ sáng kiến Vành đai con đường (BRI) của Trung Quốc và tầm nhìn trở thành Trục hàng hải toàn cầu (GMF) của Indonesia, Tổng thống Widodo và Chủ tịch Tập Cận Bình nhất trí tăng cường quan hệ kinh tế. Trung Quốc cam kết tăng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Indonesia, trong đó nhập thêm 1 triệu tấn dầu cọ thô trị giá 1,5 tỷ USD.
Hai bên cũng khẳng định cam kết hoàn thành đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung dài 143km, một dự án BRI chậm hoàn thành khi chi phí đội vốn gần 2 tỷ USD cùng những vấn đề khác. Theo một báo cáo BRI từ Trung tâm tài chính và phát triển xanh của Trường Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, Indonesia là nước nhận đầu tư BRI lớn thứ ba sau Saudi Arabia và Cộng hòa dân chủ Congo trong nửa đầu năm nay.
Bên cạnh nhận được cam kết giúp đỡ từ ba quốc gia Đông Bắc Á trong việc di dời Thủ đô Jakarta (dự án quan trọng của ông Widodo), một kết quả đáng chú ý của chuyến công du là lợi ích kinh tế khi Indonesia có được cam kết đầu tư từ các nhà sản xuất Nhật Bản và Hàn Quốc để giúp mở rộng ngành công nghiệp xe điện của Indonesia.
Trong chuyến thăm của ông Widodo tại Tokyo, 10 công ty Nhật Bản đã cam kết đầu tư tổng cộng 5,2 tỷ USD trong vài năm tới. Trong đó, Toyota Motor công bố kế hoạch đầu tư khoảng 1,8 tỷ USD trong 5 năm tới để sản xuất xe điện tại nước này. Ngoài ra, Mitsubishi Motors cam kết sẽ đầu tư khoảng 675 triệu USD vào nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á từ năm 2022 đến năm 2025 để sản xuất ôtô hybrid và xe điện.
Tại Seoul, ông Widodo có được cam kết đầu tư còn nhiều hơn khi có khoảng 6,72 tỷ USD từ các công ty Hàn Quốc, bao gồm cả lĩnh vực pin xe điện, thép và khí đốt. Theo các quan chức Indonesia, thỏa thuận đầu tư sản xuất thép trị giá 3,5 tỷ USD cũng đã đạt được giữa Krakatau Steel thuộc sở hữu nhà nước Indonesia và Tập đoàn Posco của Hàn Quốc.
Đối ngoại "độc lập, tích cực"
Tuy nhiên, vấn đề kinh tế không là mục tiêu duy nhất trong chuyến công du Đông Á của ông Widodo. Jakarta còn mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các nước để hội nghị thượng đỉnh G20 mà nước này tổ chức vào tháng 11 tới tại Bali sẽ thành công tốt đẹp.
Tổng thống Widodo đã tập trung vào việc đích thân mời những người đồng cấp của mình tham dự hội nghị thượng đỉnh. Sự có mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng với Tổng thống Biden sẽ rất có ý nghĩa đối với hội nghị thượng đỉnh được tổ chức ngay sau đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vào mùa thu tới với dàn lãnh đạo mới.
Đây cũng là cách để Indonesia thể hiện vai trò hòa giải giữa các bên cũng như cân bằng các mối quan hệ giữa các cường quốc trong khối G20. Là quốc gia đông dân nhất và có nền kinh tế lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, Indonesia phải chứng tỏ rằng họ có năng lực kiến tạo hòa bình trong khu vực cũng như trung gian hòa bình giữa Nga và Ukraine.
Trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, ông Widodo không chú ý nhiều đến vấn đề đối ngoại nhưng trước khi kết thúc nhiệm kỳ hai vào năm 2024, ông muốn để lại di sản chính sách đối ngoại "độc lập và tích cực" khi muốn vừa thúc đẩy quan hệ kinh tế với Trung Quốc nhưng cũng không muốn hy sinh mối quan hệ tốt đẹp với Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.
Mặc dù có nhiều lo ngại ở Indonesia về các thỏa thuận kinh tế với Trung Quốc sẽ khiến Indonesia lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc nhưng chính sách đối ngoại tự tin, độc lập, mạnh mẽ của Tổng thống Widodo với các cường quốc trong giai đoạn thế giới đang chia rẽ sâu sắc sẽ là bài học cho các quốc gia không muốn chọn bên.
Để theo đuổi chính sách "không chọn bên" thành công, điều quan trọng là phải tự tin trước các sức ép bên ngoài.
Đề cập Biển Đông, Đài Loan
Tổng thống Widodo được cho là đã bàn bạc với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol về tác động tiêu cực đến khu vực ASEAN và Đông Á do căng thẳng giữa Trung Quốc với Đài Loan và Nhật Bản gây ra.
Nhà lãnh đạo Indonesia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình ở Biển Đông và cách để duy trì ổn định và hòa bình là tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Theo Tuổi trẻ