Ngay trong lòng thành phố biển Hạ Long (Quảng Ninh) cũng có một nơi sở hữu cung đường đèo uốn lượn quanh rừng nguyên sinh, đồng cỏ xanh ngát, suối mát trong lành và văn hóa người Dao bản địa độc đáo.
Thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) vốn nổi tiếng về du lịch biển với Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Giờ đây khi tới thành phố này, du khách không chỉ "xuống biển" mà còn thêm trải nghiệm "lên rừng" đầy mới lạ.
Từ trung tâm thành phố theo hướng Bắc, lên những con đèo quanh co, Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng là món quà từ “rừng vàng” mà Hạ Long có được sau khi sáp nhập toàn bộ huyện Hoành Bồ từ năm 2020.
Khu bảo tồn có diện tích hơn 15.000 ha trên địa bàn 5 xã của TP Hạ Long. Đây là hệ sinh thái rừng kín thường xanh núi thấp lớn nhất vùng Đông Bắc Việt Nam, có giá trị đa dạng sinh học đặc sắc với hơn 500 loài thực vật thân gỗ, hơn 600 loài thân thảo, trong đó nhiều loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới; nhiều loài chim thú quý hiếm như hổ, vượn đen, voọc má trắng…
Giá trị cảnh quan chưa được biết đến rộng rãi khiến nơi đây tựa như “sơn nữ bước ra từ rừng già”. Các đỉnh núi không quá cao, chỉ hơn 1000m như Thiên Sơn, Khe Ru, Đồng Trà, Am Váp… nhưng giữa các khu vực lại có độ chênh lớn tạo nên cảnh quan hiểm trở kỳ thú. Trong những cánh rừng tự nhiên là hàng trăm con suối lớn nhỏ đan xen, thích hợp để đi bộ dưới tán rừng, lội suối, vượt đèo, chinh phục các đỉnh núi mây phủ…
Nằm ở nơi xa xôi nhất cách trung tâm Hạ Long hơn 60km, xã Kỳ Thượng là nơi sinh sống của người Dao Thanh Phán, đời sống gắn bó chặt chẽ với những cánh rừng già bạt ngàn từ nhiều đời nay.
Nhận thấy giá trị khác biệt của quê mình, những người trẻ ở Kỳ Thượng đã cùng nhau xây dựng dự án du lịch cộng đồng Am Váp Farm tại thôn Khe Phương, tạo nên một điểm đến mới lạ và ấn tượng.
Du khách từ miền xuôi sẽ tham gia trải nghiệm các hoạt động gần gũi với thiên nhiên như tắm suối, chèo thuyền, đi bộ khám phá rừng trúc, rừng cộng đồng với những cây dổi, lim, dẻ cỡ lớn vài người ôm… đã được nhiều thế hệ người Dao chăm sóc, bảo vệ.
Ẩm thực mang đặc trưng của vùng núi như cá khe, ốc suối, ếch đồng, gà bản… phục vụ thực khách do người dân tự cung, tự cấp.
Đặc biệt, văn hóa của dân tộc Dao Thanh Phán bản địa được chính người dân giới thiệu đến du khách. “Bà con rất ủng hộ và nhiệt tình tham gia làm du lịch, tham gia dạy và học các lớp văn hóa chữ Nho, thêu thùa,... Thấy văn hóa của mình trước ở bóng tối mà giờ được đưa ra ngoài để mọi người biết đến, được quan tâm tạo điều kiện bảo tồn phát triển thì ai cũng đều vui mừng”, anh Bàn Văn Vy - Bí thư, Trưởng thôn Khe Phương cho biết.
“Vào những ngày lễ truyền thống như lễ Cấp sắc, Tết dài, cúng Bàn Vương, chúng tôi đưa khách tới các gia đình để họ trải nghiệm thực tế và dùng bữa cùng gia chủ luôn. Vào cuối tuần thì tổ chức hát, giao lưu, nhảy sạp cùng bà con dân bản”, anh Lý Tài Ngân - một trong những người đi đầu xây dựng dự án chia sẻ việc mở rộng mô hình homestay để có thêm nhiều người dân cùng tham gia.
Hiện thôn Khe Phương có khoảng 30 hộ dân tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các hoạt động phục vụ du lịch, trong đó có cả những lao động trẻ đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng trở về quê hương.
“Thiên nhiên trong lành, mát mẻ, người dân nhiệt tình mến khách, tôi không nghĩ ngay tại Hạ Long lại có phong cảnh hoang sơ hùng vĩ như vậy, thực sự là trải nghiệm rất mới lạ” - chị Đoàn Lê Thu, một khách du lịch ngay tại Quảng Ninh ấn tượng.
“Du lịch sinh thái, phát huy bản sắc văn hóa người Dao là một trong những hướng đi của Kỳ Thượng để phát triển bền vững, nhất là khi tỉnh Quảng Ninh đã có chủ trương xây dựng tuyến đường kết nối Quảng Ninh – Lạng Sơn qua địa bàn xã”, ông Linh Du Hồng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng cho biết.
Từ một nơi “thâm sơn, cùng cốc”, Kỳ Thượng đang đứng trước cơ hội phát triển mới, kéo gần hơn khoảng cách với miền xuôi. Với những con đường, cây cầu mới cùng nhiều dự án du lịch tầm cỡ đang dần triển khai, hành trình đưa du khách đến với khu bảo tồn, với những bản làng người Dao sẽ không còn xa xôi.
Theo VOV